Dòng sự kiện:

Bé 2 tuổi mất tích trong rừng trở về an toàn: Người Nhật đã dạy con như thế nào?

23:14 08/12/2016
Sau vụ bé gái 2 tuổi mất tích trong rừng, nhiều người thắc mắc rằng, người Nhật Bản đã dạy con như thế nào để có thể giúp một đứa trẻ 2 tuổi mất tích trong rừng sâu bình an sống sót trở về.

Khoảng 9h50 phút sáng ngày 06/12 vừa qua, bé gái Koyomi Tokunaga 2 tuổi người Nhật Bản đã được tìm thấy và sống sót một cách kỳ diệu sau 24 giờ đồng hồ bị lạc trong khu rừng thuộc vùng núi tỉnh Oita, Nhật Bản. Trước đó, cô bé bị mất tích vào khoảng 1 giờ chiều ngày 05/12 khi đang cùng mẹ tham gia một chuyến dã ngoại gần nhà cụ ngoại.

Cô bé Koyomi Tokunaga bình tĩnh đến kì lạ khi được tìm thấy sau 21 giờ mất tích trong rừng.

Sau khi vụ việc xảy ra, công tác cứu hộ đã được triển khai, cô bé Koyomi đã được một người đồng nghiệp của bố mình tìm thấy trên một sườn núi cách vị trí cô bé bị mất tích khoảng 2km về phía nam, và cách khoảng 600m tính theo đường chim bay. Theo cơ quan khí tượng tỉnh Oita, mức nhiệt tại khu rừng vào thời điểm Koyomi mất tích là khoảng 6.7 độ C. Dù mức nhiệt này ấm áp hơn rất nhiều với nền nhiệt trung bình hàng năm – khoảng 0.6 độ C, nhưng vẫn rất lạnh và khắc nghiệt với một đứa trẻ 2 tuổi. Nhưng may mắn là khi được tìm thấy, tình trạng sức khỏe của Koyomi khá ổn định và chỉ bị một vài vết thương nhỏ trên da. 

Nhiều người cho rằng việc một cô bé 2 tuổi có thể sống sót trong thời tiết lạnh chỉ khoảng 6.7 độ C giữa rừng sâu suốt 24h như vậy mà không khóc lóc, kêu gào hay hoảng sợ quả là một kỳ tích.

Trước đó vào tháng 6 vừa qua, vụ việc cậu bé Yamato Tanooka 7 tuổi người Nhật Bản sống sót sau 6 ngày bị lạc trong một khu rừng vùng Hokkaido đã làm chấn động cả xã hội Nhật Bản. Yamato bị người bố bỏ lại trong rừng để “phạt” vì cậu bé đã ném đá vào một gia đình khác trong chuyến giã ngoại ngày hôm đó.

Trong thời gian 6 ngày lạc trong rừng, cậu bé Yamato Tanooka chỉ uống nước để sống qua ngày bởi không thể tìm thấy thứ gì ăn được. Cuối cùng, cậu bé được phát hiện trong một doanh trại quân đội trong rừng sâu, cách nơi cậu được xác định mất tích khoảng 5.5km.
 
Sự sống sót kỳ diệu là kết quả của cách dạy con tuyệt vời

Việc cô bé Koyomi Tokunaga, 2 tuổi và cậu bé Yamato Tanooka sống sót quả là điều kỳ diệu. Nhưng điều kỳ diệu này không xảy ra ngẫu nhiên, đó là kết quả của phương pháp giáo dục kỹ năng sinh tồn tuyệt vời cho trẻ em của người Nhật Bản.

Với người Nhật Bản, một đứa trẻ muốn sống sót được trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng cần có khả năng tự lập và khả năng thích ứng với các biến đổi bất lợi của hoàn cảnh sống. Họ nhận thức được rằng việc giáo dục hai kỹ năng này cho trẻ nhỏ là trách nhiệm của gia đình và nhà trường chỉ đóng vai trò hỗ trợ gia đình trong quá trình giáo dục đó. Và quá trình này được bắt đầu ngay từ khi đứa trẻ chào đời.
 
Khả năng tự lập là điều kiện cần

Khả năng tự lập cao là điểm đặc trưng của trẻ em Nhật Bản so với trẻ nhỏ ở các nước khác. Ở Nhật Bản, trẻ nhỏ được gia đình rèn luyện tính tự lập từ những hoạt động sinh hoạt cá nhân đơn giản nhất. Trẻ 1 tuổi rưỡi thường bắt đầu học tự ăn cơm, đi dép, kéo khóa áo hay cất gọn đồ dùng cá nhân; khi được 3 tuổi, trẻ gần như tự lập hoàn toàn trong các việc sinh hoạt cá nhân của bản thân và đến độ tuổi 4-5, trẻ đã có thể tự dọn bàn ghế hay lấy thức ăn. Đến độ tuổi tiểu học, hầu hết trẻ nhỏ Nhật Bản đều được bố mẹ cho phép tự đi học bằng tàu điện ngầm hoặc xe buýt.

