Dòng sự kiện:

Biết điểm chuẩn vào lớp 10 Hà Nội, phụ huynh bật khóc

Theo Vietnamnet
21:42 30/06/2018
Sau chuỗi ngày căng thẳng và áp lực kéo dài cho kỳ thi lớp 10, khi biết điểm chuẩn, nhiều phụ huynh đã không cầm được những giọt nước mắt. Có những giọt nước mắt hạnh phúc và cả những giọt nước mắt tiếc nuối, thậm chí ân hận với chính con mình.

Biết tin điểm chuẩn vào lớp 10 Trường THPT Yên Hòa năm nay là 50, chị Phạm Thị Tuyết (quận Cầu Giấy) có con thi được 50,5 cười sung sướng: “Tôi như nhấc được một tảng đá ở trong lòng ra. Thật sự sung sướng vô cùng vì con vào được một môi trường giáo dục tốt mà lại đảm bảo được tiêu chí gần nhà. Con có đỗ mà vào trường xa nhà cũng rất khổ”.

Chị Tuyết cảm xúc như vậy bởi như chị kể suốt cả tháng nay, cả gia đình như cùng "nín thở" để chờ đợi và theo dõi thông tin về điểm số. "Trong các cuộc nói chuyện hay chát chít với bạn bè chủ đề duy nhất được chúng tôi nhắc đến là chuyện con đỗ hay trượt và nghe ngóng khắp nơi khoảng bao nhiêu điểm thì đỗ nguyện vọng 1”.

Chị Tuyết tâm sự mình đã rất xúc động vì kết quả mà con mình đạt được. Chị kể, sau khi biết điểm chuẩn, nỗi niềm các phụ huynh cũng chia làm nhiều thái cực.

Nhiều gia đình vì e sợ con sẽ trượt trong một năm mà lứa học sinh tuổi Dê vàng rất đông, mà rồi chỉ đăng ký những trường dưới sức. “Vì thế mà sau khi biết điểm chuẩn, nhiều mẹ nức nở vì thương con do mình đã chọn những trường top 2 và xa nhà. Trong khi điểm số của con đúng ra phải vào được trường top 1”, Chị Tuyết tâm sự.

Một phụ huynh quạt cho con tranh thủ nghỉ ngơi trong lúc đợi vào thi vào lớp 10 tại điểm thi Trường THPT Hoài Đức B. Ảnh: Thanh Hùng

Chị kể, rất nhiều phụ huynh đã vì “an toàn quá” mà không dám đăng ký cho con vào trường gần nhà mà phải chọn trường điểm thấp và xa hơn. Nhưng giờ đây buồn thiu vì điểm thi của con lại hoàn toàn có thể trúng tuyển.

“Riêng khu nhà tôi chỉ 21 hộ, có 3 cháu sức học xêm xêm nhau. 2 cháu kia không dám đăng ký Trường THPT Yên Hòa mà đăng ký THPT Nhân Chính cách xa nhà. Giờ thi lại được tới 52 điểm đương nhiên đỗ THPT Nhân Chính, nhưng lại thừa quá nhiều điểm. Vì thế 2 mẹ chia sẻ và đã khóc khi kể với tôi vì cảm thấy có tội lỗi với chính con mình. Dù đỗ nhưng vẫn buồn bởi suy nghĩ đã sai lầm trong chọn trường. Mỗi sáng con các chị sẽ phải vượt quãng đường xa hơn và đông đúc để đến trường. Có những mẹ khác còn nghĩ đến cả chuyện tìm cách chạy trường”, chị Tuyết kể.

Theo chị Tuyết, con chị đã may mắn hơn khi điểm thấp hơn nhưng được học trường ưng ý hơn và gần nhà hơn.   

“Tuy nhiên để chuẩn bị cho con thi được vào lớp 10 và luyện thi chuyên, con học thêm ngoài nhiều lắm. Biết kỳ thi khó khăn nên ngay từ lớp 9 chúng tôi đã cho con đi học thêm rất nhiều. Con phải học mỗi môn 2 lớp, 2 thầy và gần như ngày nào cũng học cả ngày ở lớp rồi nhưng buổi tối vẫn phải đi học thêm. Rất nhiều gia đình khác cũng như thế chứ không phải mỗi nhà tôi”.

