Dòng sự kiện:

11 điều quan trọng khi cha mẹ dạy con về đồng tiền

22:20 08/07/2015
Không những cho trẻ tiền mà việc dạy cho tiêu tiền, hiểu được giá trị đồng tiền đang là vấn đề đau đầu của nhiều bậc phụ huynh. Vì thế, khi cha mẹ nhắc tới vấn đề tài chính với con cái, 11 điều quan trọng sau đây mà cha mẹ cần đặc biệt chú ý.

 

 

 

1. Thành thật về tình hình tài chính của bạn

Mặc dù trẻ em luôn thích sự ngọt ngào, cha mẹ cũng không nên "tô vẽ" về tình hình tài chính của gia đình trước mặt các em. "Hãy dạy con cái về tiền bạc từ thực tế khách quan", theo Steve Siebold (tác giả của cuốn sách "Người giàu suy nghĩ như thế nào").

Thay vì cố gắng che giấu trẻ em về tình hình ngân sách của gia đình, hãy cho các em tham gia vào quá trình quyết định về việc khi nào nên tiết kiệm và khi nào nên sử dụng tiền bạc.

2. Sớm nói với con về ý nghĩa của đồng tiền

Mặc dù chúng ta nên sớm chỉ cho con biết về giá trị của đồng tiền nhưng với mỗi lứa tuổi nên có những bài học khác nhau. Đưa ra những bài học chung chung sẽ khiến cho việc dạy dỗ của bạn không hiệu quả. Khi con bạn biết đếm, hãy bắt đầu đề cập tới chuyện tiền bạc trong những buổi nói chuyện gia đình.


3. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiếm tiền

Nhiều bậc cha mẹ cố gắng dạy trẻ em của họ rằng chúng phải nỗ lực thì mới kiếm được tiền. Thông thường, cha mẹ thỏa thuận với con cái rằng nếu chúng chịu làm một số việc nhà thì sẽ nhận được một khoản tiền nào đấy. Nhưng làm như vậy sẽ khiến trẻ em hình thành thói quen chỉ làm việc gì đó nếu được trả tiền.

Eric Erickson, cha của 4 cậu bé chia sẻ kinh nghiệm của mình: "Những đứa trẻ của tôi không cần nhận một khoản tiền nào cả nhưng chúng vẫn làm một vài việc nhỏ giúp đỡ hàng xóm hoặc làm những công việc có mức lương thấp", Erickson nói. "Từ khi 2 đứa lớn có xe riêng, chúng tự chịu trách nhiệm cho việc đổ xăng và trả các chi phí bảo dưỡng. Điều đó giúp chúng nhận ra rằng chúng phải lập ngân sách, và nếu sử dụng xe quá nhiều, chúng sẽ tốn nhiều tiền để đổ xăng."

4. Giúp con phân biệt giữa “cần” và “muốn”

Một bộ đồ chơi mới ra sẽ khiến trẻ nóng lòng muốn sở hữu nó. Hãy giải thích cho con biết người lớn cần bao nhiêu thời gian mới có đủ tiền để mua món đồ chơi con đang thích; hoặc thú vị hơn là nói đùa rằng: “Con có biết cô giáo đi dạy bao nhiêu tiếng mới đủ tiền để mua bộ đồ chơi này không?” Đưa ra một hoàn cảnh cụ thể như thế sẽ khiến trẻ hiểu và giảm đi sự háo hức trước món đồ đó.

Ngoài ra, bạn cũng nên học cách nói “Không”. Cần để trẻ nghe thấy bạn từ chối lời mời mọc từ các nhân viên bán hàng như thế nào, vì đó là một cách cho trẻ hiểu được chỉ mua cái mình “cần” chứ không phải mua cái mình “muốn”. Có vậy, trẻ mới đưa ra những quyết định chi tiêu sáng suốt từ khi còn nhỏ.

6. Có mối quan hệ lành mạnh với tiền bạc

Trẻ em thường nắm bắt thái độ và hành vi nhanh hơn những gì người lớn nghĩ. Nếu cha mẹ thường nhăn mặt mỗi khi nhận được hóa đơn thẻ tín dụng hoặc càu nhàu khi phải rút tiền từ ví để trả cho một khoản chi phí, các em có thể bắt đầu nghĩ về tiền như điều gì đó rất khó chịu và rắc rối.

