Dòng sự kiện:

Bé trai 6 tuổi và cuộc 'vi hành' 2 giờ khiến cả nhà náo loạn vì tưởng bị bắt cóc

00:10 26/08/2016
Sang đường thì giơ tay vẫy rất "chuyên nghiệp", đói thì lân la kể khổ "Nhà cháu nghèo, cháu xin ăn", ai hỏi nhà ở đâu thì bảo "cách đây 10 nhà, mẹ đi trước"... cuộc vi hành hơn 2 giờ đồng hồ với đoạn đường 10km của cậu bé 6 tuổi khiến cả nhà náo loạn.

Phạm Nhật M. - một cậu bé 6 tuổi ở Hà Nội đã khiến cộng đồng mạng hốt hoảng chia sẻ thông tin tưởng em bị bắt cóc. Anh T. - bố của M. - sau khi nhận được điện thoại của nhà trường thông báo M. mất tích sau giờ ra chơi đã cuống cuồng nhờ người thân đăng thông tin lên một trang diễn đàn để tìm con. 

"Bé Phạm Nhật M., 6 tuổi đi lạc sáng nay tại khu vực Kim Giang. Hiện bố mẹ chưa tìm thấy cháu đang đi tìm và rất lo lắng". Dòng tin ngắn ngủi đã được nhiều người chia sẻ mong bé tìm được về với gia đình.

Cháu M. khiến dân mạng một phen hốt hoảng.

Và hơn 2 tiếng sau đó, tin bé M. được tìm thấy giúp cho mọi người thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, khi đọc cuộc "phiêu lưu" của em ai cũng phải bật cười vì độ thông minh, hóm hĩnh. Em đã "lừa" rất nhiều người lớn để không bị phát hiện là mình đi lạc.

Toàn bộ câu chuyện được bạn V.P, người đăng thông tin tìm bé M., kể lại như sau:

Tầm khoảng 9h30, sau khi ra chơi thì cô giáo gọi điện cho gia đình bảo không thấy M. trong lớp, trong trường. Tá hỏa, cả nhà phân công nhau đi tìm 2 giờ đồng hồ cũng không thấy đâu dù xục hết cả ngõ ngách, đường về nhà, đường lên cơ quan bố mẹ. Sốt ruột, bố T. nhờ người đăng lên mạng xã hội và sau đó nhận được tin nhắn đã thấy cháu.

Khoảng hơn 12h, nhà trường nhắn cho gia đình bảo con đang ở Hào Nam. Rất may có một cán bộ công an PCCC gặp và đón về trụ sở. 

Khi về nhà bố hỏi chuyện thì hắn (bé M. - PV) kể rất hồn nhiên cuộc phiêu lưu của hắn.

"Lúc ra chơi sau khi viết xong chữ TH, con nhớ mẹ...". Vì thế, khi hắn đi rất tính toán, nhẹ nhàng lấy mỗi cái mũ, còn cặp thì không mang vì sợ cô và các bạn biết. Ra cổng thì quan sát bác bảo vệ không để ý thì mở cửa ra ngoài.

Hỏi: "Thế con sang đường như thế nào?". Hắn kể: "Con cứ nhìn đèn xanh là con qua, vừa đi con vừa vẫy tay...". (Ngã tư Khuất Duy Tiến thì đủ biết nó rộng mênh mông như thế nào).

Hỏi: "Khi đi con gặp những ai? Có ai hỏi con gì không?". Hắn kể: "Con gặp 1 bác bảo vệ. Con khát quá thế là con vào xin chai nước. Uống xong con ngồi nghỉ 1 tí rồi con đi tiếp".

"Thế con còn gặp ai nữa". Hắn trả lời: "Con gặp một quán (có hình bi-a), con vài xin một xâu thịt nướng. Người ta cho con 1 xâu thịt và một hộp sữa. 

Hỏi tiếp: "Con xin thế nào mà người ta cho?". Hắn trả lời: "Con bảo là nhà con nghèo, không có tiền. Thế là người ta cho con".

"Thế còn ai hỏi con gì nữa không?". Hắn bảo: "Có một số người hỏi nhưng con không nhớ".

Khi đi đến đường Lê Văn Lương thì đồng chí công an PCCC gặp hỏi hắn đi đâu thì hắn còn nói dối: "Nhà cháu ở gần đây, mẹ cháu đi trước, nhà cháu cách đây 10 nhà". 

Chú công an chở đi nhưng biết là không phải nên mới hỏi thêm thông tin, số điện thoại thì hắn không nói. Khi hỏi học trường nào thì hắn mới bảo "Cháu học ở Kim Giang" nên chú công an gọi về trường. Lúc đó cô giáo mới nhận thông tin và gọi về cho gia đình.

M. hồn nhiên ăn bát cơm tại trụ sở công an.

Đến trụ sở nhìn con mừng rơi nước mắt. Hắn thì vẫn hồn nhiên ăn bát cơm các chú công an lấy cho.

Hắn vẫn chỉ nghĩ đơn giản là nhớ đường và chạy tí là đến cơ quan mẹ, ra đường gặp người xấu thì con kêu lên thế là người ta bỏ con ra...Đúng là nhiều cái người lớn phải giật mình".

M. được gia đình đón về.

Qua vụ việc, bạn V.P mới thấy sức mạnh của cộng đồng mạng. Sau khi vừa đăng tin, có nhiều người đã nhắn tin, gọi điện báo nhìn thấy cháu. Có người sau khi đọc tin biết cháu bị lạc còn chạy về khu vực nhìn thấy cháu để tìm kiếm giúp.

Một thành viên mạng chia sẻ: "Mình gặp hắn và dừng lại quan sát một lúc nhưng nhìn không giống đứa trẻ bị lạc. Sang đường giơ 2 tay lên đầu khua khua xin đường. Đi công việc 2 tiếng sau mới về vào mạng thấy tin bị lạc nhìn ảnh đúng hắn".

Theo bạn V.P: "Các bố mẹ cũng có thêm kinh nghiệm, cứ nghĩ con nhớ được số điện thoại bố mẹ rồi là chắc ăn, nhưng tình huống này cu cậu không nghĩ là mình bị lạc, nên khi gặp các chú công an PCCC hỏi thì cu cậu nhất định không nói số điện thoại của bố vì sợ mách bố hay làm gì không tốt. May mà các chú cũng nhanh trí hỏi học trường nào nên gọi điện về cho nhà trường".

Được biết, sáng nay gia đình anh T. đã quay lại phòng Cảnh sát PCCC để cảm ơn những người đã giúp đỡ cháu M.

Theo Khám phá

Nguồn: GĐVN