24 giờ ở bên con, mẹ đã thực sự dạy con điều gì?
Bao giờ con biết đọc biết chơi một mình, lúc ấy vị trí của mẹ sẽ đành phải xếp sau gấu bông và sách truyện. Một ngày, tôi thấy con tôi vừa ngồi chơi vừa nói chuyện với đồ chơi, xưng mày - tao. Nói thật là tôi choáng váng, vì tôi rất ghét, vô cùng ghét ai xưng mày tao. Tôi chưa bao giờ nói chữ mày - tao với ai trước mặt con. Vợ chồng tôi chưa bao giờ buột miệng mày - tao. Thậm chí ngay cả trong lúc trò chuyện với con, chúng tôi luôn nói rất đúng ngữ pháp, phát âm rất rành rọt chứ không nói nhịu.
Thế có điên cái đầu không?
Nhưng kiểm điểm lại tất cả mọi tình huống, tôi chưa bao giờ dạy cháu hai từ ấy. Bỗng dưng, nghĩ ngợi thật lâu thì tôi nhận ra:
Đúng là tôi đã dạy cháu nói mày - tao!
Bằng cách hay đọc cho cháu nghe cuốn truyện tranh mà cháu rất thích: "Dê kia, ai cho mày uống nước ở suối của tao?" rồi còn "Dê kia, thế dưới chân mày có gì?" "Dê kia, trên đầu mày có gì?"
Cách mà con sói nói chuyện với con dê, cả triệu gia đinh Việt Nam vẫn kể theo truyện đó thôi: "Dê kia, ai cho mày uống nước ở suối của tao?". Cháu thích câu chuyện bao nhiêu thì cháu thích nói mày tao bấy nhiêu, thật là biểu cảm và đáng yêu, dọa dẫm, sợ hãi, mày tao!
Thực ra không sớm thì muộn, trẻ con rồi sẽ học được cách để như con dê, nói với kẻ thù của mình, hay như con sói, nói với cái thằng người mà nó muốn ăn thịt. Mày tao chỉ là một cách xưng hô tượng trưng cho thái độ, rất nhẹ nhàng, dù không thân ái như mẹ và con, tớ và bạn, tôi và bạn. Cũng không có gì nghiêm trọng cả, trừ phi tôi phát hiện ra rằng:
Có rất nhiều thứ không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta nữa! Và chúng ta đang thực sự dạy con điều gì?
Mẹ có thể dặn con rằng: "Nếu bác Hường gọi điện đến thì con bảo mẹ cháu đi vắng nhé!" để tránh mặt một người mặt dày cứ ỉ eo vay tiền mà chưa bao giờ có ý định trả. Thế nhưng ngày hôm sau, ta lại đánh mắng các con vì chúng giấu điểm kém, chỉ khoe điểm tốt, và mắng con rằng: "Bố mẹ có dạy con nói dối bao giờ đâu?"
Chúng ta cần gì phải dạy, chúng ta chỉ cần làm gương thôi.
Bố sai con: "Con mang bật lửa ra đây cho bố! Con đi mua cho bố bao thuốc!" nhưng sau này bố sẽ quát thật to khi bắt quả tang con đang giấm giúi tập hút thuốc lá trong buồng tắm.
Những gì chúng ta nói có giống như những gì chúng ta làm không?
Tôi có một cô bạn, ngày đi học phổ thông, thành tích không cao, nếu không muốn nói là chẳng có gì để khoe. Ra đời đành buôn bán lặt vặt kiếm sống. Thế nhưng khi con đi học, cô luôn giáo huấn con với một điệp khúc lặp đi lặp lại: "Ai dạy mày mà mày dốt nát thế này? Ngày xưa tao có học dốt như mày đâu?"
Hãy nghĩ đến ngày con bạn cầm được cuốn học bạ của bố mẹ trên tay.
2. Một mùa hè êm đềm, nhà nhiều việc bận nên con gái lớn phải ở nhà giúp bố mẹ làm việc nhà và trông các em, không được đi học Dance Sport như năm ngoái, không được học ghi-ta, học tiếng Anh, học nghi thức Đội ở Cung thiếu nhi cũng như không được đi bơi nhiều như mọi năm trước. Mẹ rất yên tâm vì quản chặt con gái tuổi sắp lớn, không rời mắt khỏi nó hầu như 24h một ngày.
Trên đường đi mua bộ sách giáo khoa cho năm học mới, lúc về qua cổng bệnh viện K, con gái buột miệng:
- Hôm qua con hát ở trong này!
Mẹ choáng váng luôn, không thốt nên nổi một lời nào! Một lát sau bình tĩnh lại, mẹ chạy xe chậm chậm, hỏi, cố ra vẻ giữ giọng bình thường:
- Con vào bệnh viện ung thư làm gì? Sao con lại đi được ra đây?
- Hôm qua con hát cho các em nhỏ bị ung thư đang chữa trị trong này. Các em vui lắm, rất tội nghiệp, nhiều em đầu trọc lóc. Con hát hai bài, các em thích lắm! Con đi ô tô từ trường con ra đây!
Trời ơi, thì ra trong những lúc mẹ yên tâm con đang ở trường tập văn nghệ cùng cô giáo và các bạn cũ lớp 5, thì con phiêu lưu khắp Hà Nội, hôm thì qua Bệnh viện Nhi, Bệnh viện ung bướu, hôm thì đi hát thế cho quận gì đó, hôm thì đi thi thể dục hộ phường kia, đi đánh trống chào mừng đại hội Đảng bộ hay hội nghị của Bộ nào đó không biết, dưới sự dẫn dắt của bà bầu là... cô giáo chủ nhiệm cũ ở trường Tiểu học. Mẹ bảo:
- Thế tuần nào cũng đi biểu diễn à? Sao mẹ tưởng con toàn ở trường?
- Không, trước khi bố mẹ đến đón thì cô giáo chở ô tô đưa bọn con về trường. Có hôm không đi biểu diễn thì bọn con đi thu quảng cáo, cho bim bim (con nói tên gì mẹ quên, bò gà gì đó).
Mẹ bất bình:
- Lạ nhỉ, tại sao cô giáo không xin phép bố mẹ mà tự đưa bọn con đi nhỉ? Mà đi quảng cáo là phải có cátxê chứ!
- Cô bảo, toàn là người nhà và người quen của cô mà! Có hôm cũng có hãng sữa quay và thu âm quảng cáo xong, họ cho con và các bạn mỗi người một cái bánh quy và hai gói bim bim!
- Trời!
Mẹ buột miệng:
- Con tệ lắm! Đáng lẽ con phải cho các em nhỏ bị bệnh ở bệnh viện luôn cả mấy gói bimbim ấy mới đúng!
Còn trong lòng mẹ nghĩ: Con tệ lắm, từ lúc nào con đã bắt đầu không kể với mẹ?)
Con hồn nhiên:
- Tại họ luôn cho bim bim trên đường trở về trường, không thì con cũng cho các em nhỏ hết rồi!
Mẹ vừa đi vừa nghĩ miên man. Mà chả biết mình đang nghĩ cái gì nữa!
Mẹ không biết 24 giờ trong ngày ở sát bên con, mẹ đã thực sự dạy con điều gì!
Nhà văn Trang Hạ
Nguồn: Gia đình Việt Nam
Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua