Dòng sự kiện:

6 tuổi - con bạn cần có những kỹ năng sống nào?

03:00 14/01/2016
Để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy con từ sớm, người xưa có câu "dạy con từ thuở còn thơ". Nếu ai đó cho rằng, còn còn nhỏ không cần dạy dỗ quá nhiều thì thật là sai lầm bởi lẽ con bạn có khả năng ghi nhớ rất tốt từ những năm tháng đầu đời.

 

 

 

Tin liên quan

  • Đừng bỏ lỡ cơ hội giáo dục kỹ năng sống cho trẻ
  • Vua đầu bếp Mỹ tiết lộ "tuyệt chiêu" dạy con kỹ năng sống
  • Những kỹ năng sống bất cứ đứa trẻ nào cũng phải có
  • Những bài học kỹ năng sống tuyệt vời khi con bạn chơi bóng
Và kỹ năng sống là những bài học đầu tiên cha mẹ nên dạy con ngay từ khi còn nhỏ. Trước khi đến trường, khi con bạn 6 tuổi, bé cần phải có những kỹ năng sống quan trọng dưới đây:

Thói quen ăn uống lành mạnh

Ăn uống lành mạnh sẽ giúp con phát triển tốt về mặt thể chất và tinh thần. Vì vậy, hình thành thói quen ăn uống lành mạnh có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống của con.

Cha mẹ nên dạy cho con những thói quen ăn uống có lợi cho sức khỏe, nói về lợi ích của từng loại thức ăn, lợi ích của trái cây, nên ăn gì lúc đói… Hãy thường xuyên đưa ra những cảnh báo mối nguy hại của một số loại đồ ăn thức uống nếu như con quá lạm dụng.

Cách tốt nhất để làm điều này là bạn hãy là tấm gương cho con mình, bởi con thường quan sát và học tập những thói quen từ ba mẹ của chúng.

Học bơi

Ở Việt Nam, với địa hình nhiều sông hồ, ao… ở các vùng nông thôn, thi thoảng lại có những cái chết thương tâm của các em nhỏ vì đuối nước. Tuy nhiên, sự thực là kỹ năng bơi lội chưa thực sự được các bậc phụ huynh quan tâm.

Các chuyên gia khuyên rằng trẻ từ 1 - 4 tuổi nên được học bơi đúng cách để giảm nguy cơ bị đuối nước. Tuy vậy, ngoại trừ một số vùng sông nước trẻ em được học bơi ngay từ khi còn nhỏ thì vẫn có rất nhiều trẻ em chưa được học kỹ năng này đúng thời điểm. Các bậc phụ huynh nên quan tâm tới điều này để con mình có thể sống sót trong trường hợp khẩn cấp.

Cách ứng xử

Bạn đừng bao biện rằng việc dạy con lễ phép hãy để khi con lớn. Bố mẹ nào cũng thương con và mong muốn mang lại cho con những điều tốt đẹp nhất nhưng đừng vì thế mà bạn quên đi việc mình phải dạy con chào hỏi người lớn tuổi, yêu thương các thành viên trong gia đình, quan tâm tới những người xung quanh…

Hãy dạy con nói lời cảm ơn khi con nhận được sự giúp đỡ của người khác hay nói xin lỗi khi con phạm phải sai lầm. Tuy nhiên, tất cả những hành động này phải chân thành, xuất phát từ trái tim.

Hãy nói cho con biết hậu quả của việc con dối trá, thiếu trung thực là sẽ bị mất niềm tin và tình yêu thương của người khác.

Dạy con quản lý tiền bạc

Người Do Thái dạy con về tiền bạc từ rất sớm, khi trẻ 3 hoặc 4 tuổi. Họ bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản cho con không nhằm mục đích biến trẻ thành cái máy kiếm tiền hay thần giữ của mà họ coi đó cũng là một cách “giáo dục đạo đức”, “giáo dục nhân cách”.

6 tuổi, khi con bạn đến trường, thi thoảng bé sẽ phải tiêu tiền trong một vài tình huống không có người lớn đi kèm. Dạy con cách tiêu tiền hợp lý ở độ tuổi này là hoàn toàn cần thiết. Không những vậy, học cách quản lý chi tiêu từ khi còn nhỏ còn giúp con bạn biết cách tự chủ về tài chính khi trưởng thành.

Tự tin thể hiện bản thân

Khi con đi học cũng là lúc con sẽ “va chạm” và gặp nhiều rắc rối hơn khi còn ở nhà – trong vòng tay cha mẹ. Khi đó, con cần có đủ sự dũng cảm để đưa ra những câu hỏi nhờ cô hoặc bạn bè giải đáp cho về bài tập khó mà con không thể giải quyết.

Hoặc, con bạn tự ti về nhược điểm nào đó vẻ bề ngoài, hoặc bạn bè chê cười con chuyện gia đình… hãy dạy con vượt qua sợ hãi, dũng cảm đối diện với tất cả những vấn đề đó. Các bậc phụ huynh nên động viên con hãy cứ suy nghĩ táo bạo, hãy thắc mắc tất cả những điều mà con có mong muốn được giải đáp…

Và một điều rất quan trọng, các mẹ đừng quên dạy con sống lạc quan. Các bậc phụ huynh nên sớm dạy con rằng, mọi rắc rối đều có cách tháo gỡ, chuyện gì cũng có cách giải quyết riêng, ai cũng sẽ có những vướng mắc nhưng việc giữ được thái độ lạc quan rất quan trọng khi con đối mặt với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống đấy!

Anh Tuấn

Nguồn: Gia đình Việt Nam