Dòng sự kiện:

13 món đồ chơi trẻ em bị thế giới cảnh báo ảnh hưởng tới sức khỏe

20:42 03/07/2015
Không chỉ trên thị trường Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới đều đã đưa ra lời cảnh báo tới người tiêu dùng về những mặt hàng đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất gây hại cho sức khỏe.

Dưới đây là mặt hàng đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất đã từng bị thế giới cảnh báo:

1. Đồ chơi hình con vịt có thể giết người


Ảnh do Ủy ban an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng công bố.

Mẫu sản phẩm đồ chơi vịt con bằng cao su có nam châm của công ty Design Ideas vào tháng 3/2014, công ty Design Ideas đã thu hồi hàng ngàn sản phẩm đồ chơi vịt con với mẫu trên có xuất xứ từ Trung Quốc. Nam châm được gắn ở đồ chơi này có thể dễ dàng bị rơi ra, và nếu nuốt phải, “các nam châm sẽ liên kết với nhau bên trong ruột trẻ, có thể hòa lẫn vào các mô của cơ thể, gây ra chướng ngại vật đường ruột, thủng, nhiễm trùng huyết và tử vong”, những thông tin này được Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng đưa ra. May mắn thay, cho đến nay chưa có ghi nhận thương tích nào cho trẻ em đối với sản phẩm này.

2. Xe đạp trẻ em


Ảnh do Ủy ban an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng công bố.

Xe đạp dành cho thiếu niên hiệu Dynacraft Avigo. Do sản xuất bị lỗi, bánh xe đạp phía trước của loại xe đạp dành cho thiếu niên dễ dàng bị rời khỏi khung xe đạp, gây nguy hiểm cho thiếu niên khi sử dụng xe đạp này. Loại xe đạp này được bán ở cửa hàng có tên Toys “R” ở Mỹ, những chiếc xe đạp này đã bị triệu hồi sau khi xảy ra một trường hợp bánh xe bị rời ra trong quá trình đạp, gây cho trẻ bị ngã khỏi xe.

3. Ghế túi đậu gây ngạt thở


Ảnh do Ủy ban an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng công bố.

Mẫu chiếc ghế hình túi đậu của tập đoàn Ace Bayou. Sau cái chết của hai trẻ nhỏ, một cậu bé 13 tuổi ở khu vực Mc Kinney, bang Texas và một cô bé 3 tuổi ở Lexington, Kentucky, tập đoàn Ace Bayou đã tự nguyện thu hồi hơn 2 triệu chiếc ghế túi đậu này (ghế có hình túi, bên trong là các hạt xốp). Mặc dù bề ngoài chiếc ghế này rất mềm mại và thuận tiện, nhưng những chiếc ghế được sản xuất ở Trung Quốc này lại có dây kéo có thể mở ra, khiến trẻ em dễ dàng chui vào trong và cuối cùng sẽ bị chết ngạt, hoặc bị sặc các hạt xốp bên trong gây chết người.

4. Cũi gỗ chơi bị vỡ vụn


Ảnh do Ủy ban an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng công bố.

Cũi gỗ chơi bị vỡ vụn AOSOM. Công ty AOSOM LLC là nhà nhập khẩu sản phẩm cũi đồ chơi được sản xuất ở Trung Quốc. Công ty này đã nhận được 69 báo cáo về trường hợp cũi đồ chơi này bị hỏng và bung ra thành từng mảnh. Một số trường hợp đã ghi nhận rằng trẻ em đưa miếng mảnh gỗ này vào miệng hoặc cầm ở tay. Công ty này đã dừng bán sản phẩm này từ tháng 03/2011.

5. Thanh nhảy có lò xo gây thương tích cho trẻ

Hàng ngàn thanh nhảy pogo nhập khẩu từ Trung Quốc đã được mang ra khỏi các kệ hàng bán sau khi Ủy ban an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng phát hiện ra rằng đáy của thanh nhảy dễ bị vỡ và làm rơi ra các lò xo. Công ty nhập khẩu có tên là Bravo đã ghi nhận 123 báo cáo, trong đó có chín trường hợp thương tích, trong đó một trường hợp người dùng bị mẻ răng và một trường hợp bị rách da mặt.

6. Đồ chơi gây cháy


Ảnh do Ủy ban an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng công bố.

Bộ đồ chơi búp bê đáng yêu của tôi. Mặc dù trông bề ngoài của bộ đồ chơi búp bê này không có vấn đề gì cả nhưng chính con búp bê xuất xứ tại Trung Quốc này lại gây bỏng cho hai trẻ em do bảng mạch điện tử trong lồng ngực của con búp bê này quá nóng.

7. Xe đẩy gây cắt đứt ngón tay


Ảnh do Ủy ban an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng công bố.

Mẫu xe đẩy Breeze của công ty Glaco. Hơn 4 triệu xe đẩy được công ty Graco nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị thu hồi sau khi người tiêu dùng phát hiện ra các bản lề gập của xe đẩy này có thể kẹp đứt ngón tay của trẻ khi bị gập vào các cạnh của xe đẩy. Công ty này ghi nhận sáu trường hợp các ngón tay bị cắt đứt và các trường hợp khác bị cứa rách tay, hay bị cắt đứt một phần.

