Dòng sự kiện:

4 bước để thắng trong “cuộc chiến ăn vạ” với con

21:00 13/08/2015
Trẻ thường rên rỉ ăn vạ bởi nó có hiệu quả khiến cha mẹ phải nhún nhường. Dưới đây là cách dập tắt tình trạng này ngày từ trong trứng nước.
Nghe một đứa trẻ nhõng nhẽo ăn vạ không phải là điều dành cho những người dễ mủi lòng. Âm thanh đó cao vút, khó chịu, giống như tiếng móng tay cào trên bảng đen vậy, và thực sự khó có thể lờ đi. Đó chính là vấn đề. Trẻ ăn vạ vì nó có hiệu quả. Đó có thể là một sự tiêu cực, nhưng lại có hiệu quả cao, gây sự chú ý của bạn.

Những đứa trẻ thường nhõng nhẽo ăn vạ khi thất vọng, buồn chán hay có một điều gì đó có vẻ không công bằng (thường liên quan đến việc anh chị em có một thứ gì đó còn chúng thì không), khi gặp phải một sự thay đổi nào đó (chuyển sang nằm riêng hay phải ngồi bô), hay đơn giản là khi chúng cảm thấy không được quan tâm, không kết nối được với bố mẹ.

Và dường như trẻ thường chờ những thời điểm không thích hợp để bắt đầu mè nheo ăn vạ: khi bạn đang ở trong siêu thị, khi nấy bữa tối hay khi bạn đang nghe điện thoại. Bố mẹ không lắng nghe, trẻ đòi hỏi và nhanh chóng diễn ra một trận mè nheo ăn vạ.

Làm thế nào để chấm dứt sự rên rỉ ngay từ khi nó chớm bắt đầu? Hãy sử dụng chiến lược gồm 4 giai đoạn:

Phòng ngừa

Để tránh sự rên rỉ, hãy bắt đầu bằng việc làm gương cho con, hãy hành động theo đúng những gì bạn mong đợi ở con. Người lớn cũng sẽ có lúc rên rỉ, mè nheo, và nếu bạn đã từng như vậy, chắc chắn con bạn đã học ở đó. Con bạn đã bao giờ nghe thấy bạn gào thét vào những người lái xe khác trên đường chưa? Trẻ đã bao giờ chứng kiến bạn mất kiên nhẫn và cáu kỉnh khi xếp hàng?

Dù bạn có cố ý hay không, bạn cũng đã trở thành “hình mẫu” cho con mình, và nếu bạn có thể kiểm soát được sự thất vọng một cách bình tĩnh, hài hước và không rên rỉ, con bạn sẽ có một tấm gương tốt để làm theo.

Trẻ hay ăn vạ thường cảm thấy không được quan tâm chú ý, bởi vậy hãy dành thời gian quan tâm và kết nối tình cảm với con. Hãy dành những khoảng thời gian âu yếm với con, hay cùng nhau đọc sách.

Thay vì chú ý vào những hành vi xấu, hãy chỉ cho con làm những điều tốt và thưởng cho chúng vì những hành động tốt. Phần thưởng luôn hiệu quả hơn hình phạt.

Nhận diện

Bạn muốn nhận ra dấu hiệu của sự rên rỉ ăn vạ trước khi nó bắt đầu tiến xa hơn. Nếu trẻ hỏi bạn một câu hỏi, hãy trả lời: nhìn về phía trẻ, đặt tay lên vai để thể hiện rằng bạn đang lắng nghe và bạn quan tâm.

Nếu bạn đang nghe điện thoại, hãy sử dụng một chiếc đồng đồ đáng yêu và bắt mắt và nói với con rằng: “Mẹ sẽ tắt máy sau 5 phút nữa”. Sau đó để trẻ đếm ngược rồi báo với bạn khi hết giờ (nhưng sau đó bạn phải thực hiện những gì mình đã nói: Nếu bạn tiếp tục nghe điện thoại 20 phút nữa, con bạn sẽ ăn ra ăn vạ và khóc lóc).

