Dòng sự kiện:

"Ba sẽ chọn trường nào cô giáo không đánh con"

02:10 15/09/2016
Mới đây, anh M.C (ở Hà Nội) đã chia sẻ trên mạng xã hội Facebook quan điểm cá nhân của mình về một vấn đề tồn tại mấy năm nay nhưng chưa bao giờ cũ đối với các bậc phụ huynh. Đó là việc chọn trường cho con.
Bài viết được anh M.C chia sẻ như sau:

“Cho con học trường nào?

Bố mẹ nào cũng muốn con mình được học trường có tên tuổi - một đảm bảo cho thành công sau này.

Bắt đầu ở đây đã có ngộ nhận.

Cái gì quan trọng nhất đối với 1 con người? Suy nghĩ kĩ thì chúng ta sẽ nói là Hạnh phúc, chứ không phải Thành công. Vậy con cái được vào trường tốt là Hạnh phúc?

Đồng ý. Nhưng Hạnh phúc của nó? Hay của bố mẹ?

Hỏi buồn cười nhỉ, học trường tốt để ấm vào thân nó chứ? Chưa chắc, nếu nó 4 tuổi, đang học mẫu giáo thì biết gì? Kể cả khi 15 tuổi, chuẩn bị vào cấp 3, nó không quan tâm việc chọn trường nào hoặc nếu được chọn, nó sẽ chọn trường nào càng ít phải cố gắng càng tốt.

Vây thực ra ép con học, chọn trường này nọ là bố mẹ mưu cầu hạnh phúc cho mình và nghĩ rằng đang xây đắp hạnh phúc cho con, cái đứa rất ghét chuyện học hành.

Phụ huynh tập trung trước cổng trường Mầm non Sơn Ca (TP.HCM) để chờ nộp hồ sơ cho con (Ảnh Zing)

Khi được tuyển vào chuyên toán Tổng hợp, danh giá nhất thời 70-80s, đó là sự đảm bảo 100% suất đại học và 70% suất học ở nước ngoài, tôi chẳng mảy may xúc động. Không thích thì đúng hơn vì phải xa gia đình, xa bạn bè, phải sống trong môi trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Mỗi năm 3 đứa đứng cuối lớp sẽ bị đuổi học. Về trường cũ là một sự nhục nhã.

Nhiều bạn tôi rơi vào cảnh đó và bị sốc. Đang đứng đầu ở tỉnh, nay về Hà Nội học không ra gì, bị đuổi học. Nhiều kẻ không hiểu còn thì thào hay là trộm cắp, tham ô, hủ hóa?

Ừ thì chọn trường là cho bố mẹ, nhưng vấn đề còn đấy - trường nào?

Nếu bạn hỏi tôi - "Nên chọn trường nào cho con?", tôi sẽ nói thế này:

Riêng mẫu giáo, nếu có điều kiện thì chọn trường khá một chút, vì lí do an toàn chứ không vì học hành, tuổi ấy thì học gì. Chọn trường nào mà cô giáo không đánh học sinh, không nhồi ăn như người ta nhồi đất sét vào diều con gà để mang bán là được.

Phổ thông thì trường nào cũng được. Trừ khi con bạn bị tự kỉ, là học sinh cá biệt, còn thì trường nào cũng thế cả. Càng gần nhà càng tốt.

Nếu con thích thì cứ để nó thi vào Amsterdam, chuyên Tổng hợp, Sư phạm. Vào được thì tốt, không vào được chẳng sao. Đừng có ép nó. Lằng nhằng nó tự tử, dại mặt.

Các môn tự nhiên như Toán, Lí, Hoá, Sinh ở mức phổ thông là kiến thức chung của nhân loại, dạy hay dạy dở thì nó vẫn thế, chẳng khác nhau mấy. Hơn nữa với sự phổ cập internet thì con bạn có thể kiểm tra thầy dạy đúng hay sai. Không thể nào ở trường Ams họ dạy 2+2 = 4 còn trường làng thì 2+2= 5.

Đơn giản là không thể, cho dù giáo viên có kém đến đâu.

Nhiều phụ huynh hiện nay đang cố ép con học thật nhiều mà không lường trước được hậu quả (Ảnh minh họa)

50 năm trước tôi và nhiều bạn học cấp 1, 2 trường làng nhưng kiến thức cũng chẳng khác gì các bạn học trường chuyên tốt nhất ở Hà Nội hay Moscow.

Hồi đó làm gì có internet. Kiến thức là đồng nhất ở mọi nơi.

Tiện thể cũng nói rằng những thông tin kiểu như cháu nọ cháu kia đỗ đầu vào 5-6 trường đại học của Anh, Mĩ là nổ thôi. Người ta có bắt thi đâu mà đỗ đầu hay đít. Bạn chỉ cần tốt nghiệp phổ thông, biết tiếng Anh ở mức nghe hiểu, nộp hồ sơ là các trường đại học nhận tuốt. Trừ một số trường danh giá như Harvard, Stanford, Cambrige ... phải có thêm bài luận, phỏng vấn.

Khi con tôi chuẩn bị đi học đại học nước ngoài, tôi đã thử làm vài bộ hồ sơ gửi chục trường hàng đầu của Mĩ, Anh. Nhận tất.

Lưu ý các bạn là bộ phận tuyển sinh đánh giá cao việc bạn tham gia các hoạt động tập thể như đội trưởng đội bóng, tổng biên tập báo trường, tham gia ban nhạc của trường hơn hẳn các thành tích cá nhân như huy chương vàng Olimpic toán quốc tế.

Vậy nếu con bạn có ý thức học hành thì trường nào cũng được.

Còn đại học, nếu có điều kiện thì nên chọn trường khá một chút ở nước ngoài, không thì học trong nước. Thực ra cũng chẳng quan trọng lắm đâu.

Chỉ có 20% số người có bằng đại học làm đúng nghề đã học. Bằng đại học chỉ để lòe người quen và phòng cán bộ thôi”.

Những dòng chia sẻ của anh M.C sẽ cho các bậc phụ huynh đang chạy theo trào lưu trường điểm, lớp chọn một cái nhìn khác.

Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô

Nguồn: Gia đình Việt Nam