Dòng sự kiện:

Bác sĩ bày cách phòng tránh bệnh khi thời tiết chuyển mùa sang Thu

19:16 03/10/2017
Thời tiết thay đổi liên tục, nóng lạnh đột ngột, đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, vi rút hoạt động gây ra các bệnh lý như cảm cúm, viêm hô hấp...

Những bệnh thường gặp khi thời tiết sang thu

PGS TS Nguyễn Thị Hoài An - Nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt, cho biết, thời tiết này số bệnh nhân đến viện kiểm tra các bệnh lý tai mũi họng ngày càng tăng. Trong số đó có nhiều bệnh nhân đến viện khi đã gặp biến chứng của bệnh do không chẩn đoán sớm được triệu chứng ban đầu. Phổ biến là các loại bệnh thường gặp khi thời tiết sang thu.

Cẩn thận với những căn bệnh thường gặp khi sang thu (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ An, bệnh thường gặp nhất trong thời tiết này là viêm mũi dị ứng. Điển hình là các triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi, nước mắt. Viêm mũi dị ứng gây khó chịu và phiền toái cho người bệnh nếu người bệnh tự điều trị, không điều trị kịp thời có thể chuyển thành viêm mũi dị ứng mãn tính, khó điều trị dứt điểm được. Các biểu hiện của dị ứng thời tiết thường chỉ điều trị tạm thời và hầu như không thể dứt điểm. Mặt khác, triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác nên nhiều người tự mua thuốc về uống. Đây là sai lầm hại sức khỏe vì khi bị viêm mũi dị ứng bác sĩ sẽ điều trị thuốc khác chứ không phải là kháng sinh.

Bệnh viêm họng cũng được bác sĩ liệt vào căn bệnh phổ biến. PGS An cho biết triệu chứng đầu tiên của bệnh là đau họng khi nuốt nước bọt hay khi ăn, khàn tiếng, có những cơn ho do bị kích ứng ở đường hô hấp và có thể kèm theo cả sổ mũi. Nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn hoặc do virus gây nên. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ dần nặng thêm và có thể dẫn đến viêm phổi, có những biến chứng cho cơ tim và van tim. Khi có biểu hiện viêm họng, không tự ý mua thuốc sử dụng vì phải tìm nguyên nhân để điều trị bệnh mới khỏi dứt điểm được.

Ngoài bệnh tai mũi họng, PGS An còn nhấn mạnh thêm bệnh cảm cúm không thể lơ là. Triệu chứng của bệnh cúm là người bệnh sẽ cảm thấy sốt nhẹ, chóng mặt đau đầu, ho và đau họng, đôi khi nghẹt mũi, chán ăn và đặc biệt là bị chảy nước mũi và hắt hơi… Bệnh cúm không thể coi thường vì có thể gây bội nhiễm nguy hiểm tới tính mạng. Cảm cúm là bệnh lây qua đường hô hấp nên để phòng bệnh, cần tránh tiếp xúc với những người đang mắc bệnh cúm.

Bác sĩ Hoài An chia sẻ về cách phòng chống bệnh

Trong những ngày này, PGS An cho biết bà cũng gặp nhiều bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa. Đây cũng là điều bình thường bởi vì các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa thường phát triển vào những thời điểm như hiện nay. Bởi nhiệt độ nóng lạnh thất thường khiến cho thức ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn. Thời gian từ tháng 9 đến tháng 12, là cao trào của bệnh liên quan đến đường ruột. Biểu hiện của bệnh liên quan đến đường tiêu hóa là phát bệnh đột ngột và phần lớn trẻ mắc bệnh thường là sốt cao (38-40 độ C) và có thể kèm theo các biểu hiện như sổ mũi, ngạt mũ, hắt hơi, ho, đau rát họng. Trường hợp tiêu chảy kèm theo buồn nôn là bệnh lý đã nặng. Khi bị rối loạn tiêu hóa, PGS An nhấn mạnh, không tự ý mua thuốc điều trị vì có thể gây nguy hiểm cho người bệnh với các biến chứng mất nước, thậm chí tử vong.

Ngoài ra, khi thay đổi thời tiết đột ngột, cơ thể cũng phải thay đổi để thích ứng với thời tiết, từ đó có thể làm quá tải hệ thống tim mạch. Ngay cả những người khỏe mạnh cũng nên đề phòng chứng tăng huyết áp, khó thở, tim đập nhanh do sự thay đổi nhiệt độ dễ gây ra những cơn co thắt nhiều ở mạch máu có thể gây ra nhồi máu cơ tim.