Phân tán

Nếu phương pháp ngăn ngừa thất bại và bạn phải nghe những tiếng rên rỉ vang lên nhưng tiếng còi báo động. Đánh lạc hướng chính là chìa khóa dẫn đến thành công. Tốt nhất hãy tìm cách chọc cười trẻ. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể áp dụng:

- Nói một cách ấn tượng và hài hước: “Mẹ có đôi tai rất buồn cười, nhưng chúng đang không thể nghe được gì vì bị những tiếng than vãn lấp đầy rồi”. Hoặc: “Mẹ xin lỗi nhưng mẹ không thể hiểu con đang nói gì khi con khóc lóc, âm thanh đó giống như thế này này,” rồi bắt chước bằng những âm thanh vô nghĩa ngớ ngẩn.

- Mở cửa sổ, giả vờ thu thập những cảm xúc giận dỗi vào vòng tay bạn và nói: “Chúng ta sẽ ném những cảm xúc không vui này ra ngoài cửa sổ”.

- Bắt đầu một hoạt động mới: chơi một trò chơi hay đọc một cuốn sách.

- Mang gương đến hoặc quay video để trẻ có thể thấy mình như thế nào khi khóc lóc ăn vạ. Thường thì trẻ sẽ không ý kiến gì và ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng. Và ngạc nhiên có thể dẫn đến tiếng cười.

- Có một chiếc lọ rên rỉ, mỗi lần trẻ khóc lóc ăn vạ, hãy làm đầy chiếc bình thêm 1 chút. Khi chiếc bình đầy, hãy dùng tiền và đi làm từ thiện để dạy cho trẻ 2 bài học: kiểm soát cảm xúc của bản thân và giúp đỡ người khác.

Hãy kiên nhẫn, hài hước và đủ năng lượng để sử dụng các phương pháp tiếp cận này. Bạn có thể cần đến một hơi thở sâu và tự nhủ rằng: “Mình sẽ ổn thôi”, “mọi thứ sẽ được kiểm soát”, để giữ cho bản thân luôn bình tĩnh.

Dạy dỗ

Trẻ nhỏ thậm chí còn không biết là chúng đang rên rỉ, đó đơn giản chỉ là một cách giao tiếp với chúng. Bởi vậy chúng ta cần chỉ cho chúng thấy những lựa chọn thay thế khác có thể đáp ứng như cầu: “Khi nào con sử dụng lời nói lịch sự, mẹ sẽ lắng nghe con, hãy yêu cầu lịch sự như thế này:...”. Những trẻ lớn có được vốn từ vựng tốt hơn có thể được yêu cầu nhắc lại những điều đó.

Đây cũng là thời điểm tuyệt vời để dạy trẻ những kỹ năng về chỉ số cảm xúc (EQ). Trẻ chưa đi học sẽ không thể hiểu và gọi tên những cảm xúc của mình, nhưng ngay đến trẻ 2 tuổi cũng có thể học các từ về cảm xúc. Hãy dạy trẻ cách xác định các cảm xúc vui, buồn, tức giận, thất vọng, yêu, sợ hãi.

Sử dụng một tấm gương để trẻ có thể xem những cảm xúc đó biểu cảm như thế nào trên gương mặt, hoặc chọn ra hình minh họa trong những cuốn sách cho trẻ. Sau đó hãy chỉ cho trẻ cách cư xử và xử lý với các cảm xúc đó một cách tích cực.

Kỹ năng EQ rất quan trọng khi trẻ tới trường, và tất nhiên là cho cả những mối quan hệ và sự nghiệp của trẻ sau này. Dạy trẻ những ngôn ngữ của cảm xúc và những cách tích cực để quản lý cảm xúc của mình, điều này có lợi cho trẻ không chỉ trong ngắn hạn mà cho cả cuộc đời của trẻ sau này.

Minh Trang (sheknows)

Nguồn: Người đưa tin