Dòng sự kiện:

8 chiêu thức giúp cha mẹ dạy trẻ chia sẻ đồ chơi với bạn

22:04 05/07/2015
Bạn sẽ làm thế nào nếu con của bạn chỉ thích chơi một mình và không chịu chia sẻ đồ chơi với bạn bè? Nếu không xử trí đúng rất có thể bạn đã bỏ lỡ một cơ hội vàng để dạy cho con mình bài học về sự chia sẻ.

Đừng ép bé phải chia sẻ

Nếu bạn mắng một đứa trẻ hai tuổi rằng nó thật ích kỷ khi không cho bạn chơi cùng đồ chơi hoặc ép nó phải đưa đồ chơi cho bạn chơi cùng thì vô tình, bạn đã làm bé cảm thấy bất bình thay vì hào phóng chia sẻ đồ chơi với bạn.

Trong trường hợp này, mẹ nên áp dụng lại bài học thực hành lần lượt và khuyến khích con chia sẻ đồ chơi để chơi cùng nhau. Dạy bé biết chia sẻ ngay từ khi còn bé thì khi lớn lên, như một bản năng, con sẽ tự biết cách chia mọi thứ với bạn bè thay vì giữ cho riêng mình.

Đưa ra hai món đồ chơi giống nhau

Hầu hết các ông bố bà mẹ đều chọn cách đưa ra hai món đồ chơi giống nhau và hỏi xem con họ sẽ chọn món nào để đưa cho bạn cùng chơi. Đây có lẽ là cách tốt nhất cho cả hai đứa trẻ để chúng có thể chơi vui vẻ cùng nhau mà không ganh tỵ, muốn giành đồ chơi của bạn. Bạn cũng có thể nói với con bạn hãy cất đi những món đồ chơi mà bé không muốn chia sẻ với ai trước khi bạn của bé đến và như vậy, bé sẽ không có vấn đề gì với việc chơi chung đồ chơi nữa.

Cho trẻ thay phiên nhau chơi


Nếu không xử trí đúng cách khi con tranh dành đồ chơi với bạn, trẻ rất có thể giận ngược lại mẹ. (Ảnh minh họa)

Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên áp dụng bài học thực hành lần lượt khi chơi đồ chơi với bé. Ví dụ, mẹ sẽ xếp một miếng hình rồi lại đến lượt con, hoặc con sẽ đẩy chiếc xe ô tô trước và bố sẽ làm lượt sau. Cứ như thế, dần dần bé sẽ hiểu về quy định về thứ tự và việc thay phiên nhau chơi sẽ giúp nhau cùng khám phá đồ chơi một cách vui vẻ.

Nhẹ nhàng giải thích với bé

Không ít cha mẹ sẽ chọn cách đưa cho đứa trẻ kia món đồ chơi mà con họ không còn muốn chơi và giải thích với con của họ rằng: “Nếu con không cho bạn mượn đồ chơi, lần sau bạn sẽ không muốn đến chơi với con nữa”. Với cách giải thích này, bạn sẽ giúp con mình hiểu ra rằng bạn của con sẽ rất buồn nếu như con không chia sẻ đồ chơi. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm thế nào để con bạn tự đưa cho bạn của bé đồ chơi chứ không phải bạn can thiệp vào và làm điều đó. Bạn chỉ nên can thiệp khi mọi thứ đã vượt quá giới hạn cho phép – mà điều này thì rất hiếm khi xảy ra.

Để trẻ tự giải quyết với nhau

Khi thấy con và bạn tranh giành đồ chơi, cha mẹ chớ vội can thiệp mà hãy để chúng tự giải quyết. Bé sẽ tìm cách nói làm thế nào để thuyết phục bạn cho mình mượn đồ chơi hoặc bé muốn được chơi đồ chơi ấy thêm một chút nữa. Các con sẽ cùng nhau thiết lập thứ tự khi chơi. Khi không thuyết phục được bạn, bé cũng phải học cách chấp nhận và tìm chơi đồ chơi khác.

Bạn chỉ nên can thiệp khi thấy các con có xung đột mạnh và làm bạn bị đau.

Cha mẹ là trọng tài



Luôn dành cho con lời khen nếu con biết chia sẻ đồ chơi với bạn. (Ảnh minh họa)

Nếu bạn đã cố gắng hết sức mà cả hai đứa trẻ vẫn không thể cởi mở hơn với nhau đối với một món đồ chơi ưa thích, bạn có thể chơi cùng chúng trong vai trò của một người trọng tài. Bạn sẽ để từng bé chơi món đồ chơi đó trong một khoảng thời gian nhất định rồi lại đổi. Dù vậy, đây cũng chỉ là một giải pháp tình thế.

Là tấm gương tốt cho con

Trong quá trình nuôi dạy trẻ, cha mẹ cần phải chú ý cách nói chuyện cũng như nội dung của câu chuyện, đặc biệt là các trẻ từ hai tuổi trở lên. Giai đoạn này, bé đã bắt đầu hiểu những gì bạn nói và các hành động của bạn. Bé sẽ học và bắt chước rất nhanh.

Ví dụ, khi vợ chồng bạn đang cùng nhau đọc báo, bạn sẽ giải thích với con rằng mẹ sẽ đọc tờ giải trí còn bố lại thích xem tin thời sự. Khi đọc xong, bố mẹ sẽ đổi cho nhau để cùng tiếp nhận được các thông tin. Bé sẽ hiểu được bài học về sự chia sẻ.

Dành cho con lời khen khi bé biết chia sẻ cùng bạn

Khi bé làm được một việc tốt, cha mẹ hãy dành những lời khen cho con. Điều này sẽ khuyến khích bé lặp lại nhưng việc tương tự như thế.

Cha mẹ hãy kiên trì dành những lời khen hợp lý cho con, sớm hay muộn bạn cũng sẽ thấy những dấu hiệu tốt trong sự phát triển nhân cách của con. Bạn cũng cần chú ý cường độ của lời khen và hướng bé tới việc hiểu bản chất của việc làm tốt.

Tâm hồn trẻ như những tờ giấy trắng. Vì thế, cha mẹ hãy cân nhắc chọn những nét vẽ để tạo nên một bức tranh tổng thể thật đẹp. Những bài học đầu đời của bé là vô cùng quan trọng bởi chúng sẽ đi sâu vào tiềm thức và hình thành nhân cách của trẻ.

VŨ NGA (Tổng hợp)/Theo ĐSPL