Dòng sự kiện:

2 câu chuyện chi tiêu trong gia đình các cặp vợ chồng trẻ nên đọc

22:24 01/07/2015
Việc chi tiêu trong gia đình luôn khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ đau đầu trong thời buổi kinh tế eo hẹp, hàng hóa đắt đỏ. Dưới đây là hai câu chuyện tâm sự của hai cặp vợ chồng trẻ đã và đang vướng vào vòng xoáy chi tiêu trong gia đình được cư dân mạng chia sẻ trong những ngày gần đây.

 

 

 

Câu chuyện của người đàn ông lương 30 triệu/ tháng không đủ chi tiêu gia đình

Câu chuyện được nhiều bạn đọc chia sẻ gần đây nhất là những lời tâm sự từ một người đàn ông đất Bắc đưa vợ và một con nhỏ vào Nam lập nghiệp. Anh là một phó phòng của công ty xây dựng, lương tháng 30 triệu nhưng vẫn không thể chi tiêu một cách thoải mái. Và đương nhiên là không thể để dành được khoản tiền nào cho tương lai.

Lý do mà anh đưa ra cho sự thâm hụt ngân sách này chính là con nhỏ. Khi chưa có con, vợ chồng anh sống khá thoải mái, nhưng kể từ khi sinh con, cuộc sống trở nên eo hẹp, chi tiêu chắt bóp hơn bởi những khoản phải chi cho đứa con.

Anh ước tính, chi phí sinh nở thuộc loại bình thường khoảng 40 – 50 triệu, tiền tã bỉm tốn thêm hơn 6 triệu, rồi quần áo giầy dép…. “Vợ tôi kĩ tính và lại yêu con nên toàn mua loại đắt tiền, mỗi món cũng phải vài triệu mà dùng được một tí thì con nó lớn, phải gấp lại mua cái mới tinh. Đó là chưa kể đến quần áo, giày dép cho con. Theo vợ tôi thì con nít cần phải đi giày thật tốt thì mới không ảnh hưởng đến phát triển xương bàn chân, nên cô ấy sắm 1 đôi giày cho con bằng tiền tôi mua 2 đôi giày mới, loại Crocs gần triệu đồng. Mà vợ nói gì mang tính khoa học ra là tôi cũng đều thấy có lý (ngay lúc ấy), nên cũng chiều vợ mua cho con. Mà thằng bé đi khoảng 3 tháng là chật. Quần áo thì khỏi nói, nhiều vô kể, mà con thì cứ lớn nhanh như thổi nên quần áo chất đầy các tủ.


Tu nhập 30 triệu/tháng không đủ chi trả cho cuộc sống gia đình 3 người.

Rồi đồ chơi, xe, gấu bông… cái gì con cũng cần vì vợ bảo muốn con thông minh thì phải cho con chơi xếp hình lego, chơi xe hơi mô hình,.... Mỗi tháng tiền quần áo, đồ chơi cho Beo cũng phải mất đến 2 triệu.

Beo nhà tôi chập chững đi nhà trẻ là lúc chúng tôi phải chuẩn bị khá nhiều thứ cho con: từ tiền học phí, tiền ăn ở lớp, tiền đồng phục, tiền bồi dưỡng các cô này kia...1 tháng không bao giờ dưới 4 triệu”.

Tuy nhiên, trước câu chuyện chi tiêu của gia đình anh, nhiều người đưa ra lời khuyên rằng anh nên xem xét lại cách chi tiêu của cả hai vợ chồng. Theo họ, với số tiền đó họ có thể “dư sức” chi tiêu phóng khoáng mà vẫn có thể tiết kiệm tiền.

Độc giả 1quadat cho rằng “Tiền bạc sinh lễ nghĩa, khi có tiền thì con người ta sẽ không chú ý nữa mà thay vào đó vật chất đặt lên hàng đầu, luôn muốn cái gì đó phải là...tốt nhất, nhưng không nghĩa là...nó có thực sự cần thiết đến như vậy, mỗi giai đoạn thì cái gì cần nhất...Ví dụ như bé đang còn bú mẹ thì đồ ăn cho mẹ và con là phải đặt lên hàng đầu, phải tốt nhất, còn đồ chơi và quần áo, giày dép thì có những thứ vừa vừa nhưng vẫn đủ "chất" cho bé, vừa không độc hại, vừa an toàn là được”.

Cặp vợ chồng thu nhập 21 triệu/tháng vẫn tiết kiệm mua được nhà 1,2 tỷ ở Hà Nội

Trái ngược với gia đình nhân vật trong câu chuyện trên, chân dung gia đình cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Hoa (28 tuổi) và Vương Huy Hùng (30 tuổi) hiện lên khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi cách chi tiêu quá hợp lý và những thành quả họ đạt được. Hiện tại vợ chồng họ đang sống trong căn nhà riêng 1,2 tỷ tại phố Tố Hữu, Hà Nội sau nhiều năm tích góp.

