Dòng sự kiện:

Bạn biết gì về biến đổi gen và thực phẩm biến đổi gen?

17:31 11/07/2015
Thực phẩm biến đổi gien đã trở thành chủ đề nóng trong báo giới quốc tế những năm gần đây. Vấn đề được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm nghiên cứu, nhưng cũng gặp phải sự phản ứng kịch liệt của các tổ chức bảo vệ môi trường vì cho rằng nó có thể gây hại đối với con người và môi trường.

 

 

 

Biến đổi gen là gì?

Cụm từ “biến đổi gen” (BĐG) cũng không còn quá xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam, thế nhưng nếu hỏi rằng bạn có biết thông tin gì về loại thực phẩm này, thực phẩm hằng ngày bạn ăn có liên quan đến cây trồng BĐG hay không, thì hầu hết mọi người đều rất mơ hồ. Người mua thực phẩm không để ý, không biết, và ngay cả người bán cũng chẳng có kiến thức gì hơn.

Thực phẩm biến đổi gen là gì?
 
Cụm từ “Thực phẩm biến đổi gen” được dùng để chỉ các loại thực phẩm có thành phần từ cây trồng chuyển gen - hay còn gọi là cây trồng Genetically Modified (GM), cây trồng biến đổi gen (CNSH). Nhờ công nghệ sinh học mà việc biến đổi gen nhằm tạo ra những loại cây trồng tăng khả năng chống cỏ dại, chống sâu bệnh hay tăng hàm lượng dưỡng chất. Một số thực phẩm biến đổi gen phổ biến như là: gạo vàng - loại gạo có beta-carotene (tiền tố vitamin A), cà chua - nhằm bảo quản được lâu hơn, ngô – năng suất cao và không bị sâu bệnh ăn hại,…
 

Theo GS.TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam: Hiện nay, trên thế giới chỉ có 11 nước đã tạo ra cây trồng biến đổi gen, Việt Nam còn cách xa quy trình này, bởi quá trình nghiên cứu hầu như mới chỉ dừng trong phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Việt Nam cũng đã ở hành lang pháp lý, du nhập công nghệ thực phẩm biến đổi gen từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong hơn 10 năm qua, việc xây dựng quy chế chính sách đã được Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Bộ Công Thương… xây dựng cơ sở văn bản cho 7 giống ngô biến đổi gen, trong thời gian tới, bắt đầu đưa vào sản xuất.

Hàng năm, Việt Nam nhập hàng triệu tấn ngô, đậu nành từ Brazil, Mỹ, Argentina, Ấn Độ, là những nước có diện tích trồng ngô và đậu nành BĐG lớn nhất thế giới. Đó còn chưa kể hàng trăm ngàn tấn thịt gia cầm, gia súc được nhập từ các quốc gia cho phép sử dụng thực phẩm BĐG làm thức ăn chăn nuôi. Có nghĩa là, từ lâu thực phẩm BĐG đã hiện diện trong bữa ăn của người Việt, và hầu hết các gia đình Việt không hề nhận thức được mình đang ăn thực phẩm BĐG.

Viễn cảnh về một thế giới với “những ruộng đồng bát ngát trù phú, cung cấp đủ lương thực cho toàn bộ dân số thế giới với con số khổng lồ gần lên tới 9 tỷ người nhờ những giống cây trồng có khả năng kháng sâu bệnh, năng suất cao, nơi mà người nông dân thảnh thơi không phải lo lắng nhiều về việc phun thuốc trừ sâu, giảm lượng nước tưới bón và công chăm sóc” là một cái bẫy mà các tập đoàn Công nghệ sinh học xuyên quốc gia xây dựng lên nhân danh sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nó được tô màu lấp lánh tính nhân văn để che đi những góc khuất chứa đầy rủi ro.


Mới đây, Việt nam đã chính thức chấp nhận đưa giống cây trồng BĐG trồng trên diện rộng.. Và người dân Việt sẽ càng thêm phần băn khoăn khi biết rằng, tập đoàn Monsanto của Mỹ, một trong 2 công ty được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp chứng nhận được bán đại trà giống ngô biến đổi gen tại Việt Nam, chính là nhà cung cấp thuốc trừ cỏ và chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Hiện tại thời điểm này, tập đoàn Monsanto vẫn đang đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội từ khắp các nước trên thế giới về chương trình gieo trồng thực phẩm biến đổi gen. Hồi tháng 5, hàng ngàn người tràn ra các ngã đường ở 400 thành phố, từ 40 quốc gia để phản đối tập đoàn này.

Vấn đề an toàn thực phẩm, trực tiếp (ăn thực phẩm BĐG) hay gián tiếp (ăn động vật được nuôi bằng thực phẩm BĐG) vẫn là vấn đề đang được nghiên cứu và tranh cãi trên thế giới. Trong khi Mỹ chấp nhận sản phẩm BĐG thì Châu Âu là Nhật kiên quyết nói không với loại thực phẩm này. 

Ở Việt nam, trên nhãn bao bì không hề có ghi chú hay chỉ dẫn gì để thông báo cho người tiêu dùng về nguồn thực phẩm, và nếu người dân cứ bị trước đi quyền được lựa chọn dùng hay không dùng sản phẩm BĐG như vậy, thì chúng ta đang thực sự là mẫu thí nghiệm sống cho các nhà khoa học trong nghiên cứu của họ về tính an toàn, một cách bị động đến tàn nhẫn.

