Dòng sự kiện:

Bé thân thiết với người bạn tưởng tượng, đừng quá lo!

22:12 05/08/2015
“Con gái tôi thường nói chuyện hay cho những người bạn tưởng tượng ăn, nhiều khi tôi thấy sợ. Liệu đây có phải biểu hiện bình thường không?”
 Đó là nỗi lo lắng chung của nhiều ông bố bà mẹ khi con thường tự tưởng tượng ra những người bạn không có thật và chơi với chúng. Tuy nhiên cha mẹ đừng lo lắng quá về điều này. Sự xuất hiện của những người bạn tưởng tượng chứng tỏ bé nhà bạn rất sáng tạo.  Với những bé đầu lòng có nhiều bạn tưởng tượng, bé sẽ rất sáng dạ và thông minh. Bé sẽ học được cách phân biệt điều tốt và điều xấu.

Một nửa số trẻ lứa tuổi mẫu giáo có một người bạn ảo. Đó có thể là người hoặc thú cưng. Thông qua trí tưởng tượng phong phú của mình, bé có thể gắn cho bạn ảo những đặc điểm về diện mạo hay tính cách riêng. Điều này giúp kích thích sự sáng tạo của trẻ.

Người bạn ảo vừa chơi chung, vừa bảo vệ trẻ, vừa nhận lỗi giúp trẻ. Đây có thể là cách mà trẻ xây dựng để học hỏi và mở rộng thế giới.

Bạn có thể nhận biết niềm vui, nỗi buồn của con khi nghe bé trò chuyện cùng người bạn ảo.  Ví dụ nếu trẻ tưởng tượng ra bạn cùng chơi là một con quái vật dưới gầm giường thì có thể bé đang tin rằng có quái vật thật. Nếu bé gắn cho bạn gấu bông tính cách hay sợ bóng tối, có thể đây là nỗi sợ tiềm ẩn của con.

Cha mẹ hãy yên tâm là khi lớn hơn một chútvà có thể nhận biết được thế giới bên ngoài, nhất là lúc bé đến trường, những người bạn trong trí tưởng tượng này sẽ tự biến mất.

Hãy tôn trọng “người bạn” của con

Không nên sợ hãi, lo lắng hay cáu gắt, phủ nhận khi con đề cập đến những người bạn này như “Thôi con đừng giả vờ”, “làm gì có ai?”. Cũng không nên tỏ ra là bạn không nhìn thấy người bạn này vì điều đó sẽ giữ chân người bạn tưởng tượng này lâu hơn bạn muốn.

Cha mẹ hãy tôn trọng và chấp nhận người bạn tưởng tượng của con. Hãy theo dõi xem tính cách mà bé gán cho người bạn ấy có phù hợp không, đồng thời bạn có thể hướng dẫn bé sáng tạo ra những mẫu có tính cách tốt.

 

Tránh “lợi dụng” người bạn này để lôi kéo làm điều gì đó. Ví dụ nói: “Bimbo đã ăn rau trong phần ăn của bạn ấy rồi, tại sao con lại không ăn? Thay vào đó nên quan sát trẻ để có lời khuyên hợp lý.

Nếu bé mắc lỗi mà liên tục lôi người bạn ảo ra để đổ lỗi, bạn cần kiên nhẫn giải thích rằng điều đó không liên quan đến người bạn và nhanh chóng yêu cầu bé khắc phục hậu quả (nếu đó là điều bé có thể tự làm được).

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin