Dòng sự kiện:

Bài học đắt giá cho lòng tham vọng của tôi

15:00 09/03/2016
Từ một gã trai nông dân chân lấm bùn lem tôi được cha mẹ gắng sức cho ăn học. Sau vài năm sống ở thành phố, lập nghiệp và bon chen tôi trở thành người đàn ông thành đạt, nhưng cũng nhanh chóng biến thành đứa con trai bất hiếu, đến ngày cha mất cũng không thể kịp về gặp mặt lần cuối.

 

 

 

Từ một gã trai nông dân chân lấm bùn lem tôi được cha mẹ gắng sức cho ăn học. Sau vài năm sống ở thành phố, lập nghiệp và bon chen tôi trở thành người đàn ông thành đạt, nhưng cũng nhanh chóng biến thành đứa con trai bất hiếu, đến ngày cha mất cũng không thể về kịp gặp mặt lần cuối. Giờ đây đêm ngày tôi tư dằn vặt bản thân, tôi sợ một ngày nào đó người mẹ - người thân duy nhất trong cuộc đời tôi cũng rời bỏ tôi đi.

Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, tài sản chỉ vỏn vẹn có mảnh đất với căn nhà xiêu vẹo, một mảnh vườn trồng rau và vài ba sào ruộng.

Bố mẹ tôi kết hôn muộn nên đến tuổi 38 mẹ tôi mới sinh tôi. Là con trai duy nhất trong nhà nhưng tôi không được cưng chiều như những cậu ấm khác bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Luôn ý thức được về hoàn cảnh gia đình nên ngay từ nhỏ tôi đã rèn được tính chăm chỉ, cần mẫn.

Cho dù nhà nghèo khó nhưng bố mẹ tôi vẫn cố gắng làm thuê mướn, vay mượn tứ phương để tôi có thể theo học như chúng bạn. Bởi vậy mà những ngày tháng ngồi trên ghế nhà trường, tôi luôn cố gắng chăm chỉ học tập để bố mẹ được tự hào, 12 năm ăn học là 12 năm bố mẹ tôi quệt ngang dòng nước mắt vất vả mà mỉm cười vì thành tích của tôi. Thấm thoắt tuổi học sinh qua đi tôi bước chân vào cánh cửa đại học như mong ước.

Dẫu biết nuôi một đứa con học đại học là điều khó khăn đối với gia đình tôi nhưng chưa bao giờ tôi thấy bố mẹ tôi kêu khổ trước mặt tôi, càng chưa bao giờ bố mẹ tôi cho phép tôi nghỉ học đi làm kiếm tiền nuôi gia đình.

Bố tôi luôn nói trong mỗi bữa ăn “dù nhà có nghèo đến đâu thì là con trai duy nhất con vẫn phải cố gắng chăm lo học hành. Chỉ có học mới giúp được con sau này thoát khỏi cảnh túng quẫn như bố mẹ. Chỉ có học mới có thể khiến người đời không khinh…”. Chưa bao giờ tôi than trách vì cuộc sống nghèo khổ, trái lại tôi luôn tự hào vì có được những bậc sinh thành mẫu mực, hết lòng vì con.

Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, kể từ khi lên thành phố học tôi vừa học vừa làm thuê đủ nghề, rồi quyết định đi gia sư để kiếm tiền trang trải học phí và phí sinh hoạt. Ngày đi học, chiều rảnh, hoặc tối tôi đi gia sư, đêm đến ôn bài… tôi cố gắng học thật tốt để giành học bổng. Những suất học bổng đó vừa vặn với khoản học phí tôi phải chi trả. Mỗi khi mệt mỏi tôi đều tự an ủi, động viên bản thân “phải khỏe mạnh, phải mạnh mẽ để thấy được tương lai tươi sáng…”.

Sau khi tốt nghiệp đại học tôi may mắn xin được một công việc tại thành phố, kể từ lúc này con người tôi thay đổi đến chính bản thân tôi cũng không thể nhận ra. Tôi lao vào công việc như con thiêu thân, trong công ty tôi luôn cố gắng chứng minh năng lực bản thân, chấp nhận dấn thân vào những công việc mạo hiểm. Từ một anh chàng đam mê, nhiệt huyết với công việc chỉ sau 2 năm tôi trở thành một kẻ ham tiền, hám danh lợi địa vị.