Thực phẩm biến đổi gen có thực sự an toàn?
 
Theo kết quả nghiên cứu của hàng loạt các tổ chức quốc tế, thực phẩm được sản xuất bởi công nghệ sinh học hay còn gọi là thực phẩm biến đổi gen đang có sẵn trên thị trường và an toàn cho con người. Các chuyên gia cho rằng các thực phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen (GMO) chắc chắn được đánh giá là an toàn nếu không chúng sẽ không thể được công nhận và đăng ký bởi các cơ quan quốc tế. Giống như bất kỳ thực phẩm truyền thống nào khác, thực phẩm biến đổi gen (GM) cũng chứa nhiều chất khác nhau với hàm lượng khác nhau. Thông thường người ta hay tin vào các thực phẩm truyền thống vốn đã được sử dụng bao đời nay. Tuy nhiên, sự tin tưởng này chỉ đơn giản dựa trên kinh nghiệm chứ chưa hẳn đã có cơ sở khoa học. Trong khi đó, đối với thực phẩm GM, việc chứng minh tính an toàn là một yêu cầu bắt buộc. WHO và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã đánh giá bằng chứng về sự an toàn và lợi ích của thực phẩm và họ ủng hộ việc sử dụng có trách nghiệm đối với những tác động tích cực hiện nay và tương lai trong việc giải quyết mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng và bền vững.

 
Theo cuộc điều tra của Quỹ và Hội đồng Thông tin Thực phẩm Quốc tế (IFIC) năm 2012, 69% người tiêu dùng của Hoa Kỳ tin tưởng vào sự an toàn của nguồn cung ứng thực phẩm ở quốc gia này. Tuy nhiên để thực phẩm biến đổi gen đi vào đời sống người Việt cần có một báo cáo nghiên cứu nhằm đánh giá những nguy cơ tiềm ẩn nào có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người được thực hiện toàn diện trên 6 yếu tố. Bao gồm ảnh hưởng sức khỏe một cách trực tiếp (độc tính); khuynh hướng gây phản ứng dị ứng (dị ứng); các thành phần cụ thể chứa chất dinh dưỡng hoặc chất độc hại; sự ổn định của gen chèn; sự ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng liên quan đến biến đổi gen và bất kỳ tác dụng không mong muốn từ kết quả củasự chèn gen. Trong các cuộc thảo luận lý thuyết với nhiều khía cạnh khác nhau, có ba vấn đề chính được tranh luận nhiều nhất là khuynh hướng gây ra phản ứng dị ứng (dị ứng), chuyển gen và lai xa. Bên cạnh đó, cũng cần có bằng chứng đáng tin cậy rằng GMO không có bất kỳ mối nguy hại khác biệt nào đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh mối lo về tính an toàn, việc không chủ động về giống sẽ gây ra sự phụ thuộc vào các công ty cung cấp giống của các tập đoàn nước ngoài. Các tập đoàn xuyên quốc gia như Monsanto từ từ đưa “hạt giống” quyền lực của mình lan rộng dần trên các đồng ruộng khắp nơi trên thế giới. Hạt giống biến đổi gen là vũ khí mà họ sử dụng để chiếm đoạt quyền kiểm soát các nguồn cung cấp lương thực toàn cầu. Hiện giờ, Monsanto đang sở hữu 95% hạt giống bông tại Ấn Độ, điều này thể hiện rõ ràng sự độc quyền gần như toàn bộ về nguồn giống-tài nguyên mà đáng lẽ thuộc quyền sở hữu tất cả những người nông dân lao động trên mảnh đất của mình. Người nông dân Ấn Độ đã bị trói buộc hoàn toàn trong các thỏa thuận hợp đồng, lệ thuộc vào hệ thống nông nghiệp tập trung hóa và họ đã trở thành nô lệ trên chính quê hương của mình, không lối thoát.

Các cây trồng BĐG, và xa hơn nữa là các động vật BĐG, một trong nhữngthành tựu khoa học tiến bộ vượt bậc của loài người, tưởng như xa xôi nhưng thực tế lại đang rất gần tất cả chúng ta, là bài toán hóc búa về sự lựa chọn cho cả các nhà chức trách và cả những người nông dân chân lấm tay bùn. Sự chào đón Monsanto vào Việt nam là sự chào đón khoa học công nghệ tiến bộ trên thế giới, với ước vọng đẩy lùi nỗi lo đói nghèo đè nặng dân tộc Việt bao năm nay hay là một sự thử nghiệm liều lĩnh ẩn chứa nỗi lo về một sự hủy hoại mới của “chất độc màu xanh” mang đến từ Monsanto-cái tên liên quan đến thảm kịch “chất độc màu da cam” trong những năm chiến tranh đã qua? Câu hỏi này, chúng ta chưa sớm trả lời được.

Tóm lại, tiềm năng to lớn giải quyết nạn đói và suy dinh dưỡng hiện nay trên thế giới, đồng thời có thể hạn chế bớt tác hại của thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... đối với môi trường... Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn phía trước đối với các Chính phủ trong việc kiểm định an toàn, quy chế quản lý và dán nhãn thực phẩm. BĐG có thể trở thành một làn sóng mới trong tương lai.

 

PHƯƠNG MAI (Tổng hợp)/ĐSPL