Cách phòng chống bệnh thường mắc khi sang thu

Phòng chống bệnh tim mạch trong thời tiết lạnh như hiện nay cần ăn nhiều rau xanh, trái cây, bổ sung vitamin và khoáng chất. Để phòng bệnh, biện pháp lâu dài nhất, PGS An nhấn mạnh, đó là chọn lối sống lành mạnh như bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, năng tập thể dục, cần kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu và đường máu thông qua việc kiểm tra sức khỏe 6-12 tháng/lần. Trong các đợt gió lạnh bất thường, mọi người cần giữ ấm cổ, ngực, lưng, đặc biệt là 2 gan bàn chân. Chú ý giữ ấm về ban đêm, lúc đi ngủ. Ở miền núi có thể sưởi ấm bằng đốt củi. Đặc biệt phải giữ ấm cho các cụ già, trẻ em và trẻ sơ sinh.

Đối với các bệnh gây thành dịch: Phải tiêm vắc-xin phòng dịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ nhỏ. Khi có dịch phải thông báo ngay cho cơ quan y tế cấp trên. Khẩn trương cách ly người bệnh, phong tỏa và dập tắt ổ dịch. Mọi người trong vùng có nguy cơ lây theo đường hô hấp phải đeo khẩu trang, nhỏ thuốc sát trùng mũi, có dịch cúm thì tiêm vắc-xin phòng cúm, hạn chế các cuộc họp, tập hợp đông người. Nếu có bệnh dịch sốt xuất huyết và viêm não Nhật Bản phải chú ý diệt muỗi, nằm màn, diệt bọ gậy ở chum, vại, bồn, chậu chứa nước, khai thông cống rãnh, phun thuốc diệt muỗi. Khi ngủ cần nằm màn (ban ngày và ban đêm), tích cực diệt muỗi và bọ gây (lăng quăng) và nên vận động mọi người trong gia đình cùng thực hiện bằng mọi biên pháp từ dân gian (xua, vợt…) đến dùng hoá chất (phun muỗi, hương muỗi, tẩm màn bằng hóa chất).

Quan trọng nhất là cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng việc đảm bảo ăn uống hợp lý, đủ chất. Mặc dù nắng nóng gây mệt mỏi nhưng không nên bỏ bữa và cần uống nhiều nước, ngày uống khoảng từ 1,5 - 2,0 lít (uống ít một, không uống liền một lúc) và nên uống thêm nước trái cây (cam, chanh), nước ép các loại quả (dưa hấu, xoài, bơ …). Cần ăn thêm rau trong các bữa ăn chính (su hào, rau muống, cải, giá đậu) bởi vì, các nguồn sinh tố, chất xơ có trong rau, quả là rất có ích cho sức khỏe. Tuyệt đối không ăn rau sống, không ăn thịt chưa nấu chín hoặc thực phẩm đã ôi thiu và không uống nước chưa đun sôi.

Bệnh viêm họng cũng được bác sĩ liệt vào căn bệnh phổ biến

Một số loại thực phẩm giúp phòng chống bệnh có thể sử dụng như sau:

5 tách trà đen mỗi ngày trong vòng 2 tuần có khả năng kháng lại các loại vi rút xâm nhập vào thân thể gấp 10 lần so với những người không có thói quen này. Vì các amino axit có trong trà có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch nhanh chóng giúp bạn luôn có được sức khỏe dồi dào.

Bưởi: có thể giúp điều trị một số bệnh giao mùa như cảm lạnh, tan sỏi mật, tăng cường miễn dịch Việc bạn dùng nước ép hay ăn bưởi đều tốt cho cơ thể. Tuy nhiên bạn cần lưu ý một số trường hợp đang sử dụng các loại thuốc chống số, an thần hay cao huyết áp thì việc sử dụng nước ép bưởi có thể gây ra ngộ độc cho cơ thể. Vì vậy khi đang dùng các loại thuốc trên, bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Tỏi: Trong tỏi có selen và các nguyên tố vi lượng chứa kháng khuẩn alliin làm tăng cường khả năng của hệ thống miễn dịch, làm giảm huyết áp cao và nhiều bệnh nâng cao sức khỏe. Tỏi có công dụng như phòng ung thư, chữa cảm cúm, chống viêm nhiễm…

Mật ong: Mật ong là một loại “thần dược” chữa bệnh cho cơ thể. Mật ong có thể chữa được bệnh cảm cúm bằng cách đơn giản là hòa 2 thìa cà phê mật ong vào 1 ly nước ấm. Sau đó uống vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy sẽ giúp bạn nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể. Từ đó, có thể phòng chống bệnh cảm cúm hiệu quả.

Nguồn: Gia đình Việt Nam