Dòng sự kiện:

Bé hay ăn vạ - Mẹ đừng lo

00:04 03/07/2015
Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, ăn vạ là một dấu hiệu phát triển tích cực, bởi nó là nỗ lực để bé thể hiện mình và đó cũng là một kỹ năng giao tiếp xã hội quan trọng. Tuy nhiên nhiều khi ăn vạ cũng xuất phát từ sự nuông chiều của cha mẹ.

 

 

 

Các chuyên gia đồng ý rằng, nguyên nhân "ăn vạ" ở bé là do bé thất vọng. Bé mới biết đi có bộ não phát triển tốt, đủ để biết những gì bé muốn và những gì bé đang cảm thấy. Tuy nhiên bé chưa đủ kỹ năng ngôn ngữ để bộc lộ nỗi thất vọng này.

Bé mới biết đi cũng chưa hiểu lý do sự việc hoặc hậu quả mà bé để lại sau cơn "ăn vạ". Bé có xu hướng hành động mà không suy nghĩ về những gì sẽ xảy tới tiếp theo. Một khi bé giận dữ, bé không biết cách làm thế nào để tự thoát ra. Tức là bé chưa có kỹ năng quản lý tức giận.

Hầu hết các bé đều la hét, lăn bò khóc lóc nhiều lần trong giai đoạn 1-5 tuổi. Cơn "ăn vạ" có thể gây ra hoặc bùng nổ nặng hơn bởi các yếu tố thực tế như mệt mỏi, đói. Đó là lý do vì sao nhiều bé ăn vạ vào cuối ngày hoặc trước giờ ngủ trưa. 


 

Theo chuyên gia tâm lý, "ăn vạ" ở trẻ nhỏ là dấu hiệu phát triển tích cực.

 

Cũng có khi bé hay "ăn vạ" có một lí do rất đơn giản đó là do bé không được cha mẹ đáp ứng các mong muốn, yêu cầu của mình, nên bé thực hiện hành động “ăn vạ” để thu hút sự chú ý của cha mẹ nhằm mục đích cha mẹ chiều theo ý bé.

Nhiều mẹ rất bối rối khi bé bắt đầu có những hành động "ăn vạ" và thường “dập tắt” cơn "ăn vạ" của bé bằng cách chiều theo ý bé cho xong. Tuy nhiên, đây là hành động “chữa cháy” không thích hợp, bởi khi mẹ chiều theo yêu cầu của bé sẽ khiến ăn vạ trở thành thói quen xấu của bé. Vậy giải quyết bài toán này giúp mẹ như thế nào?

Hãy phớt lờ hành động ăn vạ của bé

Mẹ thực hiện hành động phớt lờ khi bé "ăn vạ" có thể sẽ khiến bé thất vọng mà ăn vạ dữ dội hơn để thu hút sự chú ý của mẹ, nhưng nếu mẹ tiếp tục lờ hành động đó đi bé sẽ tự nhận thấy ăn vạ cũng không có tác dụng. Vì vậy, khi bé ăn vạ mẹ nên lờ bé đi, đảm bảo những lần sau bé sẽ không thực hiện những chiêu ăn vạ vô tác dụng đó nữa. (Mẹ nên chú ý một điều rằng tuy phớt lờ là hành động cho bé thấy nhưng mẹ vẫn nên trông chừng bé để nắm bắt được thái độ và biến chuyển trong thái độ, từ đó đưa ra cách xử lí đúng nhất đối với bé)

Bạn phải thực sự bình tĩnh

Mặc dù tất nhiên chuyện này nói dễ hơn làm. Bé đang ở trong trạng thái cảm xúc dễ bị kích thích. Bởi vậy, nếu bạn cũng nóng nảy thì chỉ làm cơn thịnh nộ của cả hai mẹ con bùng cháy. Nếu bạn muốn nhắc nhở, hãy chờ cho tới khi bé bình tĩnh, sau đó bạn nói với bé những chuyện xảy ra, một cách nghiêm khắc nhưng không đổ lỗi.

Hãy tập thói quen liên tục trò chuyện với con và giải thích mọi điều. Nếu trẻ mắc lỗi gì đó và cần bị phạt, bạn có thể làm thế nhưng hãy giải thích cho con biết lý do.

Kết quả là, trẻ sẽ quay lại giao tiếp với bạn khi chúng cảm thấy buồn chán, mệt hay đói mà không cần phải la hét, khóc lóc.

Sau tất cả, điều này có nghĩa là bạn sẽ ngày càng ít phải phạt con và khi bé lớn lên sẽ cởi mở với bố mẹ hơn về mọi thứ trong cuộc sống của chúng. Bạn sẽ đánh giá sự giao tiếp cởi mở này đáng giá nhất khi con cái bước vào tuổi teen.

Hãy dùng hình phạt thật nghiêm khắc

Cho bé thấy hành động đó là sai. Mẹ có thể cho bé thấy hành động ăn vạ của bé là sai nếu bé bắt đầu "ăn vạ" dữ dội hơn. Mẹ có thể áp dụng các hình thức phạt cho bé như úp mặt vào tường hay bảo bé khoanh tay xin lỗi với thái độ dứt khoát.

Mẹ nên thống nhất cách giải quyết vấn đề "ăn vạ" của bé đối với các thành viên trong gia đình để tránh tình trạng mỗi người một ý, như vậy không những không khắc phục được thói quen ăn vạ của bé mà càng làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Nếu bạn phải đối mặt với đứa con thường xuyên "ăn vạ" và cảm thấy mình đã cố gắng mọi cách nhưng không tác dụng, đừng lo lắng và tại sao không thử áp dụng vài ý tưởng trên. Hãy nhớ là, trẻ nổi cơn giận dữ vì nhiều lý do và phổ biến nhất là khi bé buồn chán, đói, mệt.

Mỗi đứa trẻ phản ứng với các tình huống khác nhau, tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy con cố tình không vâng lời, thì có thể bạn đang phải đương đầu với tình huống hoàn toàn khác.

Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL