Dòng sự kiện:

Bài thơ "Nam quốc sơn hà" và sai lầm của sách Ngữ văn lớp 7

00:12 11/11/2015
TS Phạm Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ về việc cộng đồng mạng tranh luận bản dịch khác của bài thơ "Nam quốc sơn hà" trong SGK Ngữ văn lớp 7.

 

 

 

"Nam quốc sơn hà" không phải của Lý Thường Kiệt

Trong khoảng 10 năm trước, PGS Bùi Duy Tân là một trong những người viết nhiều bài về Nam quốc sơn hà. PGS Bùi Duy Tân cũng giành nhiều thời gian nghiên cứu về văn bản học, qua hơn 30 văn bản khác nhau của tác phẩm để đi đến kết luận: Không thể khẳng định bài thơ của Lý Thường Kiệt, mà là vô danh, của tập thể tác giả là người Việt.

Ông cũng dẫn dụ rằng, GS Trần Quốc Vượng, GS Hà Văn Tấn nói bài thơ không phải của Lý Thường Kiệt: “Vào cuộc tìm kiếm đầy hứng thú chưa lâu, thì được cố GS Trần Quốc Vượng mách cho những dòng viết của GS Hà Văn Tấn, trong bài Lịch sử, sự thật và sử học (Tổ Quốc - 401 - 1 - 1988). Không một nhà sử học nào có thể chứng minh được bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt. Không có một sử liệu nào cho biết điều đó cả”.

Ngoài ra, một số bài về văn bản của tác phẩm được các nhà nghiên cứu đến như PGS.TS Nguyễn Thị Oanh (Viện nghiên cứu Hán Nôm), Nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ (Khoa Văn học – ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội)… từng bước làm rõ quá trình dịch chuyển văn bản cũng như ngữ nghĩa; đồng thời tiếp tục loại suy quan niệm cho rằng bài thơ là của Lý Thường Kiệt.

Cách làm văn bản học nghiêm túc, thao tác khoa học đúng đắn sẽ loại suy dần những sai lầm trong nghiên cứu và công bố văn bản. Đây là thao tác không chỉ trong các văn bản Hán Nôm mà cả trong các văn bản dịch thuật, khảo chứng, giới thiệu… trong xã hội đa phương tiện ngày nay.


Phần chú thích về bài thơ trong SGK Ngữ văn lớp 7, tập 1.

Dịch thuật chỉ là tương đối

PGS Bùi Duy Tân dẫn lại bản dịch Nam quốc sơn hà của Ngô Linh Ngọc, tuy nhiên, PGS TS Nguyễn Thị Oanh, nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ hay nhiều ngưòi khác lại có những cách dịch khác.

Đặc biệt, tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có nhiều bản dịch về Thần tích các địa phương, còn nhiều bản dịch Nam quốc sơn hà khác nhau. Đây là chuyện bình thường trong dịch thuật, không có một bản dịch hoàn toàn chính xác. ​Tất cả chỉ là tương đối, không chỉ Hán Nôm mà tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung… cũng vậy.

Trường hợp bài Nam quốc sơn hà đã trải qua lịch sử hơn nghìn năm, có nhiều dị bản khác nhau, thì không có bản dịch nào được gọi là chuẩn cả. Tất cả chỉ là tương hỗ, hỗ trợ cho cách đọc, cách hiểu của người ngày nay với tác phẩm mà thôi.

Đương nhiên cũng có những bản dịch hay, gần nguyên tác, âm điệu dễ đọc, thuận tai. Đây là việc rất khó, nên các nhà dịch thuật Hán Nôm mới nói rằng, dịch cần đạt được Tín (đúng) - Đạt (đạt được) – Nhã (hay, đẹp).

