Dòng sự kiện:

Bé trai chết oan vì nhân viên y tế tư vấn "cẩu thả"

20:23 30/09/2015
Không những bỏ qua các dấu hiệu bệnh nghiêm trọng, nhân viên tư vấn y tế còn đề nghị bố mẹ cậu bé "Tra Google" để biết cách chữa trị cho con.

 


Randle đã thiệt mạng oan ức vì lời khuyên "cẩu thả" của nhân viên trực tổng đài Tư vấn y tế
Bé trai 11 tuần tuổi Sebastian Randle (Vương quốc Anh) đã thiệt mạng vì lời khuyên "cẩu thả" của nhân viên trực tổng đài tư vấn y tế. 
Khi nhận được điện thoại xin trợ giúp của bố bé Randle, cô nhân viên chỉ khuyên giữ ấm cho cậu bé và tiếp tục theo dõi, hoàn toàn bỏ qua tình trạng sốt cao tới 39 độ của Randle, dù người cha đã nhắc đi nhắc lại. 
Sau 11 tiếng, cơ thể của Randle nổi đầy ban đỏ. Cha mẹ của em vội gọi lại cho tổng đài tư vấn nhưng đã quá muộn. Cậu bé tội nghiệp ra đi vào ngày hôm sau. Cha của Randle vô cùng bức xúc khi nhắc đến thái độ thờ ơ của nhân viên tư vấn: "Tôi chỉ nghĩ đó là cảm nhẹ, và khi gọi đến tổng đài thì tôi thấy rằng bé bị sốt cao. Tôi đã cố nhắc lại nhiều lần về tình hình đó nhưng dường như người trực tổng đài không nghe thấy". 
Anh cũng cho biết, sau mất mát đau đớn, hai vợ chồng đã “mất hết niềm tin” vào dịch vụ tư vấn y tế qua tổng đài.
Tại cuộc điều tra được mở ra sau sự việc, nữ nhân viên trực ngày hôm đó đã thừa nhận sự tắc trách của mình và xin lỗi gia đình nạn nhân, nhưng điều đó đã không còn ý nghĩa gì nữa. 
Tuy nhiên, Randle không phải là trường hợp thiệt mạng oan uổng duy nhất. Cậu bé William 1 tuổi cũng qua đời chỉ vì nhân viên tổng đài Tư vấn y tế  quá thờ ơ trước tính mạng của người bệnh. 
Cậu bé William cũng chết oan vì nhân viên trực tổng đài tư vấn không chính xác
William bị nhiễm độc máu và tràn khí trong phổi, nhưng khi mẹ của em, bà Melissa gọi đến tổng đài Tư vấn, nhân viên đã trả lời hờ hững: "Hãy tìm kiếm thêm thông tin qua Google". Lẽ ra, với trường hợp này, nhân viên cần tức tốc gọi xe cấp cứu đưa bé đến bệnh viện. Nhưng, người trực tổng đài thậm chí còn khuyên hãy đặt cậu bé nằm trên nệm để bé hồi phục. Sau vài tiếng đồng hồ, mẹ cậu bé nhận ra con trai mình không còn thở nữa. William đã chết trước khi xe cấp cứu đến. 
Chưa hết sốc sau cái chết của con trai, bà Melissa nói rằng, đường dây hỗ trợ như một "trò hề". Mặc dù khi gọi, bà đã cố nhấn mạnh William đang đau nghiêm trọng nhưng họ lại cho là trường hợp của William không khẩn cấp và không điều xe cấp cứu đến. Người mẹ đáng thương nói thêm: “Khi xử lý cuộc gọi, họ đã không chú ý đến những biểu hiện chi tiết của bệnh nhân”.
Hai sự việc đau lòng trên là hồi chuông cảnh báo cho thấy, tổng đài Tư vấn tế của nước Anh hiện đang ở trong tình trạng khủng hoảng nhân sự trầm trọng, đặc biệt là các nhân sự có trình độ chuyên môn cao. Thực tế, đa số nhân viên tư vấn trong trung tâm chỉ phải trải qua 3 tuần đào tạo là đã "vào việc". Tính bình quân, mỗi nhân viên y tế sẽ tư vấn cho khoảng 2,3 triệu người. Chính vì phải làm việc "quá tải" nên những trường hợp sai sót đáng tiếc như trên mới xảy ra. 
Trong lúc đợi tổng đài Tư vấn y tế nước Anh rút kinh nghiệm và điều chỉnh lại hoạt động, có lẽ, các ông bố bà mẹ nên chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho con cái thay vì hoàn toàn lệ thuộc vào những lời tư vấn chưa biết có chính xác hay không từ "đầu dây bên kia". 
SÔNG THAO (tổng hợp)
Nguồn: Gia đình Việt Nam
Xem thêm:
[mecloud]e8tRBioXKZ[/mecloud]