Học sinh tiểu học tự đi học một mình là hình ảnh dễ thấy ở Nhật Bản.
 
Tuy nhiên, việc trẻ tự đi học được thực hiện dưới sự giám sát bí mật của bố mẹ trong một vài tuần đầu làm quen. Người Nhật không chỉ muốn dạy con trẻ biết đi đến trường mà phải đi đến trường một cách an toàn.
 
Nhiều trường học ở Nhật Bản cấm việc ô tô đưa đón trẻ đi học, giúp tạo điều kiện cho việc rèn luyện thói quen tự lập ở trẻ. Ở trường, trẻ em Nhật Bản cũng được rèn luyện tính tự lập bằng cách tự làm hầu hết các công việc. Trẻ phải tự thay đồ khá nhiều lần ở trường: tháo giày ra khi mới đến lớp và thay bằng dép đi trong nhà hay thay đồ cho tiết học thể dục. Trong giờ ăn, trẻ phải tự ăn và dọn dẹp phần ăn của bản thân. Sau giờ học, các em phải thu dọn bàn ghế, lau bảng, quét lớp hay thậm chí là dọn nhà vệ sinh.
Học sinh tiểu học Nhật Bản được yêu cầu quét dọn lớp học từ khi còn rất nhỏ.
 
Khả năng tự lập của trẻ em Nhật Bản được hình thành và không ngừng rèn luyện từ nhỏ. Đó là bởi người Nhật Bản luôn khuyến khích con trẻ tự làm mọi việc. Họ cho phép con vận dụng kỹ năng của bản thân để tự giải quyết các công việc. Họ kiên nhẫn chờ đợi kết quả làm việc của con và sẵn sàng giảng giải thích, hướng dẫn những việc con chưa thành công.
 
Khả năng thích ứng với hoàn cảnh là điều kiện đủ
 
Người Nhật Bản dạy trẻ cách ứng phó với các biến đổi của hoàn cảnh bằng cách cho trẻ trải nghiệm môi trường thiên nhiên nhiều nhất có thể.
 
Khác với quan điểm của nhiều mẹ Việt Nam, mẹ Nhật Bản cho trẻ tiếp xúc với môi trường thiên nhiên ngay từ khi đứa trẻ chỉ được vài tháng tuổi. Đứa trẻ 2 tháng tuổi đã được mẹ bế đi dạo để cảm nhận bầu không khí trong lành. Càng lớn, trẻ được tiếp xúc càng nhiều hơn với các yếu tố môi trường. Những đứa trẻ học sinh tiểu học thậm chí còn tập thể dục ngay dưới cái nắng của mùa hè. Theo người Nhật Bản, phương pháp giáo dục này không giúp trẻ gia tăng khả năng chống chịu của cơ thể trước các biến đổi bất lợi của môi trường sống.
Trẻ em Nhật Bản được bố mẹ khuyến khích tiếp xúc nhiều với môi trường thiên nhiên.
 
Người Nhật Bản dạy trẻ sống chung với thiên nhiên bằng các hoạt động rất đơn giản như trồng rau, trồng hoa, nuôi thú hay tham quan động thực vật, câu cá, bắt ve. Các hoạt động này thường là nội dung của các buổi hoạt động ngoại khóa ở trường.

Sống cùng thiên nhiên là một cách người Nhật Bản dạy con trẻ về cách thích ứng với môi trường sống.
 
Đến một độ tuổi nhất định, trẻ nhỏ Nhật Bản được học về các kỹ năng sinh tồn thực sự để giúp các em có kỹ năng tự bảo vệ bản thân trong hoàn cảnh các thảm họa thiên nhiên xảy ra. Trẻ đặc biệt được rèn luyện để ứng phó với thảm họa động đất, sóng thần, cháy nổ.

Ngoài ra, trẻ em Nhật Bản còn có những bài học giáo dục thể chất trong trời lạnh ngay từ khi còn học mầm non. Những em bé 3-4 tuổi ở Nhật khi đi mẫu giáo chỉ mặc quần soóc và áo phông suốt cả năm và bắt buộc phải tham gia các hoạt động ngoài trời trong thời tiết giá lạnh âm 5 độ. Đó là cách để người Nhật dạy trẻ rèn luyện sức chịu đựng. 

Các bài học về cách sống sót khi xảy ra động đất là không thể thiếu ở trường học Nhật Bản.
 
Quan trọng nhất, người Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến việc dạy trẻ cách kiềm chế sợ hãi để bình tĩnh xử lý các tình huống.
Có thể khả năng tự lập và khả năng thích ứng với hoàn cảnh của cô bé Koyomi Tokunaga chưa cao, nhưng chắc chắn chúng đã phần nào giúp cô bé sóng sót trở về sau 24 giờ mất tích trong rừng sâu. 
Theo Trí thức trẻ
Nguồn: Gia đình Việt Nam

TAG