Dòng sự kiện:

Á khoa khối C cả nước tiết lộ bí quyết làm bài thi đạt điểm cao

21:39 26/07/2016
Nữ sinh Tôn Thị Nhung trở thành Á khoa khối C kỳ thi tốt nghiệp THPT cả nước với 28,25, trong đó Ngữ văn 9; Lịch sử 9,5 và Địa lý 9,75.

Về kỳ thi THPT này, Nhung tiết lộ: "Với cả 3 môn khối C em đều không dùng hết quỹ thời gian cho phép. Nhất là với môn Văn, em quan niệm “đề bài hỏi gì ta trả lời như thế”, em không viết quá dài dòng. Khi thi xong môn Văn, nhiều bạn nói làm nguyên cái mở bài cho phần nghị luận văn học đã mất gần nửa trang giấy thi mà em “toát mồ hôi”. Bởi lẽ, mở bài của em rất ngắn gọn chỉ vỏn vẹn 3 dòng".

Bí quyết để làm bài thi đạt điểm cao thì Nhung cho biết, "vì hoàn cảnh khó khăn nên em ngoài thời gian học lớp dự bị đại học ra em không có điều kiện đi học thêm bên ngoài như các bạn khác. Trong quá trình ôn tập cũng có nhiều phần kiến thức em không hiểu và không biết trình bày thế nào. Cứ chỗ nào chưa biết là em hỏi các bạn xung quanh, nếu chưa thỏa mãn với câu trả lời của các bạn em tiếp tục nhờ thầy cô.

Tôn Thị Nhung và cô giáo chủ nhiệm.

Với 3 môn khối C, nhiều người nói lượng kiến thức dài và khó nhớ nhưng một ngày em cũng không dành quá nhiều thời gian vào việc học. Khối C là kiến thức xã hội nên các sự kiện cũng như các mốc thời gian đều có mối quan hệ chặt chẽ.

Vì vậy, em thường trình bày kiến thức dưới dạng sơ đồ tư duy và học theo sơ đồ đó chứ không ngồi học thuộc lòng tất cả các nội dung. Học như thế vừa nhớ lâu mà lại không bị lẫn giữa các phần kiến thức".

Sinh ra trong một gia đình có 4 chị em gái đều đang đi học mà bố mẹ chỉ làm nông nên cuộc sống rất khó khăn. Nhiều khi, Nhung có ý nghĩ từ bỏ ước mơ đi học để đi làm kiếm tiền phụ gia đình nhưng bố mẹ Nhung đã động viên: “Nếu đó là mơ ước thì con hãy cố gắng hết mình để chạm tay vào mơ ước của con”.

Nhận được kết quả, biết mình được điểm “tương đối cao” em rất bất ngờ. Mắt em cũng nhòa đi khi nghĩ tới bố mẹ, chị gái và cả hai em gái. Họ là những người luôn động viên để em có thêm sức mạnh nỗ lực hết mình trong kỳ thi THPT quốc gia. Nhiều lúc nghĩ thương bố mẹ và các em đến ứa nước mắt, vì mình mà lưng bố lại còng thêm, mồ hôi mẹ lại rơi nhiều hơn.

Em ước mơ được khoác lên mình bộ quân phục màu xanh của chiến sĩ công an nhân dân từ khi còn rất nhỏ. Đối với em, khi được ở gần người chiến sĩ công an em có cảm giác rất an toàn, thấy mình được bảo vệ, được yêu thương, được che chở. Hơn nữa, với một cô gái dân tộc Nùng, lớn lên cùng núi rừng như em thì màu xanh của núi rừng, sắc xanh trong chiếc áo người công an nhân dân mà màu của niềm tin, của hi vọng và của những ước mơ.

Theo Infornet