Dòng sự kiện:

Bé có tính ghen tỵ- "Trị" kiểu gì?

21:11 08/07/2015
Trẻ có tính đố kỵ có thể cảm thấy tủi thân, ghen tỵ hoặc bất bình khi nhận thấy bạn bè hơn mình. Do đó, việc giúp trẻ loại bỏ tâm lý đố kỵ, xây dựng phát triển mối quan hệ là việc làm đặc biệt quan trọng mà các bậc cha mẹ cần tiến hành sớm.

 

 

 

Nhận biết tính ghen tỵ của trẻ

So với người lớn, cảm giác ghen tỵ của trẻ con có những biểu hiện rõ ràng hơn. Trẻ có thể cảm thấy tủi thân, đố kỵ hoặc bất bình khi nhận thấy bạn bè có gì đó hơn mình.

Vào lứa tuổi từ 5-6, trẻ đã phân biệt được cái tôi, nhận biết được quyền sở hữu, muốn có được những món đồ, những tài sản cho riêng mình, đây là lúc tính ghen tỵ của trẻ được hình thành. Việc nhận thấy bạn bè hơn mình có thể trở thành động lực để trẻ cố gắng hơn, song cũng có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti, đánh giá thấp bản thân mình và có xu hướng đổ lỗi cho đối phương. Những cảm xúc ganh ghét, cho rằng đối phương là kẻ xấu xa đã cướp mất những điều tốt đẹp, muốn tìm cách hơn thua để thoả mãn cũng là tâm lý chung của nhiều bé có tính ghen tỵ.

Trẻ có tính ghen tỵ thường có cảm giác bực bội, không vui khi nghĩ bạn bè hơn mình. Tính cách này thường được biểu hiện ra bên ngoài bằng việc không bao dung, ích kỷ, thích chiếm hữu mọi thứ….Trẻ hay ích kỷ cũng thường tỏ thái độ không vui trong đời sống hằng ngày, thường xuyên khóc lóc hoặc quấy nhiễu, hung hăng, chống đối, nghịch ngợm hay làm những hành động để người khác tức giận, gây mất đoàn kết.

Nếu thường xuyên ghen ghét bạn bè mà không chịu phấn đấu, trẻ sẽ ngày càng trở nên hẹp hòi, ích kỷ.

Trong nhiều trường hợp, tính ghen tỵ cũng không hoàn toàn là xấu. Ghen tỵ giúp trẻ phấn đấu trong học tập, biết tôn trọng người khác, có ý chí tiến thủ và khuyến khích trẻ sáng tạo. Trẻ sẽ nhận biết được mình thiếu điều gì và phải phấn đấu để sống tốt hơn.

Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt. Nếu thường xuyên ghen ghét bạn bè mà không chịu phấn đấu, trẻ sẽ ngày càng trở nên hẹp hòi, ích kỷ, thậm chí còn coi thường người khác khiến trẻ khó hoà nhập và thích nghi với cuộc sống, gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm lý và nhân cách của trẻ trong tương lai. Do đó, việc giúp trẻ loại bỏ tâm lý đố kỵ, xây dựng phát triển mối quan hệ là việc làm đặc biệt quan trọng mà các bậc cha mẹ cần tiến hành sớm.

Cách giúp trẻ loại bỏ tâm lý ghen tỵ

Để tránh hình thành tính ghen tỵ nơi trẻ, người lớn cần hết sức tế nhị khi nói năng, cư xử, ra quyết định và giải quyết mọi việc thấu tình đạt lý, công bằng. Cha mẹ cần hướng trẻ đến những giá trị tốt đẹp, biết chia sẻ niềm vui chung, biết lựa chọn cách ứng xử phù hợp, giúp trẻ cởi mở tấm lòng thay vì ganh ghét, đố kỵ. Đây chính là những bài dạy cho trẻ tính vị tha, lòng bao dung, độ lượng – là nhân cách tốt đẹp trong mỗi đứa trẻ.

Cha mẹ nên làm gương

Nnhiều trẻ học tính ghen tỵ từ cha mẹ của mình, vì vậy, nếu muốn giáo dục trẻ xóa bỏ được tính xấu này, cha mẹ cần chú ý đến cách ứng xử hằng ngày của mình. Đặc biệt, cha mẹ cần mở rộng lòng khoan dung, thông cảm với người khác.

 An ủi và khích lệ trẻ

Khi ghen tỵ với người khác, trong lòng trẻ sẽ vô cùng khó chịu, vì thế, cha mẹ muốn khắc phục trạng thái tâm lý này ở trẻ thì nên dùng tình cảm để khích lệ trẻ, điều này, chứa đựng được sự tin tưởng và tình yêu thương của cha mẹ đối với trẻ. Trong quá trình giáo dục phẩm chất đạo đức cho trẻ, đặc biệt là khi trẻ phạm lỗi và biết lỗi của mình, cha mẹ nên lấy thái độ khoan dung, độ lượng, để củng cố thêm can đảm sữa chữa sai lầm cho trẻ. Tuyệt đối, không trắng mắng trẻ khi thấy trẻ kém hơn các bạn khác.

 Giúp trẻ tự tin vào bản thân

Là một trong những cách hay để giúp trẻ hạn chế tâm lý ghen tỵ. Trước tiên, cha mẹ nên khẳng định mong muốn ganh đua của trẻ có ý nghĩa tích cực, sau đó cần giúp trẻ nhận ra điểm yếu của bản thân và khuyến khích trẻ khiêm tốn để học hỏi bạn bè. Cha mẹ cần tích cực giúp trẻ dần hoàn thiện và tự tin vào khả năng của mình, đồng thời khắc phục hành vi hạ thấp người khác để đề cao bản thân ở trẻ càng sớm càng tốt.

Dạy trẻ không ghen tỵ

Người lớn cần hết sức tế nhị khi nói năng, cư xử, ra quyết định và giải quyết mọi việc thấu tình đạt lý, công bằng để trẻ làm theo.

Giáo dục trẻ không nên so bì một cách thiếu hiểu biết: cha mẹ cần dạy trẻ luôn bắt đầu từ điều kiện thực tế của bản thân, không nên đem mình ra so bì với người khác một cách thiếu hiểu biết. Cần giáo dục trẻ tính khiêm tốn, hòa thuận, để tính cách của trẻ phát triển theo hướng lành mạnh.

Hướng dẫn trẻ chuyển từ ghen tỵ sang ngưỡng mộ: cha mẹ cần thường xuyên khích lệ trẻ tham gia các hoạt động tập thể, cùng nhau vui đùa, học tập với các bạn cùng tuổi, từ đó, hình thành cho trẻ thái độ cạnh tranh lành mạnh như khâm phục người khác, học hỏi người khác để vượt qua họ; đồng thời nhìn nhận những điểm chưa tốt của người khác để rút kinh nghiệm cho bản thân, tuyệt đối không được vui mừng trước thất bại của người khác. Thông thường, khi gạt bỏ được tính đồ kỵ, trẻ sẽ chuyển sang ngưỡng mộ.

Tiếp cận với những giá trị đẹp ngay từ thời thơ ấu sẽ giúp trẻ có một cuộc sống hạnh phúc và phát triển nhân cách hoàn thiện hơn. 

Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL