Dòng sự kiện:

Bố mẹ Việt đang dạy con thói xấu “dìm hàng” người khác?

20:57 01/03/2016
Có mấy ai nghĩ rằng, chính các cha mẹ cũng đang là những người dạy con dìm hàng người khác, dạy con không trợ giúp bạn bè khi thất bại?

Tin liên quan

  • Dạy con các trò chơi tuyệt vời thời thơ ấu, tại sao không?
  • Những truyện đồng thoại hay mẹ dễ dàng dạy con cách tự bảo vệ bản thân
  • Clip bé 3 tuổi đỡ đẻ cho cừu và cách dạy con đáng suy nghĩ của mẹ Anh
  • Bố mẹ dạy con sạch nhà, bẩn ngõ
Tiến sĩ Vũ Thu Hương đặt vấn đề, dường như, chính bố mẹ đang dạy con mình “dìm hàng” người khác, và không trợ giúp bạn bè khi cần thiết? Chị cho rằng,nuôi dạy 1 đứa trẻ là việc không hề đơn giản. Việc đó không chỉ đòi hỏi phương pháp dạy dỗ trẻ đúng cách mà còn đòi hỏi sự điều chỉnh hành vi và cảm xúc của chính cha mẹ. Nếu thật sự yêu thương và sống vì con, chắc chắn chúng ta phải làm nhiều hơn rất nhiều là nói một câu nói đơn giản.

Dưới đây là bài viết của tiến sĩ Vũ Thu Hương - Đại học Sư phạm Hà Nội về vấn đề dạy con động viên và cảm thông:

Các cha mẹ yêu quý, bệnh thành tích ăn sâu vào trong lòng mỗi thành viên trong gia đình, phá hỏng đi hoàn toàn những thứ quý giá như tình cảm bạn bè, tình cảm giữa cha mẹ và con cái, làm cho lũ trẻ trở nên xấu chơi hơn. Bọn trẻ sẽ dễ dàng cười nhạo bạn bè khi thấy bạn thất bại. Bọn trẻ cũng dễ dàng nghĩ đến những hành vi xấu chơi với bạn. Điều đó xảy ra nhiều khi nặng nề thành bạo lực học đường. Cũng có khi đơn giản chỉ là lườm nguýt nhau tí chút. Nhưng hậu quả mà lũ trẻ phải gánh chịu ở xa hơn thế. Đó chính là sự cô độc.

Trong chúng ta, không ai không biết rằng lúc thất bại, lúc khổ đau mới là lúc cần có sự trợ giúp tinh thần cực lớn. Nhưng rõ ràng, bệnh thành tích đã khiến cho chúng ta xử nhau nhiều hơn là chia sớt khi thất bại. Một câu chuyện thú vị được chia sẻ rất nhiều trong cộng đồng Việt là hình ảnh những người đang ở dưới hố: người Nhật thì chung tay đẩy 1 người lên và người đó kéo những người khác lên trên hố, còn người Việt thì không thể có ai lên trên được vì hễ ngoi lên 1 chút là cả làng hè nhau dìm xuống.


Trong chúng ta, không ai không biết rằng lúc thất bại, lúc khổ đau mới là lúc cần có sự trợ giúp tinh thần cực lớn.

Thói quen thích dìm hàng người khác là một biểu hiện vô cùng xấu xí mà chúng ta đã quá quen thuộc. Điều này có thể nói đem lại sự hả hê lớn cho những người chứng kiến cảnh người khác đau khổ. Nhưng nếu chúng ta là người đang gặp thất bại thì sao? Rõ ràng cảm giác cô độc đến mức đau đớn khiến cho chúng ta đôi khi không dám khóc, không dám thể hiện nỗi đau đớn của mình. Sự thật là điều đó còn là nguyên nhân của sự rụt rè, tự ti, mặc cảm của chính ta nữa đấy.

Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ 1 video một buổi trình diễn thể dục của các em nhỏ người Nhật. Khi 1 câu bé không thể vượt qua phần thi nhảy cừu, các bạn nhỏ lập tức chạy xuống và thể hiện thái độ đoàn kết, động viên với cậu bạn. Kết quả là cậu bé đó đã vượt qua chướng ngại vật của sự tự ti và hoàn thành xuất sắc bài thi. Điều này khiến nhiều bạn đọc tỏ thái độ ngưỡng mộ người Nhật và lập tức lên tiếng chê bai ngành giáo dục. Tuy nhiên, có mấy ai nghĩ rằng, chính các cha mẹ cũng đang là những người dạy con dìm hàng người khác, dạy con không trợ giúp bạn bè khi thất bại?

Tại sao tớ dám nói vậy? Tớ nêu một vài hiện tượng để các cha mẹ cùng suy nghĩ nhé.

1. Cách đây gần 1 tuần, một thanh niên đã nhảy xuống sông tự tử ở Đà Nẵng. Thay vì tìm cách cứu người thanh niên đó thì tất cả những nhân chứng đứng trên bờ đều cười nói, chỉ chỏ và gần như đồng loạt bật điện thoại để quay lại khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời chàng thanh niên kia. Thái độ vô cảm đến mức máu lạnh của những nhân vật này sẽ là một gương vô cùng xấu cho những đứa trẻ. Chúng có thể học được 1 bài học: khi nào thấy có ai gặp nạn thì tốt nhất là bỏ mặc họ và quay clip để còn up lên facebook.

Chúng ta dư biết rằng, thái độ vô cảm này không chỉ có ở Đà Nẵng mà còn có ở khắp nơi. Với những “bài học” dạng này, bọn trẻ sẽ học hỏi được gì?

 

Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Đại học Sư phạm Hà Nội

2. Các cha mẹ hãy nhớ lại và tự vấn lương tâm xem chúng ta đã bao giờ nói với con là phải xếp thứ nhất lớp chưa? Đã bao giờ chúng ta mắng con khi thấy điểm học của con thấp hơn 1 bạn nào đó chưa. Tớ đã nhiều lần vô tình nghe thấy những câu mắng dạng: Con phải học giỏi hơn nó chứ, bố mẹ nhà mình đều hơn đứt nhà đó. Con không thể ngu hơn nó được.

Những dạng câu mắng này nghe tưởng chừng rất ổn, bọn trẻ sẽ có động lực phấn đấu. Tuy nhiên, điều này không chính xác. Tạo áp lực cho bọn trẻ để chúng học tập không khiến chúng tìm ra niềm vui và sự đam mê tìm hiểu mà chỉ khiến chúng cảm thấy việc học tập là vô cùng mệt mỏi. Chưa kể điều đó còn khiến lũ trẻ ghét bạn ghét bè và luôn cảm thấy rõ sự cạnh tranh. Sống với sự cạnh tranh đó, tình bạn của trẻ không bao giờ là thực sự thuần khiết. Giữa chúng luôn có sự cạnh tranh và đôi khi sẵn sàng dìm hàng lẫn nhau nếu có cơ hội.

3. Các cha mẹ đã bao giờ lấy gương người tốt việc tốt ra để cho con học tập chưa. Có thể nói, đây là cách dạy dỗ xúc phạm bọn trẻ nhất. Điều này thể hiện cha mẹ đánh giá con mình theo thành tích, theo ước vọng. Nó sẽ gây cảm giác khó chịu cho trẻ với chính cha mẹ mình và với đối tượng được đem ra ca ngợi. Bọn trẻ sẽ vô cùng bực bội và đôi khi trút giận lên “tấm gương soi”. Và nếu có cơ hội, bọn trẻ sẽ lập tức lên tiếng chê bai và dìm hàng “tấm gương” đó.

4. Các cha mẹ có nói xấu ai đó trước mặt con không? Tại cơ quan, công sở, các cha mẹ có dìm hàng ai đó, hành hạ ai đó không? Đừng nghĩ trẻ con không biết, chúng cảm nhận cực tốt. Đó là chưa kể đôi khi niềm vui đắc thắng trong lòng chúng ta không kìm nén được bộc lộ ra ngoài khi đối phương gặp nạn sẽ được lũ trẻ tiếp nhận vô cùng nhanh. Từ đó, thái độ vô cảm với đồng loại, tìm cách dìm hàng đồng loại sẽ được lũ trẻ học hỏi ngay tắc lự.

5. Các mẹ đã bao giờ dạy con trợ giúp bạn khi bạn gặp khó khăn chưa? Nếu chưa dạy thì con có vô cảm trước người khác cũng là bình thường. Trong xã hội còn đang nhiều rối loạn nhiễu nhương, chúng ta đưa tay ra giúp người khác cũng có thể sẽ vướng vào hiểm họa cho chính mình.

Điều này cũng có thể gây mâu thuẫn khi chẳng may lại thành dạy con vô cảm. Vì thế, theo tớ cách giải quyết chính là dặn con: Nếu thấy ai đó gặp nạn, con biết mình không thể cứu được hoặc hoàn cảnh đó có thể khiến con gặp nguy hiểm thì con không nên lao vào cứu nhưng HÃY NHẤC MÁY GỌI CHO CẤP CỨU HOẶC CẢNH SÁT. Đó chính là cách cứu giúp tốt nhất cho người bị nạn.

6. Khi một đứa trẻ gặp khó khăn khi làm việc gì đó, thái độ của các cha mẹ thế nào. Theo tớ quan sát thì tới 99% là các cha mẹ sẽ lao ra làm hộ đứa trẻ ngay. Nếu các cha mẹ đứng đó quan sát, cổ vũ, động viên đứa trẻ thực hiện, rồi vỗ tay reo mừng khi chúng thành công, rõ ràng bọn trẻ sẽ học hỏi được rất nhiều. Thái độ coi thường trẻ, luôn tính cách làm hộ chúng cũng sẽ khiến bọn trẻ không cảm thấy cần động viên chia sẻ với ai.

7. Khi con không làm tốt việc gì đó, các cha mẹ sẽ làm gì? Hầu hết các cha mẹ tự đánh giá là bọn trẻ chưa thể làm được và đôi khi còn nói xúc phạm chúng. Điều bọn trẻ cần là sự động viên kịp thời và nếu cha mẹ làm thế, lần sau bạn bè chưa hoàn thành tốt công việc, lũ trẻ cũng sẽ học theo mà động viên bạn.

Lam Anh

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> Xem thêm clip: [mecloud]inNlmTpNYn[/mecloud]