Dòng sự kiện:

10 cách dạy con tự lập gây "bão" mạng xã hội

16:14 13/10/2016
Một Faceooker tên là Ann Doan đã chia sẻ 10 cách dạy con tự lập cách đây chưa đến một ngày nhưng đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của không ít người dùng mạng xã hội.

Tự lập là kỹ năng rất quan trọng để trẻ tồn tại và phát triển. Chính vì thế, bên cạnh việc chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe, không ít bậc cha mẹ quan tâm dạy con từ rất bé. Dưới đây là nguyên văn nội dung nickname Ann Doan được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội:

"Nuôi dạy bé tự lập và tự học

Bản thân mình cũng không biết trả lời câu hỏi dạy con tự lập tự học thế nào. Bạn Nhi rất tự lập trong việc tự lựa chọn đồ và tự làm như tự mặc quần áo, tự đánh răng, tự xúc ăn, tự cầm cốc uống và 1 số việc vặt trong nhà như tự đổ rác, tự dọn đồ chơi, tự dắt và tháo màn, tự bật quạt bật điều hòa, tự rửa bát (thi thoảng thôi do mẹ sợ nước rửa bát làm hỏng tay nên 1 tuần chỉ yêu cầu rửa bát 1 lần). Nhi cũng sẽ thường tự quyết định con chơi gì, đọc gì, nghe gì trong ngày. Việc con tự tưởng tượng trò chơi là chuyện hàng ngày, và thường chỉ gọi mẹ khi nhờ mẹ giúp gì đó trong trò chơi của bạn (hoặc nhờ làm khán giả), chứ không bao giờ bạn ý đến hỏi mẹ về ý tưởng trò chơi. Nhi cũng chưa bao giờ nói “con chán” cả. Thực ra mình cũng tự hỏi câu hỏi “làm sao con tự lập tự chơi” và cũng nghĩ được vài ý để giúp cho việc con tự lập và tự chơi tự học.


Tự lập là kỹ năng rất quan trọng để trẻ tồn tại và phát triển. Ảnh minh họa

1. Đừng luôn bày trò chơi bằng mọi cách với con

Thực sự thì trẻ em hoàn toàn không cần người lớn bày trò chơi. Các bé hoàn toàn có thể tự bày trò. Trẻ em có một trí tưởng tượng cực kì cao và xa. Nếu con bạn luôn chạy đến hỏi bạn là chơi gì, hoặc luôn cần bạn trong mọi hoạt động chơi của con, thì mình nghĩ là con thực sự không “cần” mà là đã bị bạn đào tạo thành con luôn “chờ đợi” bạn mang trò chơi đến cho con. Mình không nói việc chơi với con là xấu, nhưng trẻ con không cần bạn tham gia vào mọi hoạt động của bé. Việc con có nhiều thời gian tự chơi là vô cùng quan trọng và cần thiết vì con sẽ tự lên ý tưởng chơi, tự sáng tạo bằng trí tưởng tượng của mình. Và nếu con thực sự chán thì cũng để con chán. Khi con chán và không ai bày trò giúp thì lúc đó là lúc trí tưởng tượng của con có cơ hội phát huy tiềm năng.

2. Khiến con biết là con tự làm được

Nhiều bố mẹ nhảy vào và làm hộ con trước cả khi con nhờ/yêu cầu giúp đỡ. Thói quen quan tâm con như thế này không tốt. Thay vào đó, hãy chờ và xem liệu con có thể tự làm không, nói với con là “bố/mẹ tin con làm được”. Mình luôn nói với Nhi là “mẹ nghĩ là con làm được”. Có đôi khi bạn ý thực sự không làm được, mình cũng để mặc và nói, “vậy để lần sau con thử lại nhé”. Hãy tin tưởng con. Có thể con tự gập quần áo, con tự đánh răng, tự làm được 1 ít việc nhà rồi mà bố mẹ không để con được thử. Thực ra mình thấy trẻ con rất thích được giúp bố mẹ làm việc nhà. Khi con hỏi là con làm được không, hãy cố gắng để con được tự làm (tất nhiên là tự làm dưới sự giám sát an toàn của bố mẹ nhé).

3. Đừng làm ngắt quãng con

Khi con đang tự chơi thì bố mẹ cố gắng đừng ngắt quãng con. Đối với người lớn thì việc con đang chơi có khi chỉ là “chơi” thôi, nhưng đối với trẻ em thì việc con đang làm là quan trọng và thú vị. Các con hoàn toàn nhập vai vào nhân vật/vào trò chơi của mình. Đây là điều bố mẹ cần khuyến khích chứ không phải làm gián đoạn hay ngắt quãng lúc này. Đây cũng là cách giúp các bé học được cách tập trung. Tất nhiên sẽ có những lúc cần ngắt quãng tuy nhiên hãy cố gắng hạn chế hết mức có thể.