Kết hôn cuối năm 2009, vợ chồng chị Hoa-anh Hùng khi ấy vẫn phải đi thuê nhà riêng. Khi ấy lương kế toán của chị Hoa chỉ được 7 triệu/tháng. Còn lương làm trưởng phòng kỹ thuật một công ty xây dựng của anh Hùng được 14 triệu. Tổng thu nhập của anh chị được tất thảy 21 triệu/tháng.

Chị Hoa tâm sự: "Lúc mới cưới nhau và tận hơn 4 năm sau, vợ chồng mình vẫn phải đi thuê trọ trên Hà Nội. Khi sinh con đầu lòng, nhà mình đón thêm bà nội cháu từ quê lên trông cháu giúp. Do xác định vợ chồng phải phấn đấu có bằng được căn nhà riêng của mình trên Hà Nội, nên hàng tháng, mình phải đảm nhiệm chặt chẽ kế hoạch tay hòm chìa khóa".

Theo đó, người vợ này đã lên kế hoạch chỉ chi tiêu trong 1 nửa lương còn 1 nửa thu nhập của 2 vợ chồng hàng tháng nhất định phải để ra được bằng mọi giá.


 Thu nhập 21 triệu/tháng vẫn tiết kiệm mua được nhà 1,2 tỷ ở Hà Nội.

Để có tiền dư, tháng nào vợ chồng trẻ này cũng gửi ngân hàng từ 9,5 triệu - 10 triệu. Thêm nữa, khi mới cưới xong, vợ chồng chị còn có số vốn 70 triệu gửi ngân hàng. Cứ thế, sau một năm gửi, chị lại có thêm chút tiền lãi. 

Ngay năm đầu tiên sau khi kết hôn, vợ chồng chị rút tiết kiệm cả gốc lẫn lãi được khoảng 74 triệu + 120 triệu tiền để ra 1 năm dầu nên được tất thảy số tiền 194 triệu. Cuối năm 2010, với số tiền ấy, cộng vay thêm bố mẹ chồng được 80 triệu, vợ chồng chị quyết định mua miếng đất ở ngoại thành Hà Nội. Mảnh đất 50m2 này khi ấy có giá 274 triệu.

Sang năm 2011, vợ chồng chị đi làm cả năm đã tích cóp trả được mẹ chồng số tiền 80 triệu vay mua đất. Số tiền còn lại chị lại tiếp tục để dành tiết kiệm.

Cuối năm 2012, vợ chồng chị tiết kiệm tiền mua mảnh đất khác ở ngoại thành có giá 200 triệu (mảnh này 38m2). Khi ấy vợ chồng chị thiếu 40 triệu lại phải vay thêm ông bà ngoại.

Như vậy là sau 3 năm kết hôn, vợ chồng chị vẫn phải ở thuê nhà nhưng đã có 2 miếng đất nhỏ để dắt lưng. Song đen đủi là khi đất cát lãi lời và sốt thì vợ chồng chị lại không có ý bán.

Cuối năm 2014, thời điểm này chồng chị vô tình tìm được căn nhà 1,2 tỉ ở gần Trung tâm thành phố hơn. Suy đi tính lại thấy tiện cho con cái học tập và công tác của 2 vợ chồng nên dù lúc này bán đất rẻ, vợ chồng chị cũng quyết bán 2 mảnh đất kia giá trẻ. Số tiền bán 2 mảnh lúc này được tất thảy 700 triệu. Cũng may khi xác định bán đất để mua nhà còn có khách mua.

Thêm tiền 2 vợ chồng tích cóp 1 năm được khoảng 100 triệu nữa. Sau đó, vợ chồng chị vay thêm ngân hàng 400 triệu. Vậy là sau 5 năm kết hôn, vợ chồng chị Hoa đã có căn nhà riêng của mình. Số tiền 400 triệu vay ngân hàng được vợ chồng chị trả dần cả gốc lẫn lãi trong vòng 5 năm nên cũng không áp lực lắm.

Đến 2015 này, tuy vợ chồng vẫn phải trả lãi và tiền gốc ngân hàng song vẫn trong khả năng xoay xở được. Ngoài ra, hàng tháng vợ chồng tiết kiệm chi tiêu mua sắm dần nhiều trang thiết bị cho ngôi nhà mới.

Khi được hỏi về cách chi tiêu để mua được nhà Hà Nội từ 2 bàn tay trắng, chị Hoa tươi cười nói: “Thực ra, vì vợ chồng nghèo nên cứ phải cố gắng từng bước một như vậy. Để mua được nhà như thế, vợ chồng mình cũng phải chi tiêu tiết kiệm lắm. Bên cạnh đó, phải có kế hoạch mua bán và trả nợ cụ thể thì mới có ngôi nhà này để ở. Chứ cứ ngồi chờ đủ tiền thì mới mua nhà, chắc mình cũng không mua nổi mất”.

VŨ NGA (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin