Dòng sự kiện:

4 - 5 tuổi, con biết gì mà dạy?

15:00 24/01/2016
Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khi con 4 - 5 tuổi, con đã học được nhiều rồi nên mẹ hãy dạy con thật nhiều điều, để con có cơ hội được giúp mẹ các việc nhà.

 

 

 

Tin liên quan

  • Maya chưa phải “đóng vai ác” để dạy con
  • Dạy con từ trong bụng mẹ như thế nào mới đúng?
  • Rơi nước mắt trước câu chuyện bố dạy con về lòng biết ơn
  • Bí quyết dạy con trai 6 tuổi thành thạo việc bếp núc
Dưới đây là những việc trẻ 4 – 5 tuổi đã có thể làm được, chỉ cần bố mẹ kiên trì dạy con và tạo điều kiện cho con học hỏi:

1. Cầm dao: Dạy con cầm dao tuổi này không phải là quá sớm. Quan trọng là chúng ta sẽ dạy thế nào thôi. Ban đầu, cha mẹ mua cho con một túi dao nhựa để con làm đồ chơi. Cho con chơi với quả dưa chuột trước nhé.

Sau khi con đã có thể gọt quả dưa chuột dễ dàng thì cho con cầm dao nhựa cắt giò, chả phục vụ bữa cơm gia đình. Khi con được tham gia vào các công việc quen thuộc này, con sẽ vô cùng thích thú và chăm chỉ làm.

Khi con đã có thể sử dụng dao nhựa và dao ăn thành thạo thì cha mẹ “nhờ” con thái rau nhé. Những việc này con sẽ rất hào hứng đấy.

2. Thái rau, rửa rau: Việc có vẻ khó khăn này thì bọn trẻ trên 4 tuổi đã làm nhoay nhoáy rồi. Kiếm cho con cái ghế nhỏ, hướng dẫn tỉ mỉ, các cha mẹ sẽ cực kì bất ngờ khi con làm giỏi nhiệm vụ này nhé.

3. Đặt nồi cơm điện: Nghe đến điện là các cha mẹ sợ hết hồn rồi. Nhưng các cha mẹ chú ý, nếu hướng dẫn tỉ mỉ, con sẽ không gặp chút nguy hiểm nào cả. Này nhé, việc vo gạo, đổ vào nồi, cho nước theo đúng hướng dẫn thì bọn trẻ có thể làm tốt khi cha mẹ hướng dẫn cụ thể rồi. Vậy cắm điện thì sao? Cha mẹ mua một ổ cắm nối dài có nút tắt bật và hướng dẫn con cụ thể theo các bước sau nhé:

Bước 1. Lau khô đáy nồi sau khi rửa và đặt vào trong vỏ nồi.

Bước 2: Đổ gạo vào nồi, lấy thìa xới cơm vun lại cho gọn và dàn đều dưới đáy.

Bước 3: Đổ nước (đổ bao nhiêu thì các mẹ phải dạy con rồi đấy nhé) vào nồi, thật chậm và cẩn thận.

Bước 4: Tắt điện của ổ cắm nối dài bằng nút tắt bật. (trong nút có đèn nên các cháu quan sát được).

Bước 5: Cắm phích cắm nồi cơm điện vào ổ cắm nối dài đã tắt.

Bước 6: Bật nút của ổ cắm nối dài.

Bước 7: Bật nút nấu ở trên nồi cơm điện.

Các bước trên đơn giản và trẻ 4 – 5 tuổi làm tốt lắm rồi. Tuy nhiên, các cha mẹ lưu ý, dặn con chỉ nấu cơm trước mặt bố mẹ thôi. Khi nào con qua mốc 7 tuổi thì hãy cho con tự cắm cơm khi không có bố mẹ ở nhà.

4. Học xâu chuỗi hạt: Đây là trò chơi đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay. Trẻ điều khiển tốt được hai bàn tay để làm được công việc khéo léo này thì sẽ giúp cho não phát triển tốt nhất.

Cách làm: Khi con đã được 4 – 5 tuổi cha mẹ mua cho con những tấm bìa mầu và cắt ra thành những thanh dài, hẹp. Dạy con ghép các thanh bìa mầu đó lại thành các tấm lớn.

Con sẽ chơi tỉ mẩn rất lâu đấy nhé. Với lứa tuổi lớn hơn, cha mẹ có thể mua các hạt nhỏ về cho con xâu thành vòng đeo tay sẽ rất đẹp và thú vị.

5. Học làm đồ thủ công: Đừng nghĩ trẻ không làm được, những dạng đồ thủ công nho nhỏ sẽ khiến trẻ bớt nghịch hơn rất nhiều vì chúng còn mải tỉ mẩn làm.

Cách làm: Ban đầu, khi các con còn nhỏ, cho các con xé dán là một niềm vui vô cùng tuyệt vời mà lại rèn luyện sự khéo léo cho đôi bàn tay. Với lứa tuổi lớn hơn, các mẹ có thể dạy con làm đồ thủ công phức tạp hơn như các làm các con thuyền nhỏ, dán đèn ông sao.

6. Học khâu vá: Với cây kim khâu len to đùng được trẻ xâu sợi chỉ nhỏ xíu, xâu vào những lỗ thủng cũng to đùng được cha mẹ chọc trước trên tấm bìa, bài tập khâu vá này sẽ giúp trẻ vừa học kĩ năng khâu vá vừa phát triển não vô cùng tốt.

Cách làm: Các cha mẹ lấy tấm bìa cứng nhỏ, vừa tay cầm của con. In hình hoạt hình dễ thương ra giấy và dán lên tấm bìa. Sau đó, các mẹ dùng kim đục trước các lỗ thủng theo đường viền của hình. Lưu ý: lỗ thủng vừa thôi nhé, đừng quá to kẻo con sẽ làm rách tấm bìa ra.

Đưa cho con cây kim khâu len loại to, cây kim đó sẽ có đầu rất tù nên không đâm vào tay các con. Hướng dẫn con xâu sợi chỉ nhỏ luồn qua lỗ kim. Tiếp tục hướng dẫn con xâu kim qua những lỗ thủng đã chọc sẵn ở trên tấm bìa. Sau khi con thêu xong, nhớ khen ngợi và lưu trữ tấm bìa lại nhé. Sau này con lớn, con sẽ vô cùng thích thú đấy.

7. Học đọc sách: Ồ, trẻ chưa biết đọc nên các cha mẹ đừng hiểu chữ “đọc” này theo cách thông thường nhé. Học đọc sách với tuổi này sẽ là tự mình mở cuốn sách nhiều tranh ảnh ra xem, được cha mẹ đọc cho các câu truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn trước khi đi ngủ, được cha mẹ đưa đến các hiệu sách, các thư viện để làm quen với sách. Hãy làm phong phú tâm hồn con bằng sách nhé.

Cách làm: Để trẻ hứng thú đọc sách, cha mẹ nên đưa con đến hiệu sách khi còn rất nhỏ. Chú ý hướng dẫn con tìm sách và không làm ồn để ảnh hưởng đến người khác nhé. Mua cho con những quyển sách to đùng có mầu sắc rực rỡ để con làm quen.

Đọc cho con nghe nhiều lần và hỏi con những chi tiết của truyện. Nếu con nhắc lại được thì phải khen ngợi con nhé. Nên đọc sách trước khi đi ngủ để con cảm thấy việc đi ngủ không phải là rất đáng ghét khi sau 1 ngày hoạt động vui chơi thoải mái. Hơn nữa, thời gian đó, các cha mẹ cũng rỗi rãi hơn trong ngày.

8. Quét nhà: Việc này bọn 4, 5 tuổi làm rất tốt. Tuy nhiên, nếu cha mẹ để cái chổi dài quá, việc cầm chổi của con sẽ khó khăn. Vì thế, các cha mẹ cắt ngắn cán chổi cho vừa tầm tay của con thôi nhé. Nhớ vừa hướng dẫn con làm vừa khen cho con thấy thoải mái nha.

9. Gấp quần áo: Các cha mẹ đã dạy con thử gấp quần áo chưa? Thử đi nhé, con khéo lắm rồi đấy. Phân biệt rõ quần áo của từng người trong gia đình rồi gấp gọn lại và cất vào tủ là việc con làm được. Nhiều bé còn làm rất khéo nữa đấy nha.

10. Dạy con phòng tránh lạc đường, xâm hại và bắt cóc: Giờ là lúc cần phải dạy con nghiêm túc về vấn đề này rồi. Các cha mẹ đặt ra các tình huống con có thể bị lạc đường, và dặn con: nếu bị lạc cần phải nhờ chú công an giúp đỡ. Cho con học thuộc số điện thoại của cha mẹ. Nếu có kẻ đi theo con khi con ở một mình thì phải chạy ngay ra chỗ chú công an để nhờ chú giúp đỡ. Nếu ai đã bắt cóc con, con cần phải hét thật to: Cháy nhà, và vùng chạy ra chỗ khác để kêu cứu nhé.

Con đã học được nhiều rồi. Mẹ nào lúc này còn than vất vả chứng tỏ chưa dạy con và chưa tạo điều kiện cho con học hỏi để giúp mẹ thôi. Dạy con đi nhé, đó là quyền lợi của con, các mẹ hãy cố gắng.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương

Nguồn: Gia đình Việt Nam