Về bài thơ Nam quốc sơn hà, trong nhiều năm qua người Việt Nam vẫn thường thuộc bản dịch:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

Bài thơ đi vào tiềm thức, đọc thuận tai, nhẹ nhàng từ câu cú đến âm điệu, mà ngữ nghĩa cũng sát gần bài thơ nguyên bản chữ Hán. Do đó, sự phản ứng của cộng đồng mạng khi nghe có bài thơ lạ, khác bài thơ đi vào tiềm thức cũng là điều không lạ.

Tuy nhiên, nếu bị cố chấp bởi một văn bản dịch, e là không nên. Không nên áp đặt tư duy của người lớn cho trẻ nhỏ, nhất là trong văn học.


TS Phạm Văn Tuấn

Sai lầm của Ngữ văn lớp 7 tập 1

Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 7 tập 1 đã đúng khi đưa ra đến 3 văn bản bản dịch của Nam quốc sơn hà. Thêm nữa, để thêm sinh động phần nội dung, các tác giả đưa ra ảnh chụp bài thơ được sơn mài trong Viện bảo tàng lịch sử.

Tuy nhiên, cách làm tốt mảng này, nhưng chưa tốt mảng khác. Đó là trong phần dẫn bài của hai cụ Lê Thước và Nam Trân trong Thơ văn Lý Trần, các tác giả dẫn đúng ba câu cuối, còn câu trên, không rõ tác giả dẫn của ai.

Đây là việc làm sai, dẫn sai, làm ẩu, không nghiêm túc của người biên soạn. Đã dẫn phải đúng, nếu không các tác giả nên tự dịch. Dẫn sai không chỉ không tôn trọng tiền nhân mà còn không tôn trọng hàng vạn người đọc người học. Đây là việc làm không đúng đắn, không khoa học.

Thiết nghĩ, không nên dùng dạy các sách giáo khoa với cách làm văn bản không khoa học không nghiêm túc như thế cho học sinh.

Nhiều ý kiến tranh luận quanh bản dịch khác của bài thơ Nam quốc sơn hà tại ​trang 62 sách Ngữ văn lớp 7 tập ​1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.

* Giáo sư sử học Dương Trung Quốc: ​Một bản gốc tiếng hán có thể dịch ra nhiều bản tiếng nôm là chuyện bình thường, quan trọng là tìm ra bản hay hơn. Cá nhân tôi thấy bản dịch nào đã đi vào nhận thức của mọi người thì không nên thay đổi. Nếu dịch lại phải dựa trên một chuẩn nhất định và giải thích tại sao thay đổi.

* Cô Nguyễn Phương – giáo viên dạy Ngữ văn tại Hà Nội: Một trong những mục đích của Ngữ văn là mang lại sự thích thú, hấp dẫn cho học sinh. Văn bản cũ của bài thơ đã đáp ứng được điều đó, còn bản mới gây trắc trở, khó đọc cho học sinh và giáo viên khó giảng dạy.

* Thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An: Tôi không đồng tình với bản dịch mới. ​Tác phẩm này đã quá quen thuộc mà nhiều người đã thuộc từ thuở học sinh phổ thông. Dù ý nghĩa không thay đổi so với bản dịch lâu nay nhưng bản dịch mới sẽ xa lạ và phức tạp về ngôn từ tiếng Việt.

* Cô Nguyễn Thị Lâm, giáo viên dạy Ngữ văn, trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM: ​Tôi cũng học bản dịch thơ cũ và thuộc lòng, điều này cũng giống như thói quen khó thay đổi. Bản dịch thơ mới hiện tại trong SGK sát nghĩa hơn, đặc biệt là câu thơ 3 và 4.

Bản dịch hiện tại chọn cách diễn đạt là "giặc dữ" là sát nghĩa của từ "nghịch lỗ", đồng thời thấy rõ bản chất của giặc, cũng như thái độ căm thù của tác giả và nhân dân ta đối với kẻ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ.

TS Phạm Văn Tuấn

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Theo Zing

[mecloud]riLxtas7s8[/mecloud]