Dòng sự kiện:

Cô bé nuôi sống cả gia đình bằng nghề... đi bán quần áo chó mèo dạo

20:49 24/08/2015
Đã mấy năm nay, ngày nào Trâm cũng đạp xe khắp các con phố Sài Gòn để bán quần áo chó mèo.

 

 

 

 

Cô bé tự thiết kế mẫu mã và tự in hình lên quần áo để tiết kiệm chi phí

Trâm sinh ra và lớn lên ở Quy Nhơn, Bình Định nhưng đã rong ruổi suốt các hẻm Sài Gòn được 4 năm nay. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ 10g sáng là cô bé xách bịch quần áo lên đường. Em đạp xe khắp các ngõ phố, thấy nhà ai có chó, mèo là mời mua quần áo...

Theo lời kể của chị Hiệp (SN 1979, mẹ của Trâm) thì ba của em thường xuyên rượu chè, nhiều lần đánh vợ con. Có khi nửa đêm, ba mẹ con Trâm phải chạy qua nhà hàng xóm lán nạn. Chịu không nổi những trận đòn roi, năm 2012, giữa đêm lạnh giá, ba mẹ con Trâm trốn vào Sài Gòn khi trong túi chỉ có 100.000 đồng. 

Đến bến xe, không biết đi đâu về đâu vì không nhà cửa, không bà con họ hàng, ba mẹ con lên một chiếc xe buýt rồi... tới đâu thì tới. Xe chạy đến bờ kè trên đường Hoàng Sa, Trường Sa thì trả khách. Bụng đói, trong túi không còn một đồng, người mẹ và hai đứa con thơ phải ngủ ngoài lề đường. Năm ấy, em gái nhỏ của Trâm vừa tròn 4 tháng tuổi. 

"Kể ra thì xấu hổ, nhưng chúng tôi đã đi vào ngõ cụt, sáng ra đứa em của Trâm còn đỏ hỏn khóc thét vì thiếu sữa, Trâm thì chịu đựng cũng không được bao lâu, mẹ con tôi đành ngồi bên vệ đường xin tình thương của mọi người đi ngang. Người Sài Gòn nhân ái lắm, chúng tôi cũng có được bữa ăn qua ngày. Có một cô mở quán ăn, thương tình nhận ba mẹ con vào rửa chén, cho ăn ở miễn phí, nhờ thế tôi có một số vốn, buổi nào quán không bán thì chúng tôi lãnh vé số đi bán". Chị Hiệp ngậm ngùi nhớ lại. 

Để kiếm sống, Trâm và mẹ lang bạt khắp Sài Gòn, làm qua rất nhiều nghề như phụ bếp, phụ hồ, bán vé số... Cũng có những đêm ba mẹ con phải co ro bên lề đường đợi trời sáng. Mãi sau này, một chị chủ nhà tốt bụng đã cho ba mẹ con ở trọ giá rẻ, một căn nhà cấp 4 giản dị gần bến xe An Sương. Mẹ của Trâm tâm sự: "Chị chủ nhà dễ thương lắm, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên lâu lâu chậm tiền nhà một vài bữa, chị ấy vẫn vui vẻ cho qua. Chứ như nhiều nơi khác là họ đuổi ba mẹ con đi rồi".

Do bị bệnh bướu cổ nên hai năm nay, sức khỏe của chị Hiệp rất yếu, không thể bươn chải mưa nắng. Biết mẹ từng làm công nhân may ở xí nghiệp, Trâm bàn với mẹ may đồ em bé đem bán ở lề đường. Nhưng thấy đồ trẻ em có khá nhiều người bán, Trâm nghĩ đến việc may đồ cho chó, mèo và được mẹ đồng ý.
Thế là hai mẹ con đi thuê máy may, máy vắt sổ về làm. Thương mẹ con Trâm hoàn cảnh quá khó khăn, người chủ không nỡ cho thuê mà cho mua trả góp, đến nay hai mẹ con còn nợ hơn 2 triệu đồng.

