Dòng sự kiện:

Bái phục cụ bà U100 lướt Facebook, vẽ nghìn bức tranh

03:00 29/08/2015
Ở độ tuổi "xưa nay hiếm", nhưng cụ bà Lê Thi vẫn vẫn tham gia “chém gió” nhiệt tình trên Facebook khiến nhiều người ngưỡng mộ.

 

 

 

[mecloud]N7GMzZiUTQ[/mecloud]

Lý do sử dụng máy tính là do… tuổi cao

Theo tin tức từ báo Thanh niên, đến Xa La, hỏi cụ Lê Thi (ở phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn chơi Facebook, vẽ tranh và viết tiểu thuyết thì ai cũng biết.

Ở tuổi 93, chiếc máy tính là "người bạn" thân thiết của cụ Thi mỗi ngày. (Ảnh: Báo Vnexpress).

Nơi ở của cụ Thi là căn phòng rộng rãi, thoáng mát, chứa đầy những bức tranh sơn dầu lớn nhỏ, giấy, bút, màu vẽ...

Cụ ngồi trên giường cùng chiếc máy tính HP, gõ bàn phím tanh tách… Bàn phím của cụ chỉ đặc biệt hơn một chút, là được sơn bằng bút dạ màu trắng, để làm nổi bật những con chữ. Điều thú vị là cụ dùng máy tính, đọc sách… mà không cần đeo kính.

Cụ Thi cho biết, lý do sử dụng máy tính là do… tuổi cao. “Vào năm 84 tuổi, vì tuổi tác cao, tôi run tay không cầm được bút, chữ viết không được rõ ràng, nên dùng máy tính viết. Một phần nữa vì tôi có cháu trai đang du học bên Nga, mỗi lần gọi điện thoại về, tôi rất khó nghe. Nó còn muốn nhìn thấy cả hình tôi, nên khuyên tôi dùng máy tính”, cụ Thi kể.

Cụ Thi sử dụng máy tính một cách thành thạo. (Ảnh: Báo Thanh niên).

 

Từ đó cụ bắt đầu sử dụng máy tính. “Bây giờ máy tính rất cần với tôi, nó như là người bạn. Tôi dùng máy tính để tìm tài liệu, tra cứu thông tin, đọc báo, viết sách…”, cụ chia sẻ.

Đáng chú ý, cụ còn dùng máy tính để chơi Facebook. Trước khi dùng Facebook, cụ Thi được con cháu trong nhà cài phần mềm Skype (nói chuyện trực tiếp trên máy tính) để dễ dàng liên lạc với mọi người.

Ban đầu, cụ dùng Facebook, chỉ để nói chuyện, liên lạc với những đứa cháu của mình, đặc biệt là cháu nội đang học tập ở nước ngoài. Nhưng từ vài tháng trở lại đây, cụ lên Facebook thường xuyên hơn, công khai kết bạn, viết, chia sẻ những tâm tư lên dòng thời gian. Đồng thời cũng bình luận, cũng “like” với bạn bè trên Facebook.

Hiện tại, trên trang Facebook của cụ có địa chỉ là Lê Thi, được rất nhiều người kết bạn và theo dõi, trong đó có nhiều người xa lạ, cụ cũng chấp nhận.

"Mục đích dùng facebook là để chia sẻ những quan điểm sống, những sở thích, cũng như để biết nhiều hơn về cuộc sống hiện nay của giới trẻ”, cụ Thi nói.

Chị Phạm Thi Phương Thanh (39 tuổi), cháu nội cụ kể: “Lần đầu tiên dùng Facebook, cụ viết lên dòng thời gian của tôi hỏi: “Có ăn cơm không”, làm tôi cũng như bạn bè, đồng nghiệp không nhịn được cười. Mọi người thấy thú vị “nhảy” vào like, “còm” toán loạn… Cũng từ đấy, nhiều người biết cụ chơi Face”.

Vẽ hàng nghìn bức tranh và viết tiểu thuyết

Báo Vnexpress thông tin thêm, không chỉ thành thạo dùng máy tính, cụ Thi còn vẽ hàng nghìn bức tranh ghi lại cảnh sắc nơi từng sống hoặc đi qua.

Cụ Thi với những bức tranh sơn dầu do cụ tự vẽ. (Ảnh: Báo Thanh niên).

 

Thích vẽ từ bé, nhưng cuộc sống khó khăn nên cụ đành gác lại ước mơ cho đến hơn 70 tuổi mới cầm cọ. Ngày nào cụ cũng vẽ, có bức chỉ một ngày là xong, có bức vài ngày, cũng có bức vẽ hàng chục lần vẫn không ưng ý. Số tranh cụ vẽ hiện nay lên đến hàng nghìn. Mảng màu trong tranh tươi sáng, mang đậm nét sinh hoạt bình dị của người thôn quê.

Vốn thích sống với hồi ức đẹp của thời niên thiếu nên tranh của cụ thường mang bóng dáng cảnh sắc, con người quê nhà xứ Thanh.

Một bức tranh của cụ. (Ảnh: Báo Vnexpress).

"Tôi thường vẽ về xứ Thanh yêu mến của lòng tôi bằng những ký ức thời thơ bé. Đây Lạch Trường, kia Diêm Phố, Sầm Sơn, ngã ba Voi, 99 ngọn núi trùng điệp ở Đò Lèn, hay mái tranh nghèo những năm đi sơ tán. Bao nhiêu năm trôi qua, cảnh sắc đổi thay nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ. Trong mắt tôi, chỗ nào từng đi qua cũng rất đẹp. Bọn trẻ bây giờ sống gấp nên bỏ qua rất nhiều thứ đẹp đẽ trên đường đi", cụ trải lòng.

Cụ Lê Thi vốn sinh ra ở làng Hạc, xã Đông Thọ, huyện Đông Sơn, nay là Hạc Thành, TP. Thanh Hóa. Cha đậu cử nhân, làm chức quan nhỏ nên hồi nhỏ cô bé Thi thường theo cha đi khắp nơi trong tỉnh. Những địa danh nổi tiếng, cảnh đẹp của xứ Thanh in sâu trong trí nhớ của bà. Sau này lớn lên, bà lập gia đình với một giáo viên cùng quê. Vợ chồng sống với nhau được hai năm thì ông mất vì trúng bom. Bà ở vậy nuôi con trai duy nhất mới 7 tháng tuổi.

Cách mạng Tháng Tám thành công, bà tham gia nhiều hoạt động để xây dựng chính quyền mới, từng là Thường vụ Cứu quốc tỉnh Thanh Hóa, chủ nhiệm hợp tác xã. Sau này cuộc sống có nhiều biến động, bà làm đủ mọi việc để duy trì gia đình nhỏ, từ dệt vải, làm ruộng, đi bứt lá làm chổi, buôn chè, buôn mắm, làm bánh, đan len…

Ngoài vẽ tranh, cụ còn thích ghi lại nhật ký, viết hồi ức, tiểu thuyết. Năm 84 tuổi, cụ hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên là "Ngược dòng". Cuốn truyện là hồi ức đẹp của người con gái vùng nông thôn Thanh Hóa, thích đọc chữ, học văn nhưng sinh ra giữa thời kỳ biến động nên chịu nhiều thiệt thòi. Năm 2010, tiểu thuyết ấn hành hơn 1.000 cuốn, được nhiều người đọc đón nhận.

Khánh Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Video đang được quan tâm:

[mecloud]xQUuzxnkFU[/mecloud]