Dòng sự kiện:

20 quy tắc giao tiếp mẹ nên sớm dạy con thuộc lòng

03:00 29/10/2015
Bạn đừng nghĩ rằng: “Con còn nhỏ, đã biết gì mà dạy”. Sự thật là từ 2 tuổi trở đi, bé đã có thể tiếp thu và thực hành những quy tắc giao tiếp cơ bản này rồi đấy!

Tin liên quan

  • Những kỹ năng thoát hiểm bạn nên dạy con càng sớm càng tốt
  • MC Minh Trang ngưỡng mộ nguyên tắc dạy con của người Mỹ
  • 3 cặp cha mẹ nổi tiếng vì cách dạy con không phải ai cũng dám thử
  • 12 điều cần dạy con gái trước tuổi 13
 [mecloud]qcwA3RoGd5[/mecloud]

1. Biết nói cảm ơn hoặc xin lỗi

Trẻ cần nói cám ơn với bất cứ ai dù là người lớn tuổi hay nhỏ tuổi khi họ làm giúp việc gì đó hoặc cho/tặng món đồ gì.

Để dạy con điều này, thật đơn giản, bạn chỉ cần hướng dẫn con nói “Cảm ơn mẹ!” mỗi khi đưa cho bé bất cứ thứ gì, giúp con làm bất cứ việc gì. Dần dần con sẽ quen thuộc với câu cảm ơn đến mức xem đó như một phản xạ không thể thiếu khi ra đường tiếp xúc với người khác.


2. Biết chào mọi người

“Con chào bác/cô/chú/anh chị… ạ!” là câu nói cửa miệng trẻ cần biết khi gặp bất kỳ ai. Ba mẹ nên tập cho con mạnh dạn chào mọi người và không quên mỉm cười thân thiện khi gặp ai đó.

3. Không chen ngang khi người lớn đang nói chuyện

Tập cho con không bao giờ chen ngang khi người lớn đang nói chuyện. Nếu bé có việc gì khẩn cấp cần “thông báo” với bạn, hai mẹ con hãy thỏa thuận một dấu hiệu gì đó. Chẳng hạn khi bé đưa tay lên và hướng về bạn, bạn hãy ngưng câu chuyện của mình, hỏi xem con cần gì.

4. Trước khi vào phòng ai, con cần gõ cửa!

Hãy thực hành điều này với con ngay từ phòng ngủ của con và của ba mẹ. 3 tuổi, bé đã có thể hiểu “gõ cửa” là gì. Khi thấy mẹ luôn gõ cửa rồi mới vào phòng con, bé sẽ dần hiểu đây là việc không thể thiếu. Cũng nên hướng dẫn con khi sang nhà người lạ, đừng tự ý vào phòng người khác mà không được phép.

5. Xin phép nếu muốn động vào đồ đạc của người khác

Có những đứa trẻ sang nhà người khác chơi lập tức chạy khắp nhà, động vào tất cả mọi thứ đồ đạc, đòi cái này cái kia để chơi. Thực tế, người lớn không rầy la vì ngại mất lòng với bạn, song không ai thấy thoải mái với một đứa trẻ tò mò lục lọi, chạm vào mọi thứ như vậy.

Bạn nên hướng dẫn con từ chính nhà mình: Chỉ lấy đồ đạc của ba mẹ khi đã xin phép và được ba mẹ cho phép. Đừng để con tự ý thấy điện thoại, iPad, ví tiền, những hộp nữ trang trong phòng ba mẹ là tự ý lấy chơi mà không hỏi.


6. Không nói trống không

Dạy con luôn có từ “Dạ” trước khi bắt đầu câu nói, câu trả lời. Dạy con luôn trả lời có chữ “Con” chứ không nói trống không. Uốn nắn con mỗi khi thấy con trả lời chưa đúng một cách thật kiên nhẫn. Khen ngợi con thường xuyên khi con trả lời đúng cách.

7. Dạy con biết “tự giới thiệu”

Những điều đơn giản nhất về con, bạn nên dạy con đối đáp thường xuyên. Bạn có thể dạy bé trả lời các câu hỏi như: Con tên gì? Con bao nhiêu tuổi? Con có em không? Em con tên gì? Em trai hay gái? Con học trường nào?…

8. Chỉ ăn khi được cho phép

Trẻ con thường háu ăn và thường tự ý ăn món mình thích mà không xin phép người lớn. Bạn hãy dạy bé cách xin phép khi muốn ăn món gì đó: “Con ăn cái này được không ba mẹ?” hay “Ba mẹ cho con ăn cái bánh này nhé?”.

9. Mời người lớn trước khi ăn

Ba mẹ hãy chỉ cho bé cách mời người lớn trước khi ăn. Phép lịch sự này sẽ làm bé trở nên đáng yêu hơn trong mắt mọi người.


