Dòng sự kiện:

Bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em: Nhìn từ pháp luật và báo chí

Trẻ em là tương lai của bất kỳ quốc gia nào và vì vậy, việc đảm bảo quyền của trẻ em luôn được các quốc gia quan tâm. Một trong những quyền trẻ em cần được bảo đảm là quyền riêng tư. Luật Trẻ em năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1/6/2017) quy định trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình.

Quyền riêng tư của trẻ em

Với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng, các gameshow, các mạng xã hội, quyền riêng tư của trẻ em bị xâm phạm với xu hướng ngày một tăng.

“Có thể nhận diện quyền riêng tư của trẻ như sau: Quyền bí mật thông tin (hình ảnh, thông tin nhận diện cá nhân, gia đình; tình trạng sức khỏe, cảm xúc, gia đình, học tập, các mối quan hệ, nơi ở; thư từ, điện thoại, điện tín, các hình thức lưu trữ, trao đổi thông tin khác); quyền bảo vệ và được pháp luật bảo vệ chống lại các hành vi thu thập, khai thác, sử dụng, công bố thông tin, can thiệp vào đời sống riêng tư của trẻ.

Việc khai thác, sử dụng các thông tin thuộc về quyền riêng tư của trẻ để phục vụ quá trình điều tra, tố tụng phải được tiến hành theo một trình tự chặt chẽ được quy định bởi pháp luật và không được tiết lộ thông tin khiến người khác có thể nhận diện trẻ có liên quan. Tất cả những hành vi khai thác, thu thập, sử dụng, công bố thông tin khác đều phải được sự đồng ý của cha mẹ/người giám hộ và trẻ em.

Cũng cần lưu ý rằng, việc bên thứ 3 chỉ được phép khai thác, sử dụng thông tin của trẻ sau khi có sự cho phép của cha mẹ/người giám hộ là một thủ tục nhằm đảm bảo quyền của trẻ, vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Cha mẹ/người giám hộ tránh việc ngộ nhận rằng mình có quyền sử dụng, can thiệp vào những gì thuộc về quyền riêng tư của con cái, hay của trẻ em do mình giám hộ” - Ông Lê Thế Nhân giải thích rõ hơn về quyền riêng tư của trẻ em.

Nhìn từ báo chí và mạng xã hội

Cách đây 5 năm, theo kết quả điều tra của của Codes cho thấy có đến 548 bài báo mà nội dụng của chúng không đảm bảo quyền riêng tư của trẻ em đã được đăng tải trên 5 tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam chỉ trong năm 2012. Trong đó có 39% bài báo đăng ảnh của trẻ em trực diện khuôn mặt, nơi tổn thương, cùng với gia đình và nhà cửa/trường học. 47% bài báo cung cấp tên của ba mẹ và người giám hộ. Thông tin về nơi ở của các em được cung cấp cụ thể đến địa danh xã/phường/thị trấn (30%) và đến địa chỉ rõ ràng có thể tìm thấy được (thôn/xóm/đường – 41%).

Ông Lê Thế Nhân, Chủ tịch Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội - Thừa Thiên- Huế (Codes), cho biết: “Quyền riêng tư có ý nghĩa trực tiếp bảo vệ đời sống hằng ngày của chúng ta. Quyền này góp phần giúp chúng ta bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, những bí mật của cuộc sống riêng tư và gia đình”.

Điều đáng lưu ý là chủ đề của những bài báo nói trên lại là trẻ em bị xâm hại tình dục (47%), bị bạo hành/bạo lực (23%) và nhân đạo, từ thiện (11%); đối tượng bài báo là nữ (74%) và trẻ em ở các vùng khó khăn như miền núi và nông thôn (79%). Những bài báo đó lại được trích dẫn nguyên văn hay một phần đến 2692 lượt trên các tờ báo điện tử khác.

Codes dẫn chứng về trường hợp điển hình cho các bài báo xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em là hai bài “Anh trai hiếp dâm em ruột và bé gái hàng xóm” và “Bé gái bị cha dượng xâm hại tình dục nhiều lần”. Bài báo thứ nhất cung cấp tên chính xác của hai nạn nhân, năm sinh, địa chỉ cụ thể, tên thủ phạm, hình ảnh nhận diện thủ phạm. Bài báo thứ hai cung cấp họ tên cha mẹ ruột, năm sinh, nghề nghiệp, nơi công tác và họ tên, nơi công tác người bác ruột nạn nhân. Bài báo còn đăng hình chụp bức thư của nạn nhân với tên thủ phạm và tên nạn nhân bị bôi xóa nhưng địa chỉ thôn, xã được giữ nguyên.