Chị Tuyết nhẩm tính, để có được kết quả ngày hôm nay, mỗi tháng anh chị mất từ 8 đến 10 triệu đồng chỉ riêng đóng tiền học thêm cho con. “2 tháng cuối tăng cường thêm số buổi nên lên đến 10 triệu đồng, mỗi buổi từ 200-300 nghìn đồng. Tôi nghĩ nếu không học ngoài khó lòng mà yên tâm, mà thực sự nhìn nhà nhà cho con đi học thêm mình không cho cũng bất an và đành phải đua theo mọi người”, chị Tuyết tâm sự.

Chị Phan Thị Hải Vân (quận Hà Đông) cho biết, sau khi biết điểm chuẩn, thực sự các thành viên gia đình chị như được thở phào nhẹ nhõm. Bởi cái căng thẳng của kỳ thi kéo dài trong suốt nhiều tháng liền đã được trút bỏ. Trước đó anh chị cũng phải cân nhắc rất nhiều trước khi đặt bút điền tên trường cho 2 nguyện vọng của con.

Chị Vân cho hay khi chưa biết điểm thi rồi điểm chuẩn, cả nhà rất lo bởi tỷ lệ chọi năm nay căng thẳng hơn nhiều so năm ngoái.

Con chị đăng ký vào Trường THPT Lê Quý Đôn là trường tốp đầu của quận Hà Đông và năm ngoái điểm chuẩn là 51,5 điểm. Sự lo lắng vì thế càng đẩy lên cao khi năm nay con chị thi được 50,5 điểm.

“Hồi hộp và căng thẳng từ lúc biết thông tin ngày 29/6 sẽ công bố điểm chuẩn chứ không phải chỉ đến khi công bố. Lúc biết điểm thi xong đến lúc công bố điểm chuẩn có lẽ là quãng thời gian thấp thỏm hồi hộp nhất. Vợ chồng tôi như vỡ òa khi điểm thi của con bằng đúng điểm chuẩn mà trường công bố. Các bạn của tôi là phụ huynh cũng tâm sự là như “rơi tim” đoạn soi điểm chuẩn.”.

Chia sẻ trải qua một kỳ thi thực sự căng thẳng và đầy áp lực, nhưng chị Vân cho rằng dù sao vẫn phải tổ chức thi bởi chị không tin vào tính minh bạch. 

“Cũng nghĩ muốn giảm áp lực cho các cháu nhưng với thực trạng hiện nay thì tôi cho không thi cũng không ổn bởi không đảm bảo tính minh bạch, không ai đảm bảo không có sự chạy điểm, đánh giá không đúng thực lực học sinh…”, chị Vân nói.

Niềm vui hay nỗi buồn rồi cũng qua đi nhưng sau tất cả, những vất vả, mệt mỏi trong quá trình đồng hành cùng con thi vào lớp 10 sẽ là điều nhớ mãi và họ hy vọng phụ huynh những khóa sau không phải nếm trải. Một trong số đó là những giây phút “cân não” đợi điểm chuẩn từ Sở GD-ĐT Hà Nội. 

Bởi trước khi điểm chuẩn vào các trường công lập được công bố, thực tế là nhiều trường ngoài công lập đã yêu cầu thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học. Nhiều phụ huynh chia sẻ họ khổ sở khi phải canh trực và “cân não” trong việc đưa ra quyết định. Nếu chờ điểm chuẩn thì trong trường hợp trượt công lập thì dân lập cũng mất luôn cơ hội. Ngược lại, xác nhận nhập học khối ngoài công lập thì phải chấp nhận mất đi số tiền hàng triệu đồng nếu con đỗ được trường công lập. Bởi xác nhận nhập học đồng nghĩa với cam kết đóng các khoản tiền hỗ trợ cơ sở vật chất, học phí,… cho năm học tới.

Nguồn; Gia đình Việt Nam