Ảnh minh họa.

Tôi có thể bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được những gì mình muốn. Nhưng cũng từ lúc đó tôi đã quên đi rằng ở quê nhà vẫn còn một người mẹ già, một người cha già ngày đêm mong ngóng cậu con trai, chứ không phải chỉ là mong ngóng những đồng tiền lạnh ngắt của tôi. Mặc cho những cuộc gọi hỏi thăm của bố mẹ, tôi luôn viện cớ công việc 1 năm chỉ về quê đôi ba lần, mỗi lần về lúc nhát. Dần rồi tôi cũng không còn thấy bố mẹ gọi điện hỏi han, thúc giục tôi về thăm.

Thời gian cứ thế trôi đi thứ mà tôi quan tâm chỉ còn là tiền bạc và địa vị, thậm chí chưa bao giờ tôi nghĩ đến yêu một người con gái nào. Tôi luôn ghi nhớ lời bố tôi nói “Chỉ có học mới giúp được con sau này thoát khỏi cảnh túng quẫn như bố mẹ. Chỉ có học mới có thể khiến người đời không khinh…”. Thế nhưng có lẽ tôi vẫn luôn lầm tưởng vào câu nói đó. Thứ mà bố mẹ tôi cần không phải là sự giàu sang phú quý của một ngươi đàn ông vô tình, vô tâm. Thứ mà bố mẹ tôi cần là một cậu con trai tài giỏi, có tình có nghĩa được nhiều người kính trọng.

Tôi của ngày hôm nay thì sao, chỉ là một đứa con bất hiếu, mải miết kiếm tiền, cứ nghĩ rằng hàng tháng gửi tiền về cho bố mẹ là có hiếu. Nhưng tôi đâu biết rằng bố mẹ tôi đã quá già, họ chỉ cần tôi bên cạnh, cần tôi chăm lo. Ngày mẹ tôi gọi điện nói “Bố con yếu lắm rồi, bác sĩ nói có lẽ sẽ không thể quả khỏi, nếu con không bận việc thì nên về gặp mặt bố con một lần cuối.”.

Chỉ đến khi cận kề với sự kết thúc, với câu nói “vĩnh biệt” tôi mới tỉnh ngộ ra tiền bạc, vật chất, địa vị cao sang cũng không thể thay thế được bố. Tôi như òa khóc chạy xe một mạch về quê. Nhưng thời gian chẳng thể quay lại dù là một tích tắc, bố tôi đã ra đi. Mẹ tôi nói “đáng ra bố con đã đi lâu rồi, nhưng ông ấy cố gượng từng chút hơi thở nói để chờ con trai. Nhưng chỉ vài phút mới đây, ông ấy đã đi, bố con đã quá mệt không thể chờ đợi con được”.

Nghe đến đó những giọt nước mắt của tôi trào ra không thể ngăn nổi. Người cha tôi kính trọng, yêu thương cả một đời ra đi mà không gặp được con trai. Có lẽ bố tôi ra đi mà vẫn oán trách tôi. Tôi trách mình vì đã quá vô tâm, giá như thời gian có thể quay trở lại để tôi có thể sửa sai. Kể từ ngày bố tôi ra đi tôi luôn sống trong sợ hãi, sợ một ngày nào đó mẹ tôi cũng bỏ tôi đi. Tôi biết bản thân mình không tể chuộc lỗi với người đã mất nhưng vẫn có thể sửa sai với người đang sống.

Tôi quyết định đón mẹ tôi lên thành phố mặc cho mẹ tôi phản đối. Tôi biết mẹ tôi không muốn rời xa mảnh đất thân thuộc, không muốn để bố tôi cô đơn, lạnh lẽo. Cũng kể từ đó tôi không còn mải miết với tiền bạc và địa vị. Tôi sống bình dị và an nhàn nhất để có nhiều thời gian chăm sóc mẹ hơn. Tôi sợ một ngày nào đó thức dậy không còn nhìn thấy mẹ nữa. Có lẽ nỗi sợ lớn nhất của một người con trai chỉ có thể nhìn thấy khi mọi thứ không còn kịp thay đổi. Tôi – một người đàn ông thành đạt lại có một nỗi sợ như thế đó.

 Theo Đời sống và Pháp luật