Như vậy, với những thông tin nói trên, chúng ta có thể biết kết nối và biết được tường tận về nạn nhân và thủ phạm. Do đó, đúng như Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) nhận định: “Khi trẻ bị xâm hại lại đưa quá chi tiết về bí mật đời sống riêng tư, thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ lên mạng xã hội, báo chí như vậy vô tình làm hại đứa trẻ thêm một lần nữa”.

Đã xảy ra nhiều hệ lụy khi xâm phạm về quyền riêng tư của trẻ em. Chẳng hạn, Codes chỉ ra trường hợp của cô bé lớp 6 ở miền Nam suýt bị bắt cóc trong bệnh viện. Ngày 16/1/2012, báo X cho đăng bài “Mẹ bệnh, em thơ trên vai bé gái học lớp 6”. Bài báo đăng hình em Y (12 tuổi) đang chăm sóc mẹ trong bệnh viện.

Để làm cảm động người đọc, bài báo cung cấp thông tin về hoàn cảnh gia đình Y: Y mồ côi cha, mẹ em bị liệt nửa người, rong huyết, u xơ tử cung, gia đình em sống dựa vào tiền trợ cấp và sự bảo bọc của bà con khu phố, em phải đi bộ 45 phút tới trường, có hôm nghỉ học vì đói bụng… Một mình Y ở lại bệnh viện chăm sóc mẹ, tài sản chỉ có một chiếc điện thoại mượn tạm và 30 nghìn đồng. Cuối bài viết có số điện thoại của Y để những người hảo tâm có thể giúp đỡ.

Ngày 18/1/2012, báo X đăng bài “Cảnh giác với chiêu lừa trẻ em trong bệnh viện” tường thuật lại việc em Y trực tiếp nhận được một cuộc điện thoại mạo danh là người của báo X. Người này hứa sẽ hỗ trợ chữa bệnh cho mẹ em và bảo em ra ngoài cổng bệnh viện một mình, đừng nói với ai. Rất may Y đã gọi điện hỏi phóng viên viết bài nên không bị bắt cóc.

Bên cạnh đó, hiện nay, ở nước ta có khoảng 15 chương trình truyền hình giải trí có khai thác trẻ em. Nhưng việc truyền thông, truyền hình khai thác quá mức đến đời tư của trẻ em khiến quyền riêng tư của trẻ em rất dễ bị xâm phạm.

Trên thế giới, từ việc cho ra đời một số chương trình giải trí cho trẻ em tại Mỹ và các nước châu Âu, Hàn Quốc với lợi nhuận khổng lồ, đến nay các gameshow có sự tham gia của trẻ em đã lan rộng. Tại Việt Nam, từ năm 2007, cuộc thi “Đồ Rê Mí” nhằm tìm kiếm tài năng nhỏ tuổi ra đời, thu hút lượng người xem “khủng” đã mở màn cho thời kỳ bùng nổ gameshow nhí.

Rất nhiều cuộc thi dành cho người lớn đều có hoặc đang chuẩn bị ra đời phiên bản nhí, như “Gương mặt thân quen nhí”; “Giọng hát Việt nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”; “Người hùng tí hon”; “Tìm kiếm tài năng MC nhí - Young MC Talent”, “Young hit Young beat - Nhí tài năng”, “Con biết tuốt”, “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, “Cha con hợp sức”; “Vũ điệu tuổi xanh”, “Vua đầu bếp nhí”…

Ông Lê Thế Nhân, Chủ tịch Trung tâm Codes cũng cho biết thêm: “Ngày nay, với sự tiện ích của internet, mỗi người thường có tài khoản của mình. Mạng xã hội trở thành một phương tiện và khi thông tin được đăng lên (nếu không cài đặt chế độ riêng tư) thì bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy những thông tin đó. Việc công bố các thông tin riêng tư của cá nhân, gia đình (như hình ảnh các thành viên, nơi ở, nơi học tập, làm việc, vui chơi; tình trạng tâm lý, tình cảm, sức khỏe, công việc, học tập, các mối quan hệ, thói quen...) trên các trang mạng xã hội luôn hàm chứa các nguy cơ mất an toàn không chỉ cho trẻ mà của cả gia đình.