4. Để con tự chọn

Trước khi chơi 1 trò gì, mình luôn hỏi Nhi “con có thích chơi trò... không?” và mình bắt đầu mô tả trò chơi. Đôi khi Nhi sẽ nói “I’m so excited, let’s try it”, cũng có khi Nhi nói “Nah, I don’t like it. Let’s play something else”. Có thể là người lớn, bạn thấy trò a, trò b, trò c rất hay và tìm cách hướng con chơi, tuy nhiên đối với con thì nó chả thú vị gì hết. Chính vì thế hãy để con được tự chọn sẽ chơi cái gì. Mình có lên kế hoạch cho con chơi/học tập trong tuần, tuy nhiên mình luôn hỏi con và nếu con không thích, hôm khác mình sẽ hỏi lại. Trong lúc con chơi, hãy chú ý xem con hỏi câu hỏi gì, con yêu cầu được làm gì, con muốn biết thêm cái gì. Hãy để trí tưởng tượng của con bay thật xa khi cùng chơi với con.

5. Cung cấp các vật liệu/đồ chơi khiến con có thể khám phá không ngừng

Cung cấp cho con các vật liệu/đồ chơi giúp con có thể tự khám phá và tự tạo thành đồ chơi khác theo trí tưởng tượng. Các đồ chơi có sẵn hình dạng sẽ ít giúp con phát triển khả năng sáng tạo và khả năng tự định hướng trò chơi. Mình thích để con chơi các trò như đưa giấy trắng tự vẽ (hoặc vẽ lên tường), đất nặn, xếp blocks... Nhiều gia đình cho con chơi Lego, rồi bộ nam châm… Đôi khi cũng không cần thiết phải là đồ chơi cụ thể, có thể chỉ là cái chăn, cái gối cái ô (con tự làm nhà, làm công chúa...). Có cái chăn mỏng mùa hè thôi mà bạn Nhi lúc thì làm váy nữ hoàng, lúc thì làm nhà ở, lúc thì làm picnic mat, lúc thì làm chăn đắp búp bê…

6. Để con tự trả lời câu hỏi của mình

Có một thời gian dài (giai đoạn 3-3,5 tuổi của Nhi), mình thắc mắc tại sao con mình ít hỏi mẹ “Why?” trong khi giai đoạn này là giai đoạn nhạy cảm với khám phá và đặt câu hỏi. Sau đó mình chợt nhận ra là bạn ý cũng ít hỏi mẹ có lẽ vì 1 vài lần hỏi toàn bị mẹ hỏi lại là “I don’t know. What do you think?”. Bạn ý đã được mẹ vô thức tạo thành thói quen tự nghĩ tự trả lời các câu hỏi của mình mà không cần bố mẹ giúp nhiều. Bây giờ khi bạn ý đặt câu hỏi, mình còn chưa kịp nói gì thì bạn ý đã nói là “you say ‘what do you think’ to me please” để mẹ hỏi bạn cái câu “what do you think” để bạn được tự trả lời cho câu hỏi của mình. Sau đó bạn ý cũng hỏi lại mẹ “what do you think”. Đến lúc này mình mới đưa ra ý kiến là mình “agree./disagree” với ý kiến của bạn ý. Đôi khi bạn ý đồng ý với mẹ, đôi khi bạn không đồng ý. :D không làm sao hết, chúng ta là con người mỗi người 1 ý là chuyện bình thường.

Hãy khuyến khích con tự trả lời các câu hỏi của mình thay vì làm bố mẹ biết tuốt. :D Như nhà mình thì thích làm bố mẹ dốt hơn :D Vừa nhàn lại vừa khuyến khích con tự nghĩ, sao mà không làm chứ ?

7. Tạo không gian để con được tự lập

Nếu muốn con tự lập thì hãy để nhà của bạn vừa tầm với của con. Các tủ quần áo, chỗ để cốc, chỗ đánh răng rửa mặt, chỗ rửa bát, chỗ để giầy, chỗ cất bát đĩa thìa, nhà vệ sinh... cần vừa tầm hoạt động của con thì con mới có thể tự làm và tự cất được.

