Dòng sự kiện:

Bài Toán lớp 3 tính số vịt 'không tài nào hiểu nổi'

02:37 14/11/2016
Bài Toán tính số vịt trong sách nâng cao dành cho học sinh lớp 3 khiến nhiều phụ huynh, thậm chí giáo viên khó có thể đưa ra lời giải.

Sau khi được chia sẻ trên một diễn đàn, bài Toán tính số vịt khiến không ít người hoang mang về cách ra đề ảo, "không tài nào hiểu nổi" của người biên soạn sách.

Đề bài như sau:

Một người nuôi 30 con vịt, vừa rồi người đó bán đi một số vịt. Hỏi người đó còn lại bao nhiêu con vịt?

Đề bài yêu cầu học sinh đặt tính rồi tính.

Đề bài toán lớp 3 khiến phụ huynh bối rối.

Chị P.A. - người chia sẻ bài Toán - cho biết đề bài này nằm trong một cuốn sách bài tập Toán nâng cao dành cho học sinh lớp 3.

Nhiều người khẳng định đề ra thiếu dữ liệu nên không thể giải được. Họ cũng không hiểu tại sao dưới phần đặt tính lại có cả cách đặt phép tính chia.

Một số người lập luận đây là dạng Toán tự nghĩ câu hỏi, tự trả lời nhằm giúp học sinh sáng tạo hơn.

Không ít người hoang mang về cách ra đề cho học sinh hiện nay. 

"Em năm nay học lớp 12, đọc đề mà thấy tương lai đại học mù mịt quá. Đến bài lớp 3 cũng không hiểu nổi", Mai Phương bình luận.

Một số phụ huynh khác cẩn thận hơn, nhờ con đưa giáo viên giải hộ bài này và nhận được đáp án khiến họ sửng sốt không kém.

"Một số vịt thì là vịt số 1 mọi người ạ. Em gửi bài này cho cháu em, cô nó giải thế. Em cũng bàng hoàng luôn", chị Phượng kể.

Đây cũng là đáp án mà chị P.A. nhận được từ giáo viên giao bài tập. Chị cho hay cô giải thích "một số vịt" tức là "một con vịt", đáp án cần tìm là 30-1=29 con. Ngoài ra, cô bảo 30 trừ một số vịt thì giữa số 0 và số 3 là số 2 và số 1, nên đáp án có thể là 30-1=29 con hoặc 30-2=28 con.

Khi phụ huynh thắc mắc một bài Toán sao có hai đáp án, giáo viên này khẳng định vì "đây là toán IQ".

Hình ảnh về bài Toán lớp 3 này nhanh chóng được nhiều người chia sẻ. Hàng loạt dân mạng cố gắng tìm đáp số cho đề bài "bí ẩn" nhưng không thể đưa ra câu trả lời thuyết phục.

Trao đổi với PV, cô Mai - một giáo viên tiểu học ở Lâm Đồng - cho rằng đây là sơ suất của người ra đề, bài thiếu dữ liệu nên không thể có đáp án. Nếu gặp trường hợp này, giáo viên nên giải thích rõ cho học sinh về sai sót từ người biên soạn.

Cô nói thêm nhiều khi, các sai sót như vậy khiến giáo viên rất khó xử vì học sinh còn nhỏ, thường tin tưởng thầy cô có thể giải quyết các khó khăn liên quan đến bài tập. Nhưng khi gặp những bài mà đến người lớn cũng "bó tay", các em không hiểu hết vấn đề và dễ mất niềm tin vào giáo viên.

Zing.vn

Nguồn: Gia đình Việt Nam