Chris Miles, người sáng lập công ty tư vấn tài chính MoneyRipples.com nói rằng nên có những cuộc nói chuyện tích cực về tiền bạc. "Kinh nghiệm của tôi cho thấy khi cha mẹ nhắc đến tiền như thể họ không bao giờ có đủ hoặc một điều gì đó rất tồi tệ, những đứa trẻ lớn lên sẽ ghét tiền và đấu tranh với nó trong suốt cuộc đời của chúng", ông nói.

7. Cho trẻ cơ hội tiếp cận với thực tế

Cha mẹ dạy cho trẻ em về tiền bạc càng sớm càng tốt. Andrew Wang và vợ đã giới thiệu về chủ đề này cho những đứa trẻ của họ ngay khi chúng bắt đầu đưa ra các yêu cầu. "Chúng tôi khuyến khích những đứa trẻ vẫn còn đang đi học mẫu giáo của chúng tôi được tiếp xúc với tiền, xác định các mệnh giá khác nhau, chơi và đếm tiền", Wang nói.

Từ việc dạy cho bé cách đếm những đồng xu tiết kiệm được trong heo đất đến việc làm thế nào để cân bằng một tài khoản, trẻ em bắt đầu học được cách kiểm soát tài chính của chúng, điều đó sẽ giúp các em tự tin hơn với việc sử dụng tiền một cách hợp lý.


8. Dạy con cách phân biệt nhiều mặt của đồng tiền

Tiền đóng những “vai” khác nhau trong cuộc sống hàng ngày, thể hiện ở hai mặt: tiêu dùng và tiết kiệm. Bạn hãy chuẩn bị ba chiếc lọ được dán nhãn khác nhau: tiết kiệm, chi tiêu, làm từ thiện.

Bất cứ khi nào trẻ kiếm được tiền từ làm việc nhà hay từ quà sinh nhật, hãy nhắc trẻ chia nhỏ số tiền đó thành các phần bằng nhau và để vào trong lọ. Hành động này không có gì to tát nhưng đủ để trẻ hiểu rằng: khi cầm một món tiền trong tay, chỉ cần tiêu một khoản nhỏ, còn quan trọng hơn là tiết kiệm và giúp đỡ người khác.

9. Rút ra bài học từ những sai lầm

Khi trẻ có tiền, hiển nhiên là chúng sẽ có nhiều sự lựa chọn và phải chịu trách nhiệm với những gì mà lựa chọn đó đem lại. Cứ để trẻ mắc sai lầm, vì chỉ có sai lầm mới là những bài học quý báu nhất cho trẻ đưa ra những quyết định tài chính khôn ngoan hơn.

10. Biết cách tiết kiệm thì sẽ biết cách chi tiêu

Trước hết, hãy để trẻ tiết kiệm tiền rồi mới để trẻ tiêu chúng. Bỏ tiền để mua cái mình muốn sẽ khiến trẻ rất thích thú; nhưng song song đó là cảm giác mất mát một thứ gì đó “vô cùng lớn lao”. Hãy khuyến khích con tiếp tục tiết kiệm, đó mới là điều quan trọng nhất lúc này.

Thứ hai, bạn có thể để trẻ làm chủ tài chính qua những công việc nhà hàng ngày. Đưa con một danh sách và để trẻ tự chọn cái nào cần mua. Nếu con bạn lớn hơn một chút, chỉ cần đưa một vài thứ trong danh sách đó và để con tìm nơi nào bán với giá tốt nhất.

11. Bố mẹ là tấm gương thuyết phục

Cha mẹ đóng vai trò quan trọng với con cái, kể cả khi họ có ảnh hưởng tiêu cực đi chăng nữa. Trẻ thường bắt chước cái chúng ta làm hơn cái chúng ta nói, vì thế hãy ngừng thói quen mua sắm “bất tận” lúc rảnh rỗi, vì nó sẽ khiến con bạn nghĩ rằng tiền là một “tài nguyên vô hạn” và tiêu tiền thoả thích thật là vui.

VŨ NGA(Tổng hợp)/ Theo ĐSPL