Thường, chị Hiệp ở nhà vừa trông con nhỏ, vừa cố gắng may khoảng 20 bộ quần áo cho chó, mèo mỗi ngày. Còn nhiệm vụ của Trâm là rong ruổi khắp các con đường, ngõ hẻm. Cứ nhà nào có thú cưng, em lại gõ cửa để chào mời mua hàng. 

"Ban đầu em rất nản, vì em mang đồ đi gõ cửa từng nhà quanh khu vực này, chạy lòng vòng khắp nơi, những nhà có chó, người nào dẫn chó đi dạo em cũng đến mời nhưng chẳng ai mua. Có lúc sợ không đủ tiền trả tiền nhà, cô chủ lại đuổi như những chỗ khác, em vừa khóc vừa đạp xe đi lòng vòng. Đến khi ra khu vực Quận 1 thì mới bán được. Từ đó sáng ra em đạp xe đi nhiều đường rồi ngồi ở chợ Bến Thành bán", Trâm chia sẻ.

"Bí quyết" bán đồ của Trâm đơn giản là phải quan sát, tìm nhà có chó mà đến mời, phải thật kiên nhẫn, không ngại ánh nhìn soi mói của những đứa trẻ cùng trang lứa. Có lần chúng thấy Trâm đi bán thì chỉ trỏ, trêu chọc: "Có con nhỏ bán gì không bán, lại bán đồ cho chó!". 

Vì phải tích lũy từng đồng để lo tiền trọ, tiền ăn, tiền trả góp máy may,... nên Trâm chủ động tiết kiệm bằng cách buổi sáng đi bán trễ một chút để ăn cơm nhà, sau đó mang theo chai nước để uống khi khát, và không ăn thêm gì cho đến tận khi về nhà. Hôm nào có các cô, các chú thương tình cho tô bún, hộp cơm thì em mới dám ăn. Hoặc khi "trúng mánh" em tự thưởng cho mình một bịch khoai mỡ 5.000 đồng, tiền kiếm được em đưa hết cho mẹ lo chi phí.
Bà Trần Thị Kim Tuyến (53 tuổi, ngụ Q. Tân Bình), một khách hàng của Trâm kể lại: "Ban đầu con bé đến mời tôi mua bán quần áo chó mèo tôi không tin, nhưng sau đó thấy nó thật thà thì thương lắm. Nó nhỏ xíu, chiếc xe đạp và giỏ đồ còn to hơn nó. Thỉnh thoảng Trâm đi ngang nhà tôi kêu nó nghỉ ngơi bớt nắng, nhưng con bé chỉ cười nói cảm ơn rồi vội vã đi. Nó bán dạo nhưng lễ  phép lắm, một cũng dạ, hai cũng dạ". 
"Tôi thấy Trâm đi bán từ sáng cho đến tối, có hôm đến 12h khuya mới về đến nhà. Ở đây người ta ngủ sớm, đường vắng, tôi khuyên nó về sớm sớm 9h tối là về đến nhà đi, nhưng nó không nghe, cứ nói dạ không sao đâu cô, con ráng bán thêm tí nữa biết đâu có người mua thêm một hai cái. Tội con bé nhưng cũng phải chịu, mẹ nó bệnh lại còn phải trông em nó nên không đi với nó được", một người hàng xóm nói về cô bé. 

Sài Gòn không thiếu những tấm lòng nhân ái nhưng cũng có nhiều cạm bẫy mà một cô bé mới lớn nếu không vững tâm sẽ dễ dàng sa ngã. Trâm kể, có lần em đang đạp xe về thì có người đàn ông trạc tuổi ông của Trâm chạy ngang rủ em đến... chỗ vắng người, quá sợ hãi em phải vòng xe đi về bằng đường khác. Dù phải sớm bươn chải kiếm sống lo cho gia đình nhưng Trâm vẫn còn là một cô bé. Đi trên đường em sợ nhiều thứ, sợ tiếng còi xe, sợ đường vắng, sợ người ta trấn lột... Như gần đây nhất, trên đường về nhà về bị giật mất chiếc điện thoại "cùi", em hốt hoảng suýt té xe. Thế nhưng, nỗi sợ lớn nhất của Trâm là không bán được đồ, không lo đủ tiền nhà. 