Ví dụ, qua mạng xã hội của người mẹ, người ta biết được người con đang học ở trường nào, bố của con đang làm ở đâu, gia đình có bao nhiêu thành viên, ở đâu, hoàn cảnh như thế nào. Bằng một vài thao tác tìm kiếm, người ta có thể biết thời điểm nào là thích hợp để gây hại. Và khi người mẹ vô tình đăng dòng trạng thái “chồng thì đi công tác, con thì đứng chờ cổng trường mà công việc của mình vẫn chưa xong, thiệt là áp lực”. Dòng trạng thái này có thể giúp người có ý đồ xấu có cơ hội để đột nhập nhà, hay bắt cóc người con hoặc giả vờ bắt cóc tống tiền...”.

Nhìn từ góc độ pháp luật

Cách đây 4 năm, tại Hội thảo “Nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em” (thành phố Huế, ngày 17/6/2013), TS. Võ Minh Tuấn, Khoa Lý luận Chính trị, Học viện Ngân hàng chia sẻ: “Trong một số trường hợp, tôi hiểu rằng hãy tập trung vào sự kiện thay vì một cá nhân nào đó. Đấy là khi tòa soạn nhận được một bức thư của một nữ sinh phổ thông. Cô bé kể về một sự việc đau lòng: lần lượt cả cô bé và người chị đều bị người cha dượng hãm hại, nhưng do sống trong một miền quê nghèo khép kín nên hai chị em và bà mẹ không biết phải làm thế nào để thoát khỏi tình trạng này, để rồi tình cờ cô bé có được tờ báo của chúng tôi và gửi thư đến tòa soạn để hỏi. Thường thì những câu hỏi của độc giả gửi bằng thư sẽ được trả lời trên báo nhưng trường hợp này thì không thể.

Cân nhắc, tòa soạn đã cử phóng viên tìm về miền quê hẻo lánh ấy tìm hiểu sự việc, và đề nghị chính quyền địa phương can thiệp. Sau khi sự việc đã được thu xếp, kẻ phạm tội đã chịu hình phạt của pháp luật, chúng tôi mới tái hiện trên mặt báo nhưng dưới dạng một câu chuyện vô danh hóa nhân vật và tư vấn: nếu bị xâm hại, bạn trẻ nên làm gì. Bởi một sự tường thuật chi tiết sẽ có thể làm cuộc sống của nhân vật bị xâm phạm, và chẳng lợi ích gì cho những tâm hồn trong sáng của các độc giả nhỏ tuổi.

Một lần khác, khi viết về trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, tôi đã rất băn khoăn trước việc chụp hình và sử dụng hình của các em. Không có hình ảnh tại hiện trường thì sức thuyết phục sẽ bị giảm đi, nhưng đưa hình ảnh lên thì sẽ mang màu sắc của sự thương tâm. Cuối cùng tôi quyết định chọn cảnh một nhóm các em đang chơi đùa cùng cô giáo chứ không đặc tả sâu hình ảnh một cá nhân em nào, qua đó độc giả phần nào có thể thấy được sự hủy hoại của chất độc mà da cam lên cơ thể các em, nhưng vẫn có thể thấy được hình ảnh động mang màu sắc tươi vui và hồn nhiên của trẻ”.

Bởi thế, theo TS. Võ Minh Tuấn: “Không thể và không được khai thác những khía cạnh riêng tư của các em một cách thiếu cẩn trọng chỉ để có được một bài báo giật gân, ly kỳ là trách nhiệm nghề nghệp của người làm báo. Phải tìm cách chuyển tải thông tin hữu ích nhưng đảm bảo được sự riêng tư chính đang của nhân vật là những gì nhà báo cần làm”.

