Dòng sự kiện:

Bà mẹ 8X chia sẻ lý do chọn sinh con ở Lào

13:26 22/02/2017
Chị Trần Thị Ánh Phương (sinh năm 1988, hiện sinh sống tại Lào) chia sẻ về lý do tại sao chị chọn sinh con ở Lào.

Chúng ta thường nghe đến những dịch vụ sinh nở hoàn hảo ở các quốc gia có nền y học tiên tiến như Thụy Điển, Úc, Singapore mà ở đó sản phụ được đối xử như “thượng đế”. Thế nhưng ít ai biết quốc gia hàng xóm của chúng ta – Lào, cũng mang đến những trải nghiệm sinh nở rất tuyệt vời, không kém gì các nước tiên tiến trên.

Chị Trần Thị Ánh Phương (sinh năm 1988, hiện sinh sống tại Lào) đã đi đến một số bệnh viện sản tại thủ đô Viêng Chăn để tham khảo trước khi quyết định sinh bé thứ hai vào tháng 4 tới đây.

Ngoài các yếu tố như phòng ốc sạch sẽ, dịch vụ chăm sóc sau sinh, thì có hai thứ quan trọng hơn cả, đó là bệnh viện có cho phép mẹ và bé được da tiếp da sau sinh, bé được kẹp dây rốn chậm hay không. Sau đây là cuộc hội thoại của chị Ánh Phương với các nhân viên y tế ở hai bệnh viện sản Mother And Child Health Hospital và Hospital Settha ở thủ đô Viêng Chăn, Lào.


Phần 1: Bác sĩ Lào có thể chờ

- Chị ơi, ở đây có được cắt dây rốn chậm không ạ?

Tôi rụt rè hỏi chị bác sĩ người Lào biết tiếng Việt, cố gắng nói từng từ rõ ràng. Dù biết chị học y ở Việt Nam nhưng tôi không chắc những thuật ngữ vốn không quen thuộc với nhiều bác sĩ Việt Nam này thì liệu bác sĩ Lào có biết không.

- Có chứ, bây giờ đều làm chậm hết em. Chậm lắm. Hết đập mới cắt.

- (mừng rỡ) Thế có da tiếp da không chị? Mẹ ấp con sau khi sinh ấy.

- Có em, “skin-to-skin” một tiếng, thậm chí hai tiếng. Lâu lắm, vì chờ con phải bò lên rồi bú mẹ nữa. Ở đây sinh thường đều bú mẹ hết.

- Thế nếu sinh mổ thì có làm được không ạ?

- Nếu mẹ không chảy máu thì được. Còn chảy máu thì phải cầm máu, cách ly 30-40 phút rồi về mới “skin-to-skin”. Nếu có gì nghiêm trọng mới phải cách ly lâu không làm được.

- Thế trong trường hợp mẹ và con cách ly lâu thì con ăn gì ạ? Bệnh viện có nhận sữa mẹ gửi vào cho con không ạ?

- Bệnh viện không có sữa đâu nên người nhà phải gửi sữa. Không có tủ lạnh nên nếu gửi sữa mẹ thì gửi theo cữ để cho ăn luôn.

Phòng sinh của bệnh viện. Trên tường dán poster về da tiếp da, kẹp rốn chậm và nuôi con sữa mẹ của WHO và UNICEF.

Tôi hỏi bác sĩ khác ở khoa sản bệnh viện công khác cũng nhận được câu trả lời tương tự với một thái độ rất lịch sự, điềm đạm, rõ ràng, Cả hai bệnh viện này giống nhau ở chỗ tất cả các poster trong viện đều về da tiếp da, kẹp rốn chậm và nuôi con bằng sữa mẹ có logo WHO, UNICEF. Và điều tuyệt nhất là không chỉ treo cho đẹp, họ làm điều đó thật 100%: Da tiếp da và kẹp rốn chậm là thủ tục bắt buộc sau sinh nở bình thường, bệnh viện không bán sữa, không có bất kỳ cái gì có logo hãng sữa, bác sĩ y tá coi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn là điều hiển nhiên chứ không phải chỉ trên giấy như phần lớn bệnh viện công tại Việt Nam.

Bệnh viện tại Lào nói không với sữa công thức. Bệnh viện trang bị tủ lạnh để mẹ trữ sữa cho con.
Bệnh viện khá sạch sẽ.
Phòng sau sinh cho mẹ và bé

Theo PLXH

Nguồn: Gia đình Việt Nam