Dòng sự kiện:

Bé bị rết 2cm chui vào lỗ tai, bác sĩ kết luận... viêm tai giữa

18:39 28/08/2015
Bác sĩ soi lỗ tai của cháu bé và kết luận bé bị viêm tai giữa, người mẹ sau khi về dùng cây lấy ráy tai khều ra được... con rết trong tai bé.

 

 

 

Cư dân mạng đang chia sẻ nhiều câu chuyện của chủ tài khoản Facebook mang tên D.D.N. về sự việc xảy ra với con của chị tại khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.

Con rết nhỏ bằng cây tăm, dài chừng 2cm trong tai của bệnh nhi. (Ảnh: Facebook nhân vật).

Cụ thể, chiều 19/8, con gái của chủ tài khoản là bé A. (5 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) bị côn trùng bò vào tai trong lúc ngồi xem tivi, dựa vào tường. “Bé khóc thét, nhảy dựng, tay ôm lỗ tai. Mẹ ơi, con gì bò vào tai con đau quá! Mình lật đật chạy đến xem thì thấy tai bé đỏ lên. Không chần chừ, đưa bé đến bác sĩ nhi gần nhà nhất”, chị viết.

Bác sĩ soi tai em bé nhưng không thấy gì ngoài ráy tay và hướng dẫn nhỏ tai bằng nước muối sinh lý để có thể làm chết côn trùng. Nhưng sau khi nhỏ hết 2 chai nước muối với thao tác đổ vào, nghiêng ra thì bé A. vẫn khóc.

Theo chị D.D.N., bé được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Bác sĩ dùng dụng cụ soi vào tai và nói ngay “không thấy con gì hết” mà bé bị viêm tai giữa cấp, rồi kê đơn. “Mình do dự, băn khoăn và cố nói thêm: không phải đâu bác sĩ ơi. Bé con nhà mình bị đau dữ dội, từng cơn và bé nói con gì bò vào tai. Bác sĩ nói tiếp: viêm tai giữa đau lắm, đau như vậy và kéo dài 2-3 ngày mới hết. Bác sĩ cho toa thuốc về nhà uống, hẹn tái khám”.

Về nhà, bé A. vẫn bị đau và tiếp tục khóc. Người mẹ quyết định dùng cây móc ráy tai thông thường và lôi ra một con rết con còn đủ chân, râu. Bỏ rết vào ly mấy tiếng đồng hồ sau vẫn còn sống.

Trao đổi trên báo Dân trí, bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 khẳng định, trường hợp bệnh nhân trên là bé V.X.A. (5 tuổi, ngụ tại phường 6, quận 10, TP.HCM).

Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1. 

Chiều 19/8, bé đã đến khám tại bệnh viện, khi vào viện, cháu được chuyển chuyên khoa Tai mũi họng, bác sĩ Nguyễn Phan Nguyên là người trực tiếp khám cho bệnh nhi.

Khi bác sĩ Phan Nguyên kết luận bệnh nhi viêm tai giữa cấp, mẹ bệnh nhi nói “cháu bị con gì đó chui vào lỗ tai”. Bác sĩ Nguyên tiếp tục dùng dụng cụ để soi lại nhưng vẫn không phát hiện ra bất kỳ thứ gì nên kê toa thuốc viêm tai giữa cho bé điều trị ngoại trú.

Tuy nhiên, khi về nhà, người mẹ thấy tai con có vật lạ loe ngoe nên dùng cây lấy ráy tai kéo ra con rết còn sống, dài 2cm. Sau cuộc họp, bác sĩ Phan Nguyên đã nhận sai sót và cam kết rút kinh nghiệm.

Bác sĩ Hoàng Sơn phân tích, dụng cụ để kiểm tra tai cho bé được bác sĩ Phan Nguyên sử dụng có đèn, kinh lúp phóng đại và ống soi. Ống tai của bệnh nhi chỉ dài khoảng 2cm, nếu con rết nằm ngang có thể thấy, nhưng con rết nằm dọc và bám sát vào vách ống tai thì có khả năng rết bị ống soi đè lên. Mặt khác, màu sắc của rết trùng với màu của ráy tai, nếu bác sĩ không tinh ý hoặc kiểm tra không kỹ sẽ khó phát hiện được.

Sau khi xảy ra vụ việc, Ban giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 đã nhận trách nhiệm về sai sót trên, đồng thời chỉ đạo Ban chăm sóc khách hàng đến thăm hỏi bệnh nhân.

“Bất kỳ ngành nghề nào cũng có những sai sót nhất định trong công việc. Nhưng với nghề y, nhiệm vụ của bác sĩ liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng người bệnh nên sai sót xảy ra là rất khó chấp nhận", bác sĩ Hoàng Sơn tâm sự.

Cũng theo bác sĩ Sơn: “Là người đã có 7 năm kinh nghiệm nhưng không nhìn ra được con rết trong tai bệnh nhân nên sau vụ việc, bác sĩ Phan Nguyên đang rơi vào trạng thái bấn loạn tâm lý. Chúng tôi mong gia đình bệnh nhi và cộng đồng chia sẻ để bác sĩ Phan Nguyên nói riêng và các y bác sĩ khác nếu chẳng may vấp phải sai sót sẽ có cơ hội sửa chữa để làm kinh nghiệm, phục vụ người bệnh được tốt hơn.”

Khánh Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Video đang được quan tâm:

[mecloud]Vr3DC66anT[/mecloud]