Tuy nhiên, theo Ths. Mạch Lê Thu, giảng viên Học viên Báo chí và Tuyên truyền: “Hiện này nhiều cơ quan báo chí Việt Nam chưa ban hành chính thức các nguyên tắc thực hành nghề nghiệp. Ngay cả khi trong trường hợp đã có bộ nguyên tắc đạo đức thì vẫn thiếu chế tài bắt buộc các nhà báo phải tuân thủ những nguyên tắc đó. Vì vậy, rất cần có những văn bản pháp lý để nhà báo dựa vào đó đưa tin về những vụ án có nạn nhân trẻ em, sao cho không vô tình gây hại đến trẻ nhỏ mà vẫn phục vụ nhu cầu thông tin chính đáng của công chúng”.

Do đó, Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã nghiêm cấm việc thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em. Nhưng gần đây có bài: “Bé gái 8 tuổi bị cụt tay sau tai nạn ngày mùng 4 Tết: “Ba ơi! Sao tay trái con ngắn hơn tay phải?! của một tờ báo điện tử đăng ngày 9/2/2017. Trong bài báo có hình ảnh của trẻ em bị tai nạn, có đầy đủ tên họ, tuổi, địa chỉ rõ đến tận thôn, xã, huyện, tỉnh. Và bài “Bé gái bị xâm hại khi cha say rượu” của một báo điện tử đăng ngày 25/4/2017. Trong bài báo có nhắc đến nạn nhân là trẻ em với thông tin: Là nữ, 5 tuổi, địa chỉ rõ ràng đến cấp xã, huyện, tỉnh. Do đó, cần có sự bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên báo chí, trước hết là tự mỗi cơ quan báo chí phải thận trọng khi đưa tin, viết bài về trẻ em.

Bên cạnh đó, quyền riêng tư trẻ em cũng đã được công nhận trên phương diện quốc tế và đã được luật hóa tại Việt Nam, trong đó nổi bật là Luật Trẻ em năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017.

Điều 12, Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người 1948 (UDHR) quy định:

“1. Không ai phải chịu sự can thiệp tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân.

2. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy”.

Điều 17, Công ước về các quyền dân sự, chính trị 1966 (ICCPR – Việt Nam tham gia vào ngày 24/12/1982) ghi nhận rằng: “

1. Không ai bị can thiệp một cách tùy tiện và bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín hoặc xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín.

2. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những sự can thiệp hoặc xâm hại như vậy”.

Điều 16, Công ước về Quyền trẻ em (CRC) nêu rõ:

“1. Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em.

2. Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy”. Cũng theo CRC, “mọi điều riêng tư của trẻ em phải được hoàn toàn tôn trọng trong mọi giai đoạn tố tụng” (điều 40bvii).

Như vậy, quyền riêng tư từ vai trò là “thước đo chung cho tất cả các quốc gia và các dân tộc” (trong UDHR), trở thành những quy định pháp lý ràng buộc dối với các quốc gia thành viên phải thực thi (ICCPR) và thực thi một cách đặc biệt đối với trẻ em (CRC). Và Việt Nam là một trong những quốc gia sớm quan tâm đến việc bảo vệ quyền trẻ em, là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.

Theo Hiến pháp năm 2013, trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em (khoản 1 Điều 37).

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác (khoản 1, khoản 2 Điều 38).

Luật Trẻ em năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, cũng quy định trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư (Điều 21).

Khoản 2 Điều 54 Luật này quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật”. Theo Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016, hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm.

Ngày 9/5/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Điều 33 giải thích rõ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Trang bị kiến thức bảo vệ trẻ

Tuy đã được luật hóa về quyền riêng tư nhưng Ông Lê Thế Nhân, Chủ tịch Trung tâm Codes nhấn mạnh: “Hơn ai hết, phụ huynh/người giám hộ/người lớn nên trang bị cho mình kiến thức bảo vệ trẻ. Bản thân trẻ em cần trang bị các kiến thức về quyền của mình cũng như cách thức để đánh giá các rủi ro, tự bảo vệ, tìm kiếm các trợ giúp khi cần thiết. Một điều mà trẻ em và phụ huynh có thể làm ngay để bảo vệ bản thân và gia đình là: không cung cấp thông tin cá nhân, đời sống riêng tư và gia đình cho người lạ; hãy cân nhắc và thiết lập chế độ riêng tư khi đăng các thông tin này lên mạng xã hội”.

Theo Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016, hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm.