Dòng sự kiện:

10 cách dạy con ngoan không ghen tỵ với em nhỏ

07:10 05/01/2019
Có nhiều lý do để bé con của bạn không thích em bé mới chào đời: em khóc quá nhiều, em hay nôn ói, em chiếm hết thời gian của ba mẹ dành cho trẻ,… Thậm chí, có thể lý do chỉ đơn giản là em bé không biết chơi búp bê, đồ hàng hay đá banh như trẻ trông đợi. Làm sao để tránh được những điều này và xây dựng tình cảm anh chị em thân thiết từ sớm?

Chuẩn bị cho con quen với em bé sắp chào đời
Dùng hình ảnh hoặc kể chuyện để cho con thấy những bé sơ sinh đáng yêu như thế nào để con quen dần. Nếu bạn có bạn bè, họ hàng nào vừa sinh em bé, bạn nên thường xuyên cho con tới chơi với bé.

Trò chuyện với con về ích lợi của việc có em
Trước tiên, con sẽ có người cùng chơi khi em được vài tuổi. Và anh chị em chính là người bạn thân suốt đời của con. Nếu con còn nhỏ, đừng quên giải thích với trẻ rằng con sẽ cần chờ đến khi em được vài tuổi để em có thể cùng chơi đồ chơi với con.

 

Không ít đứa trẻ đã bị thất vọng khi em bé sinh ra chỉ khóc, bú và ngủ mà chẳng chịu chơi với trẻ! Cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu chính trẻ lúc mới sinh cũng như thế để giúp trẻ hiểu và biết yêu thương em hơn.

Đưa con cùng đi mua sắm cho em
Để con cùng chọn quần áo, đồ chơi cho em sẽ khiến bé thấy mình “người lớn” hơn và đánh thức bản năng làm anh, chị trong bé. Một ngày nào đó, con sẽ rất tự hào khi kể lại với em về món đồ mà anh, chị đã tự mình chọn cho em.

Để em bé “tặng quà” cho anh, chị
Nếu con lớn của bạn cũng chỉ mới vài ba tuổi, đây là một ý tưởng thú vị để tạo cảm tình của con đối với em bé vừa chào đời. Chuẩn bị sẵn một món quà be bé, xinh xinh và thế là khi mẹ sinh em bé, trẻ không chỉ có thêm em mà còn được tặng quà nữa. Đứa trẻ nào lại không thích quà nhỉ?

Đừng bỏ qua những chi tiết không-hoàn-hảo
Trong trường hợp con của bạn đã đủ lớn và hiểu chuyện, bạn nên giải thích cho con rằng em bé không phải lúc nào cũng vui vẻ, tươi cười mà sẽ có những lúc khóc quấy, nôn ói. Cố gắng giúp con hiểu rằng khi còn nhỏ con cũng như thế, theo thời gian em cũng sẽ lớn chững chạc giống như con bây giờ vậy.

Để con cùng ba mẹ chăm sóc em bé
Tùy theo độ tuổi của con, bạn có thể để con giúp chuẩn bị khăn tắm cho bé hoặc lấy tã cho em. Bằng cách này, trẻ sẽ thấy mình có ích hơn. Trẻ sẽ thích được ba mẹ nhờ vả những chuyện như lấy quần áo cho em hoặc hát cho em nghe đấy.

Dạy cho con cách ẵm em
Cho con ẵm em bé sẽ khiến hai con trở nên thân thiết với nhau hơn. Tuy nhiên, cần nhắc con nhớ rằng chỉ được ẵm em bé khi có ba mẹ ở bên. Để đảm bảo an toàn, không bao giờ để con một mình với em vì trẻ có thể làm em đau khi cưng nựng.

Ba mẹ có trách nhiệm dạy bảo để trẻ không ghen tỵ với em và biết yêu thương em

Khen ngợi con khi có thể
Khi con lấy quần áo hoặc tã cho em giúp mẹ, đừng quen nói cám ơn và khen con. Ngay cả khi con kiên nhẫn ngồi đợi mẹ cho em bú để tới lúc mẹ chơi cùng, bạn cũng nên thể hiện cho con thấy bạn đề cao sự hợp tác của trẻ.

Tận dụng thời gian ở bên trẻ khi em bé ngủ
Bạn có thể đưa trẻ ra ngoài chơi đồng thời cũng là cơ hội cho bạn vận động một chút. Còn nếu bạn không tiện ra ngoài, có thể cùng bé chơi các trò trong nhà như xếp hình, nặn đất sét…

Khuyến khích trẻ nói ra cảm giác của mình
Thông qua những cuộc chuyện trò thân mật giữa hai mẹ con, bạn sẽ phát hiện ra nếu có điều gì đó về việc có em khiến trẻ khó chịu. Từ đó, bạn có thể giải thích cho trẻ nếu con đã hiểu lầm hoặc tìm cách điều chỉnh để không tạo cảm giác tiêu cực kéo dài cho con. Trò chuyện với nhau là thói quen tốt giúp bạn luôn có thể thấu hiểu và chia sẻ cùng con cũng như tìm kiếm sự hợp tác ở trẻ.

Nguồn: Gia đình Việt Nam