Để tránh trường hợp đáng tiếc kể trên, Graco (USA) lưu ý các bậc phụ huynh khi mở xe thì phải bảo đảm vào khớp theo đúng hướng dẫn sử dụng, hoặc có thể trang bị thêm tấm đệm Graco để bọc quanh các khớp nối mang lại sự an toàn và êm dịu cho bàn tay em bé.

8. Đệm ở nôi trẻ em

Mặc dù chiếc đệm được sản xuất ở Trung Quốc và được bán ở cửa hàng IKEA không tự gây ra nguy hiểm cho trẻ em, nhưng khi chiếc đệm được đặt trong một chiếc cũi, khoảng cách giữa cạnh đệm và thành cũi tạo thành một khoảng cách đủ lớn khiến trẻ sơ sinh có thể bị lọt vào đó và thậm chí bị chết ngạt. IKEA thu hồi 300.000 chiếc đệm này vào ngày 01/05/2015 sau khi nhận được hai thông báo về trườg hợp trẻ em bị mắc kẹt trong khe hở.

9. Búp bê Lovely Girl ảnh hưởng tới cơ quan sinh sản của trẻ


Ảnh minh họa.

Bộ Y tế Cộng hòa Czech vừa đưa là lời cảnh báo về búp bê Lovely Girl của Trung Quốc được làm từ vật liệu chứa phthalates độc hại, có thể ảnh hưởng xấu đến cơ quan sinh sản của trẻ.

Theo Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Czech Vladimír Valenta, loại búp bê này có chứa di-(2-ethylhexyl) phthalate với hàm lượng 13,8% trọng lượng sản phẩm. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu, đồ chơi sẽ bị coi là không an toàn nếu phthalates chiếm trên 0,1% trọng lượng sản phẩm.

Khi chơi với búp bê này, các este của axít phtalic có thể ngấm vào cơ thể trẻ qua da hoặc tiêu hóa - nước bọt.

Phụ gia phthalates được bổ sung vào nhựa để làm mềm và tăng khả năng chịu nhiệt. Tuy nhiên các nhà khoa học đã chỉ ra việc tiếp xúc với hóa chất này có thể dẫn đến trục trặc nội tiết, gây ra những vấn đề bất thường tại cơ quan sinh dục, thậm chí gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Tác dụng này thể hiện rõ rệt nhất ở bé trai. Vì thế từ lâu chất này bị cấm ở châu Âu và Mỹ. Dấu hiệu để nhận ra phthalates trong đồ chơi là sản phẩm có mùi nhựa rất nồng và bề mặt dạng sáp. Chất phthalates là chất làm mềm nhựa chứ không phải tạo ra liên kết chặt chẽ nên nó dễ phôi ra, để sản phẩm ở nhiệt độ càng cao thì khả năng phôi ra càng lớn.

10. Thú nhún


Ảnh minh họa.

2 mẫu thú nhún được sản xuất tại Trung Quốc được gửi đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 1 để thử nghiệm chỉ tiêu hợp chất phthalates.

Hiện Việt Nam chưa có quy định giới hạn phthalates với sản phẩm đồ chơi thú nhún của trẻ em. Tuy nhiên, nhiều nhà hóa học Việt Nam cho rằng tuy chưa có tiêu chuẩn cụ thể, nhưng nhóm chất trên đều là những chất độc hại, cần có nghiên cứu sâu hơn và cảnh báo đến các bậc cha mẹ.

Theo nghiên cứu của nước ngoài, nó có thể gây mệt mỏi, nhức đầu, choáng...

11. Bộ đồ chơi nấu ăn

Vụ việc cháu bé ở Đồng Nai ngậm bộ đồ chơi nấu ăn mới mua bị sưng tấy đỏ môi được các bác sĩ nhận định bị dị ứng chất lạ trong bộ đồ chơi.

Những bộ đồ chơi tập nấu ăn được sản xuất tại Trung Quốc rao bán tại Việt Nam với nhiều mức giá, kiểu dáng.

Theo các chuyên gia, loại đồ chơi này vô cùng nguy hiểm với sức khỏe của bé. Trẻ em khi chơi đồ chơi, trong đó có bộ đồ nấu ăn, các loại hoa quả nhựa,…các bé không chỉ sờ, nắm mà còn liếm, ngậm nên chắc chắn sẽ hấp thu độc chất qua miệng nếu đồ chơi đó chứa độc chất.

12. Bóng hơi


Ảnh minh họa.

Đầu năm 2014, Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam đã có thông báo về sản phẩm bóng hơi chứa chất phthalate vượt mức cho phép hàng trăm lần. Tất cả sản phẩm này đều do Trung Quốc sản xuất.

13. Búp bê đầu quả


Ảnh minh họa.

Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã chính thức công bố kết quả kiểm nghiệm đối với sản phẩm búp bê đầu trái cây. Hai mẫu búp bê được lấy ngẫu nhiên tại cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên địa bàn Hà Nội đều chứa hàm lượng phthalate vượt mức cho phép.

Căn cứ kết quả khảo sát, kiểm tra và hai kết quả thử nghiệm mẫu búp bê, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đã có công văn đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng loại búp bê nêu trên.

VŨ NGA (Tổng hợp)/Theo ĐSPL