Dòng sự kiện:

Bà xã Đăng Khôi tiết lộ bí quyết giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi lên 3

19:36 01/08/2016
"Tôi buồn vì không hiểu sao "bạn ý" ngang bướng, thích làm theo ý mình, đòi hỏi, mè nheo, đôi khi khóc lóc, thậm chí là ném đồ đạc" - bà xã ca sĩ Đăng Khôi chia sẻ.

Trẻ lên 3 thường rất ngang bướng, thích làm theo ý mình và hay mè nheo... khiến nhiều cha mẹ rất khó chịu. Tuy nhiên, nếu biết được rằng đó là tâm lý "khủng hoảng tuổi lên 3" thường thấy ở trẻ nhỏ thì cha mẹ sẽ hiểu con nhiều hơn và xử lý tốt hơn trong mọi tình huống, giúp con dễ dàng vượt qua thời điểm này.

"Bỏ túi" được nhiều kinh nghiệm chăm con sau khi sinh 2 nhóc tỳ Đăng Khang, Đăng Anh, Thủy Anh - bà xã ca sĩ Đăng Khôi thường xuyên chia sẻ những hình ảnh, bài viết về bí quyết chăm con và nhận được sự quan tâm của các bậc cha mẹ. 

Dưới đây là bài chia sẻ của cựu hot girl Hà Nội về những trải nghiệm của bản thân khi con đang ở trong giai đoạn "khủng hoảng" tuổi lên ba:

Bé Ken (Đăng Khang) nhà Thuỷ Anh là một em bé rất hiếu động. Vì thế câu chuyện "khủng hoảng" tuổi lên 3 của Ken khiến tôi đau đầu, nhiều khi buồn rầu vì không hiểu sao "bạn ý" ngang bướng, thích làm theo ý mình, hay đòi hỏi, mè nheo, đôi khi khóc lóc, làm ngược ý người lớn, thậm chí ném đồ đạc.

Nhưng cả gia đình đã cùng dắt tay nhau vượt qua "cửa ải" này nhẹ nhàng nhất có thể. Đến ngày hôm nay thì tôi vui mừng khi "bạn ý" chính thức qua giai đoạn khủng hoảng này.

Bà xã ca sĩ Đăng Khôi cùng 2 nhóc tỳ kháu khỉnh.

Luôn nói ngược, làm ngược

Khi mẹ hỏi con có ăn, có muốn làm việc này không, bé luôn từ chối. Mẹ bảo con cất đồ chơi đi, "bạn ý" không cất, còn nói thêm “Ken mệt quá ạ”. Tôi muốn Ken dừng việc chơi lại và ra đọc sách cùng mẹ, con luôn đánh trống lảng coi như không nghe thấy gì, mẹ nói 10 câu cũng không thưa lấy một lời.

Nguyên nhân: Đã trải qua và tìm hiểu tôi biết được rằng lên 3 tuổi, bé bắt đầu nhận thức được về bản thân mình và thế giới xung quanh. Hành vi làm trái lại lời bố mẹ chính là cách các bạn 3 tuổi khẳng định chính kiến riêng của mình.

Tuy nhiên, các bạn ấy chưa phân biệt được đúng sai, khả năng ngôn ngữ còn hạn chế nên không thể nói với bố mẹ hết những suy nghĩ của mình. Đặc biệt, do thường bị người lớn cấm đoán nên khiến bé có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ và hành vi chống đối.

Giải pháp: Bé thích nói ngược làm ngược thì bố mẹ cũng sẽ vận dụng "chiêu" tương tự của bé. Khi muốn bé thưởng thức đồ ăn, tôi rào trước: “Ôi đồ ăn ngon quá Ken đừng ăn của mẹ nhé”. Khi muốn bé đọc sách hai vợ chồng liền tung hứng khen sách này hay quá, bố Khôi xem thôi đừng cho ai xem, Ken đang chơi đồ chơi liền chạy ngay ra để xem cái gì hay.

Tiếp theo, hai vợ chồng sẽ cao giọng thể hiện nhiều cảm xúc thích thú, dẫn dắt bạn ý vào câu chuyện mình muốn. Bạn ý bị kích thích nên quên luôn mình đang chơi đồ chơi.

Bé mất tập trung, không nghe lời bố mẹ

Nhiều khi gọi con, nói con không nghe, tôi bực lắm. Những lúc không kiềm chế được lại cáu với con. Cáu xong đâu vẫn vào đấy, Ken không có tiến triển gì hơn.

Nguyên nhân: Người lớn hay đặt trẻ con vào vị trí của mình, nghĩ trẻ con cũng có sự kiên nhẫn và tập trung. Điều này hoàn toàn sai lầm.Trẻ thường không tập trung cao độ.Các bạn ấy luôn vận động, nghịch và thích tìm tòi. Bản chất là khám phá, và có khám phá mới phát triển được thể chất, trí não.

Giải pháp: Tôi luôn nhắc bản thân bình tĩnh, kiềm chế, suy nghĩ những điều vui, đừng để bức xúc chiếm hết cảm xúc. Sau đó sẽ khiêu khích Ken bằng những trò vui, kích thích trí tò mò, rồi ôm bé vào lòng và thỏ thẻ những điều mẹ muốn. Phải xác định rõ, khi bố mẹ nói chuyện với con về những điều con chưa đúng và mong muốn con nghe lời mình, thì có nghĩa hành động đó bạn cần kiên trì, làm rất nhiều lần để con nhớ, định hình nếp nhăn trên não của con.

Bé Đăng Khang có tính tự lập từ sớm.

Đòi làm mọi việc theo ý mình

Ken tự lập sớm, từ khi còn nhỏ, bé ngã tôi đã để bé tự đứng lên, từ việc ngủ, đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo, đi giày dép. Ken có thể tự làm nhiều việc nhưng đây cũng là điểm không tốt khi khủng hoảng tuổi lên 3 xảy ra. Ken đòi làm mọi việc theo ý mình, không muốn bố mẹ can thiệp. Nếu bố mẹ có lỡ tay trợ giúp, bạn ý giận dỗi, khóc lóc. Những lúc đang vội mà con lại không nghe lời, chỉ muốn tự làm rất mất thời gian, có khi lỡ việc của bố mẹ. 

Nguyên nhân: Khi lên ba, bé bắt đầu ý thức về khả năng của mình và nảy sinh nguyện vọng tự làm mọi việc, muốn chứng tỏ mình có thể làm được. Bé không muốn làm theo sự ra lệnh, chỉ bảo của người lớn và thường hay cố tình làm theo ý mình để khẳng định mình đã lớn.

Giải pháp: Mẹ lại cần mất thời gian một chút để hướng dẫn. Những việc bé tự làm mà không bị ảnh hưởng tới sức khoẻ và an toàn của bé thì tôi động viên và cổ vũ để cho bé làm nhanh. Còn những việc ảnh hưởng tới sự an toàn, tôi nghiêm khắc bắt con dừng lại, trò chuyện giải thích và kết thúc bằng việc chuyển hướng câu chuyện sang đúng vào sở thích của bé để bé quên đi việc đang đòi làm. 

Theo Zing.vn