Dòng sự kiện:

Bố mẹ làm thế nào để giúp con phát triển tính độc lập?

21:22 25/02/2016
Chị Bùi Mai Ngọc - chuyên gia giáo dục sớm chia sẻ vài ý kiến về cách dạy con tự lập mà chắc chắn khi các bố mẹ áp dụng sẽ có hiệu quả tốt.

 

Tin liên quan

  • Clip bé 3 tuổi đỡ đẻ cho cừu và cách dạy con đáng suy nghĩ của mẹ Anh
  • Bố mẹ dạy con sạch nhà, bẩn ngõ
  • “Quái chiêu” dạy con đáng nể của các "ông trùm" thế giới
  • 9 quy tắc ứng xử nếu không dạy con sẽ rất thiệt thòi
Các ngộ nhận

Đối với tôi thì tôi không nghĩ là chúng ta dạy con độc lập. Như việc các bạn không thể dạy trẻ tập bò tập đi vậy. Điều gì bên trong đứa trẻ đã thôi thúc để con làm được như vậy. Tôi nghĩ rằng phẩm chất độc lập vốn xuất phát từ bên trong đứa trẻ, con người sinh ra với khuynh hướng tiến tới sự độc lập. Cha mẹ chỉ là người hướng dẫn, khích lệ, tạo điều kiện, làm gương cho con mà thôi. Hãy tin rằng trẻ vốn mang trong mình nhu cầu về độc lập, nếu trẻ ỷ lại thì hãy tự hỏi ta đã làm sai điều gì để chôn vùi đức tính tốt đẹp này của con.

Có những người nghĩ là đợi con lớn hơn rồi hướng dẫn sau cũng được, bé tí thì biết gì, cứ để con phát triển tự nhiên đã. Họ không biết rằng theo qui luật phát triển tự nhiên, sự thật là 0-6 tuổi là thời gian vàng để con rèn luyện tính độc lập của mình. Khi ta bế mà trẻ không chịu yên, cứ muốn bò ra, hay trẻ cầm thứ gì thì người khác khó lòng mà lấy ra được khỏi tay trẻ, người lớn định giúp gì thì bé đẩy tay họ ra… đó là biểu hiện của ý muốn độc lập của trẻ.

Một số người lại có ngộ nhận là tách con ngủ riêng từ khi sơ sinh, cai sữa sớm, tránh ôm ấp bế bồng để con không bị bện hơi bố mẹ, bỏ mặc con khi con khóc, con ngã. Phạt đánh đòn, nhốt con vào phòng khi con phạm lỗi để con phát triển tính độc lập. Những điều này cực kỳ sai lầm, không hề tốt cho trí tuệ cảm xúc của con. Nếu con không cảm thấy an toàn, con sẽ càng bám lấy bố mẹ.

Vậy thì bố mẹ làm thế nào để giúp con phát triển tính độc lập đây?

Đầu tiên là trẻ rèn luyện độc lập thông qua các bài học về kỹ năng sống, các công việc lao động.

Trẻ sinh ra vốn dĩ đã mang trong mình tình yêu lao động và sự ham học hỏi, muốn tự làm mọi việc. Sai lầm của người lớn là đánh giá thấp khả năng của con, nghĩ là con không biết gì, không thể làm được. Chúng ta vô tình đã ngăn cản con làm việc, vì sợ con vất vả, lề mề mất thời gian, ngại con bẩn, con ốm, sợ con bầy bừa mắc công thu dọn lại. Trẻ mon men sờ vào cái chổi quét qua quét lại một tí, bạn đã quát con đừng nghịch nữa, con làm rác tung ra khắp nhà rồi kìa. Con vừa định mặc cái áo đi đôi giày mẹ đã thoăn thoắt làm thay con rồi. Từ việc ăn uống, chăm sóc cá nhân của con cho đến những việc chăm sóc gia đình bố mẹ đều làm thay. Những lời nói hành động tiêu cực, sự chiều chuộng quá mức khiến con bị tổn thương lòng tự trọng, càng ngày càng khiến con giảm đi tình yêu lao động, trở nên ỷ lại vào bố mẹ. Bạn vẫn giữ những thói quen đó mà mong con độc lập là điều cực kỳ vô lý.

Tin tưởng con

Muốn con độc lập, chúng ta cần phải có niềm tin mãnh liệt vào con. Dạy con những kĩ năng sống khi còn nhỏ khi con đang hứng thú nhiều. Chúng ta sẽ lên các kế hoạch hướng dẫn con về kỹ năng sống, ghi lại những việc con có thể làm được. Công việc cần phù hợp với lứa tuổi và khả năng của con, khiến con dễ thành công chứ không phải là đánh đố con.

Chúng ta chuẩn bị môi trường thân thiện không gây trở ngại với con, với những đồ dùng dụng cụ vừa tay con cầm, an toàn để con dễ sử dụng. Ví dụ như hướng dẫn con thái carot thì cần chuẩn bị cho con một con dao an toàn ( bạn có thể lấy một con dao nhỏ rồi mài mòn đi). Bàn ghế cho con ngồi làm việc hay giá kệ để đồ chơi cần phải có kích thước vừa tầm của trẻ.

Chúng ta phải nghĩ cách để con có thể tham gia vào các công việc. Chúng ta cho con quan sát chúng ta làm việc, bài học càng thu hút hấp dẫn càng tốt. Khi con quan sát thì chúng ta cần làm chậm rãi từng bước một để đảm bảo con có thể theo dõi và làm theo.

Chúng ta không chỉ dạy trẻ kĩ năng quan trọng của cuộc sống mà còn bày tỏ trẻ nhận được sự tôn trọng rất lớn của ta và trẻ cảm thấy mình quan trọng. Trẻ được giao nhiệm vụ thì sẽ cảm thấy mình phải có trách nhiệm, khi trẻ hoàn thành công việc đó sẽ có cảm giác tự hào về bản than.

Người lớn tìm ra cách đi tới đích nhanh nhất nhưng trẻ làm hoạt động nào đó thì mục đích của trẻ là làm cho thành thục hành động đó. Để trẻ làm thành thục thì trẻ phải làm đi làm lại. Người lớn chúng ta quét nhà để sạch nhưng trẻ con thì quét nhà để hoàn thiện kỹ năng nên chưa chắc đã sạch được như chúng ta, nên người lớn cần nhẫn nại chờ đợi, thấy con chưa làm tốt bạn hãy động viên bố mẹ tin con sẽ làm tốt hơn vào lần sau.

Hãy ghi nhận con khi con hoàn thành công việc!

Không giúp đỡ những điều con có thể làm được. Những việc con còn thấy khó khăn như con chưa mặc được áo thì giúp con một chút một rồi dừng lại chờ con làm tiếp, giúp con tiếp một chút nữa khi con nhờ, chọn cho con áo dễ mặc chẳng hạn!

Bên cạnh đó, chúng ta thường xuyên con được lựa chọn để con học cách ra quyết định, trở thành một người chủ động trong tương lai. Ví dụ như: Con có thể quyết định thời điểm ra ngủ riêng, việc của chúng ta là chuẩn bị căn phòng thân thiệt hấp dẫn đối với con, mỗi hôm chúng ta lại dắt con vào phòng chơi cho con thấy quen thuộc. Không đột ngột bắt con phải ra riêng, con sẽ thấy mình không được tôn trọng.

Để con trải nghiệm

Điều quan trọng không kém, bạn cần phải để cho con mắc lỗi, phạm sai lầm. Khi con làm hỏng đồ đạc đừng trách mắng con. Bạn cũng cần cho con chịu trách nhiệm về những việc con làm trong phạm vi an toàn. Nếu con không muốn ăn thì không ép, để con trải nghiệm cơn đói.

Tôi có câu chuyện thế này: một hôm con trai đi học về với mùi thối. Cô giáo thông báo với gia đình là hôm nay cô để cho con tự chùi khi con poo poo, con chưa lau sạch nên phải chịu hậu quả là người có mùi, dặn gia đình cần quan rèn luyện con thêm. Hôm sau cô còn mời tôi lên để hướng dẫn kỹ về điều này. Sau đó, dưới sự hợp tác của gia đình và nhà trường, con đã có thể đi vệ sinh mà không cần trợ giúp. Nếu xót con bị thối, sợ con bẩn thì chắc còn lâu nữa mới được kết quả thế này.

Làm gương cho con

Và đặc biệt là bố mẹ muốn con độc lập thì hãy làm gương cho con. Con sẽ học được nhiều thông qua quan sát bố mẹ. Người bố mẹ lười biếng ỷ lại, không chịu trách nhiệm cho cuộc đời này cũng vô tình dạy con những điều như vậy. Thay vì bảo con phải thế này thế nọ, chúng ta dạy con bằng chính hành động thực tế. Trẻ học chính xác những gì chúng ta làm chứ không phải theo những lời răn dạy giáo huấn của chúng ta.

Bùi Mai Ngọc

Nguồn: Gia đình Việt Nam