Dòng sự kiện:

Bí quyết cha mẹ Mỹ trị thói xấu "được voi đòi tiên" của con

15:38 14/08/2015
Theo các chuyên gia tâm lý, "đòi hỏi" là một vấn đề phổ biến ở trẻ. Vì chúng là trẻ con nên ở một góc độ nào đó điều này là chấp nhận được.

Nhưng nếu trẻ đòi hỏi thái quá mà cha mẹ vẫn đáp ứng thì trẻ sẽ bỏ lỡ nhiều như không biết được niềm vui của thành quả, cảm giác lâng lâng khi quên mình vì người khác hoặc sự kiên nhẫn cần có để vượt qua các thử thách.

Một cách vô tình, chúng tự làm hại các quan hệ và sự nghiệp của mình khi đưa ra những đòi hỏi vô lý. Hậu quả là khi trưởng thành, chúng sẽ ít có cơ hội thành công và được tôn trọng bằng những bạn bè "biết điều" hơn.

Dưới đây là những tuyệt chiêu mà phụ huynh Mỹ dùng để "trị" con "được voi đòi tiên":

Triệu chứng 1: Trẻ không thể chấp nhận câu trả lời "Không" từ bố mẹ

Khi bố mẹ nói "Không" trước đòi hỏi của trẻ, trẻ sẽ thất vọng và có phản ứng như cả thế giới đang chống lại nó. Đây là dấu hiệu cho thấy con bạn cần bị từ chối nhiều hơn.

Cha mẹ hãy nói "Có" bất cứ khi nào bạn có thể, nhưng khi không thể thì hãy tỏ thái độ kiên quyết. Hãy hé lộ trước với trẻ "Nếu như mẹ nghe thấy con la hét, phàn nàn, mẹ sẽ chỉ phớt lờ thôi. Nhưng mẹ sẽ rất vui lòng nói chuyện với con khi con nói chuyện với mẹ với sự tôn trọng". Khi ấy, trẻ sẽ không quá bất ngờ khi bạn rời phòng và tảng lờ trước phản ứng ầm ĩ của chúng bên trong.

Triệu chứng 2: Trẻ luôn cần cứu trợ trước mọi lỗi lầm lớn hay nhỏ

Nếu con gái 3 tuổi quên balo ở trường mẫu giáo, bạn sẵn sàng lấy hộ con. Nhưng một cô học sinh 12 tuổi quên cặp thì sao? Không đời nào. Tương tự, việc giúp trẻ buộc dây giầy hoặc làm hộ bài tập về nhà là không thể chấp nhận được.

Việc trẻ thường xuyên quên đồ/việc và luôn cần được giúp đỡ là một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng của bệnh "hay đòi hỏi".

Nếu như bạn bắt đầu cảm thấy bực mình hoặc bức xúc, đã đến lúc phải để chúng tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình. Hãy nói thẳng với trẻ, "Con đang lớn lên và có thể tự đảm đương nhiều trách nhiệm. Từ giờ trở đi, bố mẹ sẽ để con tự chịu trách nhiệm về những việc con tự làm được. Bắt đầu từ năm học này, mẹ sẽ không giải cứu con mỗi khi con quên bài tập về nhà hay đồ dùng đến trường. Mẹ hoàn toàn tự tin rằng con có thể tự lo những việc đó được". Sau đó, hãy giúp trẻ hình dung ra cách tự đảm đương các công việc đó ra sao, chẳng hạn như lập một danh sách những thứ cần làm/kiểm tra trước khi đi ngủ.

Triệu chứng 3: Khi bạn yêu cầu trẻ xếp bát từ máy rửa bát/chậu rửa lên kệ, trẻ giẫy nảy lên như thể bị yêu cầu bước trên than hồng vậy.

Hãy đưa ra cho trẻ những lựa chọn: Mẹ cần con hỗ trợ: hoặc là cắt nhỏ rau củ quả cho bữa tối hoặc là xếp bát từ chậu rửa/máy rửa bát lên kệ. Con thích việc nào hơn?". Hoặc đưa ra điều kiện: "Khi cất xong hết bát đĩa, con có thể ăn quà nhẹ sau giờ tan học, nhưng phải hoàn tất công việc xong trước 4h15".

Và để đảm bảo rằng không ai được miễn phí thứ gì, hãy phân công trách nhiệm một cách đều đặn. Giao cho trẻ những nhiệm vụ hàng ngày hoặc hàng tuần mà chúng làm được, rồi đổi vai cho nhau để ai cũng có cơ hội cọ toilet hoặc rửa bát.

Triệu chứng 4: Không bao giờ thỏa mãn

Những đứa trẻ được nuông chiều quá mức không bao giờ thỏa mãn và cảm thấy đủ, và hậu quả là chúng sẽ phải đối mặt với những khó khăn tài chính sau này ra đời.

Bạn hãy cấp cho con một khoản tiêu vặt nhất định, phù hợp với lứa tuổi mỗi tuần. Số tiền bạn đưa chỉ vừa đủ để mua những gì cơ bản nhất, còn không thể cho phép chúng xông xênh được. Quan trọng nhất, tránh đưa thêm tiền khi tài khoản của chúng sắp cạn.

Triệu chứng 5: "Cảm ơn" không có trong vốn từ của chúng.

Hãy giúp trẻ tập luyện lòng biết ơn bằng tấm gương là chính bạn. Hãy hào phóng với những lời cảm ơn của mình, dù đó là người thân, giáo viên hay người bán hàng, nhất là khi con trẻ đang đứng gần đó. Hãy gửi những thông điệp đích đáng bằng cách khen, đánh giá cao ai đó vì một việc mà họ đã làm. Theo thời gian, trẻ sẽ bắt chước bạn và có một thái độ "biết ơn" cuộc sống như vậy.

Theo Washington Post

Nguồn: Người đưa tin