Trâm tâm sự: "Cô chủ rất tốt với mẹ con em, cô tính giá rẻ, tháng nào mẹ con em chưa có tiền phải đóng trễ, cô đều vui vẻ cho nợ. Nhưng không phải vì cô thương mẹ con mình mà mình không chăm chỉ kiếm tiền, em muốn đóng cho cô đúng ngày, như bao người ở trọ tại đây, vì cô là người tốt".

Chính vì sự lễ phép, đáng yêu nên Trâm luôn được mọi người ủng hộ. Cô bé kể, có hôm đi bán từ sáng đến 19h tối, ghé từng nhà, mời từng người trên đường đi từ Q.12 đến đường bờ kè Hoàng Sa - Trường Sa nhưng chẳng bán được cái nào, vừa đói, vừa mệt và buồn, em bật khóc. Các bà các cô ở gần đó thấy thế hỏi thăm rồi "hô" mọi người cùng nhau mua giúp. Lần đầu tiên trong đời Trâm bán được 500.000 đồng, đó cũng là ngày may mắn nhất trong 4 năm cô bé rong ruổi mưu sinh khắp phố phường Sài Gòn. 

 

Dù nghèo khổ, nhưng Trâm là một cô bé giàu lòng tự trọng. Nếu như khách không mua, Trâm không bao giờ nài nỉ, làm phiền, mà chờ vị khách khác. Điều ấn tượng là em thà sống bằng 2.000 đồng - 5.000 đồng tiền lời từ một chiếc áo chó, mèo chứ tuyệt đối không nhận vài trăm ngàn đồng do một người thương cảm đến tặng. 

 

Bình thường, mỗi ngày, Trâm bán được từ 50.000 đến 200.000 đồng. Một chiếc áo cho chó có giá từ 15.000 đồng đến 38.000 đồng, lớn hơn một size thì thêm 2.000 đồng. Trâm đi mua vải theo ký, về cắt may, những mẫu hình đơn giản thì em sẽ tự in để tiết kiệm chi phí. Trâm cũng là "nhà thiết kế" cho những bộ đồ đáng yêu này. 

Cô gái nhỏ tâm sự: “Dù mệt em cũng phải ráng bán ạ. Vậy thì em mới có thể giúp được mẹ nuôi hai chị em và trang trải cuộc sống hằng ngày”. Chỉ mới 16 tuổi đầu, cái em lo lắng không phải là những vất vả, khó khăn đến với bản thân mình, mà lại chính là cuộc sống, sức khỏe của mẹ và em gái. Ước mơ lớn nhất của em cũng là có được một gian hàng nhỏ chuyên bán đồ cho chó mèo, để mẹ có tiền chữa bệnh, để em gái nhỏ được đến trường, học hành thành tài, không bị "giữa đường đứt gánh" như chị. 

Trâm rất muốn được đến trường. Là một cô bé ham học, nhưng đến lớp 6 em phải nghỉ học vì nhà... hết tiền. Trâm vẫn giữ học bạ bên cạnh để khi có điều kiện em sẽ đi học trở lại. Cô bé bán dạo vẫn nuôi ước mơ trở thành cô giáo. 

Nếu độc giả có nhu cầu mua quần áo cho chó, mèo, hay đơn giản chỉ là  gặp cô bé dễ thương này thì có thể liên lạc với Trâm qua SĐT: 01225 919 410. Cần lưu ý đặc biệt rằng Trâm sẽ cảm thấy không được tôn trọng nếu bạn cho tiền cô bé. Mua một bộ quần áo cho chó mèo, vậy là bạn đã giúp Trâm tiến gần hơn đến ước mơ của mình.

SÔNG THAO

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm:

[mecloud]UpfsmBBdvh[/mecloud]

 

 

 

 

 

 

 

 


TAG