10. Lịch sự khi ngồi vào bàn ăn

Ba mẹ hướng dẫn cho bé tư thế khi ăn, sử dụng muỗng, nĩa hay không dùng muỗng gõ lên chén bát để tạo ra âm thanh…

11. Ăn uống từ tốn, không phát ra tiếng

3 tuổi, có thể con chưa làm thật tốt điều này, song bạn đã có thể thường xuyên nhắc nhở để con ý thức điều chỉnh từ từ. Ăn uống thong thả, không để đổ thức ăn, không nhai thức ăn phát ra tiếng.

12. Hướng dẫn con lau miệng trong khi ăn

Hướng dẫn con thường xuyên lau miệng trong lúc ăn để tránh tình trạng thức ăn vương vãi quanh miệng.

13. Phép lịch sự che miệng

Đó là khi trẻ ngáp, ho, hắt xì, trẻ cần dùng tay để che miệng.


Bạn cũng cần dạy con không ngoáy mũi trước mặt người khác. Khi thấy con ngoáy mũi, hãy ngăn con lại và hỏi xem con có bị ngứa không, giúp “giải quyết” cho con. Sau đó, bạn hướng dẫn con khi ngứa mũi nên nói với mẹ, không nên ngoáy mũi trước mặt người khác vì như thế là “không vệ sinh”.

14. Tránh nói quá to, làm phiền người khác

Nhất là khi trẻ đang chơi đùa hay đến thăm nhà người lớn. Dạy con không được nói những từ bậy bạ, tiếng lóng, nói tục, chửi thề.

15. Biết khoanh tay chào khi đến hoặc về

Bạn nên dạy con sớm việc đi hỏi về chào. Bằng cách khi bé đi mẫu giáo, mẹ nhắc con nói” Cháu  chào ông bà, con chào bố mẹ con đi học”. Đến nhà người lớn tuổi, mẹ dạy con khoanh tay nói: “Con chào ông!”. Khi về, cũng hướng dẫn con: “Thưa ông con về!”.

16. Để giày dép ngay ngắn

Biết ý tứ để dép ngay ngắn là động tác vô cùng đơn giản, nhưng chứng tỏ đứa trẻ được ba mẹ hướng dẫn, dạy bảo rất kỹ lưỡng về các kỹ năng giao tiếp.

17. Biết giúp đỡ người khác

Mẹ hãy dạy con giúp ba mẹ dọn cơm, rót cho ông bà ly nước, phụ ba tưới cây, cầm cặp sách giúp bạn, giữ cửa cho người đi sau… Để bé làm được điều này, ở nhà bạn đừng nuông chiều con quá. Hãy cho con tham gia phụ giúp từng việc nhỏ và hướng dẫn để con luôn nhiệt tình làm các việc người khác nhờ. Hãy “nhờ” con thường xuyên, liên tục để bé quen và sẽ nhiệt tình khi người lớn nhờ việc gì khác.


18. Chúng mình chơi chung nhé

Khi chơi cùng các bạn, nếu bé không biết hòa đồng, chỉ muốn sở hữu món đồ chơi nào đó, cáu gắt, la hét sẽ làm bạn bè xa lánh. Vì vậy, mẹ hãy dạy bé hãy cùng chơi với các bạn và chia sẻ với nhau.

19. Không chê bai, nói xấu, đùa cợt người khác

Đây là một trong những cách mà bé tôn trọng người khác cũng là để người khác tôn trọng con của bạn.

20. Nghề nào cũng đáng quý

Nếu con bạn có suy nghĩ những người làm công an, giáo viên, bác sĩ… sẽ được mọi người yêu thích, tôn trọng hơn nhân viên bảo vệ, lao công, tài xế… Hãy nói với trẻ rằng nghề nào cũng cao quý, đóng góp cho xã hội và trẻ cần kính trọng, lễ phép với mọi người.

Lam Anh (Tổng hợp)

 

Nguồn: Gia đình Việt Nam

[mecloud]LzlXJcXner[/mecloud]

Nước mắt người mẹ muốn “vứt hết mọi thứ ở nhà cùng con”

“Chưa bao giờ muốn vứt hết mọi thứ để ở nhà cùng con như bây giờ. Muốn tận tay nấu cho con, bón cho con từng thìa cháo sữa. Giờ không biết một ngày con ăn được bao nhiêu, ăn như thế nào, không có người chơi cùng cảm thấy thương con xót ruột vô cùng.

Soi camera cứ thấy con lẩn thẩn chơi một mình, xuống công viên thì chân đất chạy lạch bạch cũng chỉ có mình con. Nhìn nó ngủ mà muốn khóc”.