Dòng sự kiện:

Bí quyết "ẵm" học bổng 7 trường đại học Mỹ của nam sinh 9X

14:00 29/08/2015
Nguyễn Siêu, cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam là một trong số ít học sinh Việt Nam đạt điểm cao trong kỳ thi sát hạch để được nhận vào các trường ĐH Mỹ.
 

Cụ thể, Nguyễn Siêu đạt điểm SAT 1 là 2.220/2.400, SAT 2 là 2.340/2.400, TOEFL 112/120. Năm 2013 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Siêu. Nguyễn Siêu đã nhận được thông báo trúng tuyển từ bảy trường ĐH danh giá của Mỹ. Trong đó mức học bổng cao nhất Siêu giành được là 208.000 USD/bốn năm học, tương đương gần 4,2 tỉ đồng. Hiện tại Siêu đang theo học hai ngành song song là điện ảnh và truyền thông tại Trường Vassar College.

Sau một năm học và sống trên đất Mỹ, nam sinh đã học được rất nhiều điều thú vị. Trong đó, sự khác biệt về văn hóa – giáo dục là điều đầu tiên gây ấn tượng cho chàng cựu học sinh chuyên Ams.

Nguyễn Siêu - cựu học sinh chuyên Ams.

“Giáo dục nước Mỹ và Việt Nam khác nhau rất nhiều. Ở Mỹ, học sinh có cơ hội để chọn những gì mà mình muốn học, ngành nghề mà mình muốn theo đuổi hơn. Nhưng ở Việt Nam, sự cạnh tranh thành tích học tập giữa các bạn học lại cao hơn. Và các du học sinh sẽ thua kém các bạn học trong nước về các kĩ năng xã hội khi cả hai cùng làm việc tại Việt Nam. Nhìn chung, mình thấy rằng giữa giáo dục Mỹ và Việt Nam không có nền giáo dục nào hơn mà chỉ là sự khác biệt mà thôi”.

Siêu chia sẻ cậu nuôi ý định du học từ năm lớp 10. “Vào lớp 10, khi đi học SAT, mình bắt đầu đọc sách truyện tiếng Anh nhiều hơn để quen với văn học Anh. Đến năm học lớp 11 mình thi SAT, tìm hiểu quá trình nộp đơn. Lớp 12 thì thi nốt TOEFL, viết tiểu luận và chọn trường. Mình chọn trường dựa vào ngành học mình yêu thích và danh tiếng của trường là chủ yếu” - Siêu cho biết.

Để đạt được học bổng của 7 trường ĐH Mỹ ngay trong lần đầu tiên nộp hồ sơ, Nguyễn Siêu cho rằng việc là học sinh trường Ams cũng là một lợi thế, bên cạnh đó còn có một bí quyết đặc biệt, đó là:

“Bạn phải thể hiện trong hồ sơ xin học của bạn lĩnh vực mà bạn thật sự yêu thích và có khả năng. Mình gọi đó là “nhọn”, để phân biệt với “tròn”. Ví dụ như mình chọn ngành truyền thông nên trong hồ sơ, từ bài luận cho tới các tài liệu đính kèm đều thể hiện sở thích và các hoạt động truyền thông, báo chí mà mình đã tham gia. Mình cho rằng đó là lí do mình được chọn”.

Siêu cho biết kết quả học tập ở lớp không phải là yếu tố duy nhất mà còn xét đến nhiều yếu tố khác như điểm TOEFL, điểm GPA, điểm SAT, hoạt động ngoại khóa...

“Hoạt động ngoại khóa là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hồ sơ của bạn có được chấp nhận hay không. Trong hồ sơ sẽ có phần miêu tả về mục này, nên miêu tả đã làm gì và có một bài luận ngắn. Các bạn nên chọn một hoạt động tâm đắc nhất rồi viết về nó, về những gì học được từ hoạt động đó. Cá nhân mình nghĩ nên chọn hoạt động liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành mà bạn nộp hồ sơ theo học. Như muốn theo học điện ảnh và truyền thông, nên trong bài luận mình viết về kinh nghiệm viết báo của mình tại Việt Nam. Trong hồ sơ hoạt động ngoại khóa thì ưu tiên trình bày những hoạt động truyền thông như quản trị website, làm kênh phát thanh, làm MC cho các chương trình...” - Siêu chia sẻ.

Nguyễn Siêu cũng tiết lộ rằng, bạn đi du học để thực hiện ước mơ còn dang dở của mẹ (trước đây mẹ Siêu từng có cơ hội đi du học Nga nhưng đã nhường cho người khác để đi vào đợt sau, nhưng cơ hội không đến lần thứ hai nên bà đã rất tiếc nuối).

Chàng du học sinh Mỹ tin rằng đam mê là lẽ sống. “Mình là người theo chủ nghĩa YOLO (you only live once). Mình muốn làm những gì mình thích, dù biết lĩnh vực truyền thông và làm phim mà mình đang theo đuổi không phải là lĩnh vực “hái ra tiền” nhưng cho dù có thế nào, mình cũng không từ bỏ đam mê vì đồng tiền. Hơn nữa, mình tin rằng nếu kiên trì và hết mình theo đuổi đam mê thì sẽ thành công”.

Anh Tuấn (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm video:

[mecloud]Wu0pt8m27Q[/mecloud]