Thực ra ban đầu con làm sẽ lúng túng ngượng ngịu lắm, bố mẹ hãy kiên nhẫn nhìn và khuyến khích con nhé. Đừng nhìn con làm lâu la mất thời gian mà cáu quá làm hộ. Nhà mình luyện được trò ẩn nhẫn nhìn con làm lắm đấy chứ thực ra hồi đầu nhìn cũng “ngứa mắt” lắm. Chưa kể việc dọn bãi chiến trường sau đấy đôi khi cũng dễ gây bực. Nhớ cái lúc bạn Nhi tập tự uống nước bằng chai Lavie ý, đang ở ngoài đường không có quần áo thay mà đổ tung tóe ra người luôn, đến bây giờ vẫn thi thoảng cầm chai xong nàng ý quên không đóng nắp đổ hết cả hơn nửa chai nước.

Cố gắng đừng cáu với con nhé, mình đã tự luyện được tự kỉ ám thị 1 câu nói với con khi con làm sai là “Next time please try to be more careful” và cố không cáu giận. Việc khiến con tự làm này sẽ cho kết quả vô cùng đáng giá so với vài lần sai và những lần cáu giận làm hộ của bố mẹ :D

8. Trưng bày các tác phẩm của con

Trưng bày các tác phẩm của con quanh nhà/phòng để con thấy là bố mẹ vô cùng trân trọng các sáng tạo của con. Điều này vừa khiến con nhìn được thành quả của mình thường xuyên, nhìn được sự tiến bộ của mình, khiến con cũng trân trọng tác phẩm của mình và hơn nữa là khiến con thích thú để làm tiếp. Đừng sợ con vẽ lên tường. Khi con vẽ lên tường, đấy là cả 1 tác phẩm to lớn và vĩ đại đấy, mỗi 1 nét bút đều có ý nghĩa của nó ở đó. Thi thoảng mình lại chỉ lên tường hỏi bạn Nhi là cái chỗ này lúc đấy con vẽ gì thế nhỉ, và bạn ý rất say sưa kể lại cho mẹ là chỗ này là vẽ Elsa, chỗ kia vẽ Olaf, Elsa này mặc váy dài, rồi thì numberjack rồi thì vẽ mặt người cười ông kia thì khóc…

Bạn ý cũng có chỗ treo tranh trong phòng và có 1 ít sàn nhà để tác phẩm tượng bạn ý tô và các đồ linh tinh bạn ý và mẹ làm (phòng mình có 15m2 thôi đó) :D Không cần quá nhiều không gian nhưng hãy cho con thấy bạn thích thú với các tác phẩm của con và luôn muốn lưu trữ chúng.

9. Đừng đánh giá tác phẩm của con

Khi bạn Nhi hoàn thành 1 tác phẩm, mình sẽ hỏi con là “what did you draw?”, và bạn ý sẽ thao thao bất tuyệt 1 câu chuyện bạn ý tưởng tượng khi vẽ, ví dụ như câu chuyện “con vẽ con ma đấy mẹ ạ, con ma này bay bay này, con vẽ ma đáng sợ không, con vẽ ma buồn cười nhỉ” :D Sau đấy mình mới nói là “that sounds interesting”. Đừng khiến việc con sáng tác là để tìm kiếm khen ngợi tác phẩm đẹp từ bố mẹ/người khác mà hãy khen trí tưởng tượng của con.

10. Luôn sẵn sàng giúp đỡ

Cuối cùng là luôn sẵn sàng để giúp đỡ con. Tuy việc chúng ta đang làm là giúp con.tự lập nhưng con đang trong quá trình học tập vì thế vẫn cần hướng dẫn từ bố mẹ/người lớn. Hãy dành một ít thời gian mỗi ngày để giúp đỡ con những việc con đang làm, đang chơi, hoặc chơi với con. Hơn nữa, việc con có một khoảng thời gian với bố mẹ cũng khiến con ít đòi hỏi sự quan tâm của bố mẹ trong cả 1 ngày dài (những lúc mà bố mẹ bận).

Bạn Nhi dành phần lớn thời gian tự chơi tự tưởng tượng tự đọc những gì bạn ý thích. Bạn ý có rất nhiều thời gian bên mẹ nhưng thực chất giờ học bắt buộc để luyện thói quen ngồi bàn học của bạn ý chỉ có 30-60 phút/ngày thôi, còn lại toàn bộ thời gian khác là bạn ý được quyền tự do. Và mình nhận thấy trí tưởng tượng của bạn ý luôn bay rất xa (mà đôi khi xa quá mẹ chạy theo cũng mệt hết hơi".

Với nội dung hay và mới mẻ này, người mẹ trẻ này đã mang đến cho nhiều bố mẹ cách dạy con có thể phát triển tự lập một cách tự nhiên và khoa học nhất. 

Theo Emdep

Nguồn: Gia đình Việt Nam