Dòng sự kiện:

9X có tài khắc hình trên thủy tinh, vỏ trứng

02:00 09/10/2015
Đức Trí có tài khắc hình trên bút chì, thủy tinh, nhựa, vỏ trứng... Ngoài ra, anh là thầy giáo của một lớp học miễn phí dành cho các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật này.

Khắc hình trên vỏ trứng, ruột bút chì

Nguyễn Đức Trí (1993, nick name Duẩn Văn Nguyễn) là sinh viên năm cuối trường đại học Bách Khoa (Hà Nội). Anh có biệt tài khắc nghệ thuật trên các vật liệu độc đáo như bút chì, thủy tinh, dưa hấu, hộp nhựa và đặc biệt là vỏ trứng.

9X chia sẻ: “Đợt hè năm ngoái, mình lên mạng tìm kiếm tài liệu học, vô tình thấy một cây bút chì gỗ được chạm trổ tinh xảo. Mình bị thu hút ngay lập tức và bắt đầu tìm hiểu về bộ môn này”.


Tác phẩm khắc chữ trên ruột bút chì 2B của Đức Trí. Ảnh: NVCC

Hàng ngày, anh có thể bỏ ra cả 2-3 tiếng đồng hồ để hoàn thành một tác phẩm. Ban đầu, Trí tập khắc những chữ đơn giản trên gỗ, thước kẻ...

Dần dần, anh tập đến các hình khối phức tạp hơn. Những nét chữ nét mềm mại, bay bổng trên thân chì là sở trường của Đức Trí. Chàng trai này cho biết, khó khăn nhất là việc tưởng tượng hình ảnh trong đầu trước khi bắt tay vào làm.

Khi đã thành thạo với việc khắc chữ trên nền phẳng, cứng, Trí hướng đến chất liệu khó hơn đó là vỏ trứng.

Theo Đức Trí, để làm được một tác phẩm đẹp từ vỏ trứng, người làm phải mất từ 5-10 tiếng cho một sản phẩm. Sự kiên nhẫn và tỉ mỉ là điều không thể thiếu khi theo đuổi bộ môn này. Tuy nhiên, việc khắc trên vỏ trứng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn khắc trên gỗ hay thủy tinh bởi nó có độ cong, mỏng nhất định.

Để khắc được trên trứng, Trí cần phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là khâu chọn trứng, anh chọn những quả đều màu, có hình dáng cân đối, sau đó đục lỗ hút sạch lòng bên trong rồi rửa sạch. Sau khi đã khắc xong, Trí cẩn thận làm sạch, sấy khô và đem đi bảo quản.


Đức Trí khắc trứng bằng dao rọc giấy. Ảnh: NVCC

“Ngày đầu tập khắc trên trứng, mình dùng mũi khoan mạch để tạo nên những đường nét tinh tế trên tác phẩm. Tuy nhiên, làm bằng cách này có một hạn chế là máy rung, khiến các chi tiết được khắc không chuẩn xác. Sau thời gian tìm tòi mình quyết định sử dụng dao rọc giấy để vẽ, khắc lên vỏ” - 9X chia sẻ.

Thời gian đầu khi chưa quen với chất liệu mới, Đức Trí thường xuyên làm vỡ, hỏng, bởi những tác động quá mạnh từ bàn tay.

Tác phẩm khiến Đức Trí tự hào nhất là bức chân dung cô giáo đại học. Để hoàn thành món quà này, Trí phải thức cả đêm để làm dù khá mệt nhưng nụ cười của cô là thành quả khích lệ lớn nhất mà anh nhận được.

Hiện tại, Trí sở hữu hàng trăm tác phẩm điêu khắc trên hàng loạt chất liệu độc đáo.

Thầy giáo trẻ dạy khắc hình nghệ thuật miễn phí

Mong muốn phát triển nghệ thuật điêu khắc trên chất liệu mới, Trí mở lớp dạy miễn phí cho ai yêu thích bộ môn này. Lớp học của anh hiện thu hút gần 30 học viên với nhiều độ tuổi khác nhau.

“Vì không có kinh phí thuê phòng, lớp của mình sinh hoạt vào chiều thứ 7 tại công viên Thống Nhất (Hà Nội). Những người theo học chủ yếu là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng… Ban đầu lớp có khoảng 5 bạn nhưng đến nay con số ấy đã tăng lên 30” - anh nói.


Đức Trí trở thành thầy giáo trẻ dạy khắc hình nghệ thuật trên các vật liệu độc đáo. Ảnh: NVCC

“Ở từng lứa tuổi mình sẽ có cách truyền đạt khác nhau. Tuy nhiên, tất cả học viên đều phải bắt đầu từ những kiến thức, nét vẽ cơ bản” - 9X tâm sự.

Việc học ở công viên cũng là thử thách khá lớn với Trí. Anh cho biết, nhiều hôm mưa bất chợt, không kịp chạy, cả lớp bị ướt hết. Những hôm trời nắng thì vừa khắc vừa quạt vì nóng. Nhiều khó khăn nhưng thái độ nghiêm túc và ham học của các thành viên trong lớp là điều khiến “thầy giáo trẻ” cảm thấy hạnh phúc.


Lớp học của Trí gồm 30 thành viên. Ảnh: NVCC

Ngoài đời, Trí được nhiều bạn bè yêu quý bởi tính cách năng nổ hay giúp đỡ bạn bè. Trong tương lai, 9X mơ ước sẽ có được công việc ổn định làm nền tảng tiếp tục theo đuổi đam mê điêu khắc nghệ thuật. Ngoài những tài lẻ về nghệ thuật, Trí còn sở hữu bảng thành tích học tập đáng ngưỡng mộ. Suốt 12 năm liền, anh là học sinh giỏi trên ghế nhà trường. Trong đợt tuyển sinh năm 2011 - 2012, Trí là thủ khoa đầu vào ngành kinh tế, Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Theo Zing

>> Xem thêm video: [mecloud]JfcIwu7ZSR[/mecloud]