Dòng sự kiện:

Bí quyết để trẻ 'học cái gì cũng được hết'

Phu Nu Online
14:00 09/03/2017
Báo chí từng đăng về thầy giáo Trần Phương ở Q.4, TP.HCM, người đã dạy “cho vui” năm em học trò nghèo lớp 6 làm được toán đại học. Ðược hỏi bí quyết, thầy chân thành: “Khi dạy trẻ mà làm cho chúng vui thì cái gì trẻ cũng học được hết”.

Học là bản năng sinh tồn

Phụ huynh nào cũng muốn con mình giỏi giang, kỹ năng phong phú để có thể tồn tại vững vàng trong cuộc sống. Nghĩ thế, nên khá nhiều phụ huynh đã lên kín lịch cho con với những môn học đủ loại, bên cạnh lịch học ở trường. Kể cả dịp hè, lịch của bé vẫn kín. Việc lên kín lịch như thế có bị xem là ép học không? Có lợi cho bé hay không? Có hại gì không?

“Kín lịch” hoàn toàn không có nghĩa là bị ép học. Ép học có nghĩa là bé học trong trạng thái bị bắt buộc, không tự nguyện. Học với áp lực tinh thần nặng nề như thế thì dù chỉ học năm phút cũng rất tai hại.

Học là một trong những bản năng để mọi loài sinh vật tồn tại và phát triển, con người cũng không ngoại lệ. Bé học nhiều thì não vận động nhiều. Não càng vận động nhiều thì khả năng tư duy của bé càng tăng cao, bé càng thông minh năng động. Một đứa trẻ đang chơi nghĩa là chúng đang học một điều gì đó, chơi say mê là chúng đang học rất say mê! Trên đời này không có đứa trẻ nào chỉ đơn thuần chơi mà không học. Câu trả lời rõ như ban ngày: phương pháp và môi trường dạy học. Mà trong đó, phương pháp vui học - nói rộng ra là vui luyện - chính là chìa khóa vàng, là xu thế giáo dục chung ở những nước phát triển.

Trẻ chỉ không học khi bị ép học

Hãy thử nhớ lại, khi bé đang chăm chú chơi một trò chơi nào đó và mời bạn chơi cùng, nếu bạn chơi ngây thơ như những bạn bè trang lứa thì bé rất khoái, tranh cãi hỏi han đủ điều. Nhưng nếu bạn bước tới và nói “con phải chơi thế này, chơi thế kia” là lập tức bé “chây” ra ngay, vì đó là bị bắt học, chứ không phải học trong vui vẻ, tự nguyện. Bị ép học thì... ghê lắm, mất hết thú vị.

Trẻ nhỏ luôn muốn được học trong vui vẻ, tôn trọng, yêu thương, yên bình. Vì chỉ trong môi trường ấy, tiềm năng mới khơi nguồn một cách thuận lợi nhất. Khi trẻ từ chối học, điều đó đồng nghĩa với việc môi trường học căng thẳng, bất an, bất bình đẳng, bạo lực (bạo lực về thể chất hay tinh thần cũng nguy hiểm). Ở các độ tuổi khác nhau, khi cách dạy học phản tâm sinh lý, sẽ xuất hiện những “hội chứng” khác nhau. Ví dụ: Trẻ cấp I có hội chứng đau bụng sáng thứ Hai; trẻ cấp II có hiện tượng hay bị nhức đầu, mệt mỏi không rõ lý do, trầm cảm hoặc tự tử tập thể; học sinh cấp III có hành vi chống đối, hành hung giáo viên, bỏ học...

Phủ kín lịch học cho con là rất tốt, vì như vậy có nghĩa là não của bé được vận động suốt ngày, khả năng làm việc của não sẽ tăng lên theo khối lượng công việc. Nhưng lịch học ra sao? Dạy những gì? Và quan trọng nhất là dạy thế nào mới là điều phụ huynh phải hết sức thận trọng. Não bộ là cơ quan đặc biệt có tính chất rất diệu kỳ: bỏ dữ liệu vào càng nhiều thì sức chứa càng tăng, không bao giờ bị chật. Thế nhưng, bộ não cũng vô cùng mong manh! Nếu bạn bỏ thông tin vào não không đúng cách thì dù chỉ bỏ một chút thôi, não cũng... “banh ta-lông” liền, người ta hay gọi là “điên chữ”.

Nói dễ hiểu: không cho bé vận động não suốt ngày thì não sẽ có những lúc ỳ ra, bé sẽ không phát huy hết tiềm năng não bộ, trở nên kém năng động, quy trình lão hóa cơ thể sẽ đến sớm ở tuổi chớm trung niên. Nhưng nếu cách dạy không phù hợp thì bộ não của bé sẽ bị “bức tử”.

Và khi đã học rồi, thì thực hành cũng là một yếu tố không thể thiếu. Nếu không được thực hành, bé sẽ không hiểu mình học để làm gì. Học trong trạng thái thiếu mục đích rõ ràng như thế, bé khó lòng mà học tốt, giống như một cái xe thiếu động cơ vậy. Lúc đó, cha mẹ có “đẩy tay” vã mồ hôi hột, bé cũng sẽ không nhúc nhích được là bao!

Tóm lại, muốn bé năng động thông minh thì hãy tạo điều kiện cho bé học suốt ngày, nhưng phải được học trong một không khí tôn trọng, vui vẻ, phấn khích. Sau đó là tạo cơ hội cho bé sử dụng kiến thức đã học. Ðược như thế thì “kín lịch học” sẽ trở thành một đặc quyền ưu đãi của bé.

Nguồn: Gia đình Việt Nam