Dòng sự kiện:

Bé trai 3 tuổi sinh ra không có đôi mắt: 'Cháu muốn được nhìn thấy cha mẹ'

Theo phunusuckhoe.vn
10:05 21/05/2018
Ngày Bảo chào đời, gia đình chưa kịp hạnh phúc thì đã chết lặng khi nhìn thấy con trai mình không có đôi mắt.

Số phận đáng thương

Nghe tiếng nhạc vang lên, bé Nguyễn Hoàng Gia Bảo (3 tuổi, ngụ thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) lọ mọ từ trên giường bước xuống nền nhà, nhảy múa theo điệu nhạc. Vừa nhảy múa, Bảo vừa lớn tiếng gọi ông bà như để tìm kiếm lời cổ vũ, khen ngợi.

Ngay từ lúc sinh ra, Bảo đã gánh chịu bất hạnh vì không có đôi mắt - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiếng nhạc vụt tắt, Bảo ngừng nhảy múa, tự mò mẫm trèo lên lại chiếc giường, ngồi yên một chỗ.

Đã 3 năm kể từ lúc chào đời, Bảo chỉ biết làm bạn với bóng tối cùng chiếc giường nhỏ. Nỗi đau không có đôi mắt, không thấy ánh sáng, dường như Bảo chưa đủ lớn để cảm nhận được. 

Bà Nguyễn Thị Liệng (46 tuổi, bà ngoại bé Bảo) thở dài cho biết Bảo là con đầu lòng của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương (26 tuổi) và anh Nguyễn Tất Tuyến (27 tuổi). Trong thời gian biết mình mang thai, chị Hương đã cố gắng giữ gìn sức khỏe, dưỡng thai rất chu đáo. Đều đặn hàng tháng, chị vẫn được chồng chở đến bệnh viện, phòng khám tư nhân để kiểm tra sức khỏe thai nhi theo định kỳ. Các kết quả thăm khám đều có chung kết luận thai nhi khỏe mạnh, phát triển bình thường. Họ bắt đầu đếm ngược thời gian để nhanh chóng được chào đón con.

Suốt 3 năm qua, cuộc sống của Bảo chìm trong bóng tối - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngày Bảo cất tiếng khóc chào đời, gia đình chưa kịp vỡ òa hạnh phúc thì đã quỵ ngã khi nhìn thấy nét bất thường hiện rõ trên khuôn mặt của con trai. Bảo sinh ra bị dị tật bẩm sinh khi không có đôi mắt. Bác sỹ kết luận đó là chứng bệnh "dính liền mí mắt bẩm sinh", một căn bệnh hiểm nghèo, khó có cơ hội chữa trị.

Không đành nhìn con chấp nhận số phận, suốt nhiều năm qua, vợ chồng chị Hương chỉ biết ôm con đi khắp các bệnh viện tìm kiếm ánh sáng. Thế nhưng, nơi thì lắc đầu, nơi lại nói đến lúc Bảo 5 tuổi mới có thể can thiệp, nhưng tỉ lệ là 50/50, không ngoại trừ những biến chứng nguy hiểm.

Đã 3 năm trôi qua, Bảo cứ vậy lớn lên trong hình hài khiếm khuyết, tập làm quen dần với bóng tối. 3 tuổi nhưng bé không được nô đùa, không được đến trường như đám bạn cùng trang lứa. Bảo chỉ hình dung người thân qua tiếng nói, bước chân.

"Cháu muốn được nhìn thấy mẹ"

Hỏi Bảo thích, muốn gì, cậu bé cười hồn nhiên: "Cháu muốn được nhìn thấy mẹ". Một câu nói bi bô, chưa rõ ràng của đứa trẻ đang trong giai đoạn tập nói nhưng lại làm lòng người thân thắt lại. Đó là một ước muốn giản đơn, nhưng với Bảo quả rất xa vời.

"Với quyết tâm thực hiện ước mơ của con trai, vợ chồng cái Hương đã vay mượn khắp nơi để qua Cộng hòa Síp xuất khẩu lao động. Chúng gửi con cho vợ chồng tôi ở nhà chăm sóc. Trước khi đi, chúng ôm con khóc rất nhiều, hứa hẹn sẽ cố gắng kiếm thật nhiều tiền để tiếp tục đưa con đi chữa trị.

Nhìn vào hoàn cảnh, ai cũng khuyên chúng đi xuất khẩu chứ ở nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thì biết khi nào mới kiếm đủ tiền chữa trị cho con", bà Liệng chia sẻ.

Bảo muốn được nhìn thấy mẹ - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đến nay, Bảo đã xa cha mẹ được 7 tháng. Qua bên đó, chị Hương làm giúp việc gia đình. Anh Tuyến làm việc trong trang trại chăn nuôi lợn. Hai vợ chồng tách biệt hai nơi, chỉ thỉnh thoảng mới được gặp nhau một lần.

"Nghĩ đến tương lai mờ mịt của con mà tôi đau lòng lắm. Vợ chồng tôi đang cố gắng làm việc để kiếm tiền chữa trị cho con. Tôi chưa bao giờ thôi hi vọng về một ngày không xa, con trai sẽ được nhìn thấy cha mẹ", trao đổi qua điện thoại, chị Hương đau đớn.

Được biết, vừa rồi có đoàn y, bác sỹ tại Singapore về tại một bệnh viện ở Hà Nội thăm khám. Dù ở xa nhưng khi nghe tin, vợ chồng bà Liệng đã khăn gói, đưa cháu ngoại đi từ rất sớm. Bác sỹ đã thăm khám và cầm hồ sơ, nói về nghiên cứu rồi sẽ trả lời sau. Dù bác sỹ chưa nói trước điều gì nhưng gia đình vẫn luôn hi vọng.

"Gia đình đang ngày đêm chờ đợi kết quả. Chỉ cần bác sỹ bên đó gọi là vợ chồng tôi sẽ quay về đưa con đi. Bằng giá nào tôi cũng phải chữa trị cho con",chị Hương khóc nghẹn.

Nguồn: Gia đình Việt Nam