Dòng sự kiện:

Bé muốn nói gì qua những âm thanh lạ lùng?

17:02 27/06/2015
Các nhà nghiên cứu cho rằng trẻ sơ sinh vẫn hiểu được những gì cha mẹ nói ngay khi chúng còn ở trong bụng mẹ. Tuy nhiên bé không thể giao tiếp ngược trở lại được.

Vậy bạn đã bao giờ băn khoăn tự hỏi rằng những cử chỉ, hành động của bé có ý nghĩa gì, bé muốn nói gì với cha mẹ chưa?

Cha mẹ chỉ cần lắng nghe thôi cũng sẽ hiểu được những “tâm sự” của con đấy.

Tiếng khóc

Khóc là ‘ngôn ngữ’ chính của con trong thời gian đầu đời. Vì thế, cha mẹ hãy học để hiểu những gì con muốn ‘phát biểu’ nhé. Khi mới chào đời, con thường hay khóc khiến cha mẹ cảm thấy phiền toái, thậm chí là stress, kiệt sức vì lo lắng. Nhưng sự thật, tiếng khóc của con có căn nguyên rõ ràng, chỉ cần cha mẹ chịu khó lắng nghe để ‘giải mã’ thì chắc chắn sẽ hiểu con hơn.


Ảnh minh họa.

Khi bé khóc, rất có thể bé muốn nói với cha mẹ rằng: “Cha mẹ ủ con ấm quá”; “Cha mẹ đừng cãi nhau nữa”; “Con mệt quá”; “Con muốn được bế”; “Sao mình đói thế nhỉ?”; “Mẹ ơi, thay tã”; “Chắc con bị ốm, sốt rồi”;…

Kết hợp tiếng khóc với những hành động cơ thể cha mẹ có thể biết được con nói gì. Ví dụ: Con vừa khóc vừa ưỡn bụng lên thì đích thị là con bị đau bụng rồi. Hãy xoa dịu con bằng cách day day bụng. Nếu thấy cưng cứng thì nên xoa dầu và ủ ấm cho con.

Tiếng ré

Những âm thanh cao vút này khiến mẹ phải chú ý bất cứ lúc nào chúng được cất lên. Tiếng ré cho thấy bé đang phấn khích. Mẹ sẽ thấy khi chơi đùa bé thường tạo ra những âm thanh này. Tuy nhiên, nếu bé cứ ré lên liên tục thì bạn cần kiểm tra lại xem có điều gì khiến con không thoải mái. Chẳng hạn, khi bạn cắt móng tay và giữ chặt tay khiến bé không cử động được theo ý muốn, bé cũng sẽ ré lên.

Để đáp lại con, bạn không cần phải ré lên mà có thể nói chuyện với ngữ điệu vui nhộn hay hát 1 vài câu hát lặp đi lặp lại.

Tiếng hậm hự

Thời điểm mà bạn thường nghe thấy âm thanh này nhất là khi bé đang “đi nặng”. Tuy nhiên, nó cũng vang lên vào những thời điểm khác như khi bé đang cố gắng thức dậy, khi bé buồn chán hay thất vọng về điều gì đó.

Khi bé được 1 tuổi, tiếng hậm hự này chính là lúc con đưa ra yêu cầu. Bé có thể chỉ vào một vật và đưa ra những âm thanh hậm hự này để nhờ mẹ lấy giúp. Nếu bạn đáp lại, bé sẽ hiểu được rằng hành động đó cũng tương đương với ngôn ngữ.

Tiếng gầm gừ

Mặc dù âm thanh này không phổ biến lắm, nhưng nó cũng thường được bắt gặp ở những trẻ dưới 6 tháng. Ban đầu, nó chỉ là phản xạ nhưng sau đó bé có thể thích gầm gừ vì cảm giác được những âm thanh này trong cổ họng. Khi bé lớn lên, bé cũng dùng kiểu âm thanh gầm gừ này để “nói” rằng mình không hài lòng điều gì đó. Chẳng hạn, bé muốn ăn liên tục mà bạn lại đút không đủ nhanh.

Cười giòn


Ảnh minh họa.

Từ khoảng 4 tháng, bé đã có thể làm bạn sửng sốt với những tràng cười dài và giòn giã. Ban đầu, đó có thể là cách bé đáp lại những kích thích trực tiếp lên làn da như khi bạn cù nhẹ vào người bé hay thổi vào tai con. Tuy nhiên, khi lớn hơn một chút, những tiếng cười của bé có thể phát ra vì bé cảm thấy một vật gì bên ngoài ngộ nghĩnh, chẳng hạn khi bố làm mặt xấu.

Thở dài

Khi được vài tuần tuổi bé đã biết thở dài, không phải để sầu não về cuộc đời đâu. Thở dài là cách giúp bé thư giãn và giúp mẹ biết được trạng thái của bé. Bạn có thể đáp lại con bằng cách thở dài với cao độ lớn hơn và đợi một chút để bé bắt chước. Đây là một trò chơi tương tác rất vui giữa hai mẹ con đấy.

Chơi cùng con và tìm cách hiểu con là một việc làm thật thú vị và ý nghĩa đối với các ông bố, bà mẹ. Thử cùng giải mã những âm thanh ngộ nghĩnh của con và bạn sẽ mau chóng có được một “từ điển” hoàn hảo giúp luôn hiểu và đáp ứng kịp thời nhu cầu của bé.

VŨ NGA (Tổng hợp)/Theo ĐSPL