Dòng sự kiện:

Bực mình vì con hay hỏi dai, hỏi câu vô nghĩa

02:20 06/08/2015
Trẻ thường xuyên làm đau đầu người lớn bằng những câu hỏi dai, hỏi vô nghĩa, cha mẹ phải xử lý thế nào?
 Bé Na năm nay 4 tuổi và thường xuyên khiến mẹ phát cáu, chán nản khi hỏi đi hỏi lại một việc dù đã biết câu trả lời. Ví dụ nếu không thấy bà đâu, bé sẽ hỏi “Bà đâu”, mẹ giải thích “Bà đi chợ rồi”, thì bé lại tiếp tục hỏi. Điều này lặp lại có khi tới 5-6 lần. 

 

Không chỉ hỏi dai mà bé Na đòi cái gì cũng rất dai. Đang đi trên đường, bé làm rơi mất chiếc kẹo. Dù mẹ nói là không quay lại được vì đang tắc đường và hứa sẽ mua cho bé cây kẹo khác nhưng bé Na một mực đòi: “Mẹ quay lại nhặt kẹo”. Bé mè nheo câu này suốt cả chặng đường cho tới khi về nhà được mua một cây kẹo khác. Mẹ bé nhiều khi rất mệt mỏi, khó chịu với kiểu hỏi dai của con.

Còn bé Minh thì có tật hỏi đến khi nào không còn gì để nói mới thôi. Tuần trước bé bị ngã liền hỏi mẹ: "Tại sao con té?", mẹ trả lời “Tại con chạy nhanh và đạp lên vũng nước nên mới ngã". Bé lại hỏi tiếp: “Tại sao nước làm con té?”, mẹ nói "Tại nước trơn” thì con tiếp tục “Nước trơn là sao?"...

Thực ra việc hỏi không biết chán chính là đặc điểm tâm lý đặc trưng của của nhóm trẻ 3-5 tuổi. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì điều đó thể hiện trẻ có một trí não năng động và phát triển tốt.

Với vốn kinh nghiệm và hiểu biết non nớt, ngay những điều đơn giản nhất cũng có thể là mới lạ và trẻ cần người lớn giải thích. Cũng có khi việc bé hỏi đi hỏi lại không phải bé không biết hay không hiểu câu trả lời mà đó cũng chỉ là một biểu hiện cho nhu cầu muốn được quan tâm.

Xử trí trước những câu hỏi dai dẳng bất tận của con

Hãy hỏi ngược lại

Khi trẻ hỏi, bố mẹ không nên vội trả lời, mà cho con một cơ hội để suy nghĩ về điều đó. Ví dụ: Cháu hỏi lần thứ hai "bà đâu" thì mẹ sẽ hỏi ngược lại: "Thế theo con thì bà đi đâu?", nếu bé không trả lời hay nói là không biết thì mẹ có thể chuyển qua một hoạt động khác và hỏi cháu một câu khác.

Không phải trả lời tất cả

Không phải câu hỏi nào của trẻ cũng cần cha mẹ phải trả lời chính xác theo cách nghĩ hay hiểu biết của người lớn. Đôi khi, người lớn có thể giả vờ giải thích sai để kích thích tư duy phê phán của trẻ. Mỗi khi trẻ đặt ra câu hỏi thì cha mẹ đừng bỏ lỡ cơ hội nắm bắt được trẻ đang nghĩ gì và cảm nhận như thế nào.

Không cần trực tiếp trả lời

Đôi khi cha mẹ không cần trực tiếp trả lời vào câu hỏi của con, mà nhân đó kể một câu chuyện có nội dung lý thú. Sau khi kể xong, bạn hãy rút ra bài học ý nghĩa từ câu chuyện đó cũng như giải thích những thắc mắc mà trẻ đưa ra, giúp trẻ nhận biết được những hành động nào là tốt, hành động nào chưa tốt, cái nào đáng khen, cái nào chưa đáng khen…

Không cáu kỉnh, lảng tránh, nói dối

Dù vì bất cứ lý do gì cũng không cáu kỉnh, lảng tránh, nói dối hoặc trả lời cho xong chuyện, bởi trẻ rất nhạy cảm và nhận ra ngay. Trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương, không được quan tâm và tôn trọng.

Giao hẹn với con

Nếu như khi con hỏi mà bạn quá mệt, bận rộn, hoặc không biết hãy nói với trẻ “ồ vấn đề của con rất thú vị nhưng mẹ chưa nghĩ ra… chúng ta sẽ trao đổi vào buổi tối nhé…”. 

Nếu bạn đang bận hoặc chưa muốn trả lời ngay câu hỏi của con, bạn có thể nói: "Mẹ nhớ ra là hai mẹ con mình còn chuyện quan trọng hơn cần làm, để lúc khác nói tiếp chuyện này nhé!", đừng nói: "Mẹ bận lắm", "Mẹ mệt" hay "Con hỏi vớ vẩn gì thế?" vì điều này dễ làm trẻ bị thương tổn.

Tạo cơ hội tương tác

Mẹ cũng có thể khuyến khích con hỏi bố, ông bà, cô giáo… để tạo cơ hội cho bé chủ động tương tác với người khác.

Chúc bạn tìm được cách ứng xử phù hợp với bé!

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin