Các mẹ biết gì về gây mê nội khí quản - Phương pháp được khuyến cáo thay thế gây tê tủy sống trong sinh mổ
Phương pháp gây mê nội khí quản vừa được Bộ y tế khuyến cáo áp dụng cho các trường hợp sản phụ có nguy cơ tai biến cao với các triệu chứng như sản giật, tiền sản giật nặng, rau bong non, có rau tiền đạo thể bán trung tâm hoặc trung tâm… Bộ y tế cũng nhấn mạnh các đơn vị y tế trên toàn quốc không được áp dụng phương pháp gây tê tủy sống đối với các trường hợp trên nhằm giảm nguy cơ biến chứng với sản phụ sinh mổ.
Vậy gây mê nội khí quản có gì khác biệt với phương pháp gây tê tủy sống vẫn được áp dụng phổ biến trong mổ lấy thai?
Gây mê nội khí quản là kĩ thuật gây mê toàn thân được thực hiện bằng cách đặt một ống thông làm bằng cao su hay chất dẻo đi từ miệng hoặc mũi vào trong khí quản của bệnh nhân với mục đích kiểm soát hô hấp trong suốt cuộc phẫu thuật và hồi sức sau phẫu thuật.
Quá trình mổ lấy thai, sản phụ sẽ ngủ và không biết gì khi gây mê nội khí quản (Ảnh minh họa).
Kỹ thuật này nhằm mục đích duy trì thông thoáng đường hô hấp trên, hút khí quản dễ dàng, dễ dàng hỗ trợ hay chỉ huy hệ hô hấp; đồng thời đảm bảo hô hấp trong suốt cuộc gây mê toàn thân.
Như vậy, khi gây mê nội khí quản, bệnh nhân sẽ mất tri giác tạm thời dưới tác dụng của 1 hoặc nhiều loại thuốc gây mê. Nói khác đi, trong quá trình mổ lấy thai, sản phụ sẽ ngủ và không biết gì. Lúc tỉnh dậy, sản phụ cũng không nhớ gì về quá trình mổ nên không sợ hãi. Khác với phương pháp gây tê tủy sống, sản phụ chỉ mất cảm giác vùng nửa thân dưới nhưng vẫn hoàn toàn tỉnh táo.
Trong quá trình gây mê nội khí quản, bệnh nhân không cảm nhận được cảm giác đau và mất các phản xạ thần kinh nhưng vẫn có thể tự thở hoặc thở máy qua nội khí quản.
Sau phẫu thuật, ống nội khí quản sẽ được rút ra khi người bệnh tỉnh táo, cụ thể là khi có thể mở mắt, há miệng và tự nâng đầu theo yêu cầu của bác sĩ.
Ưu và nhược điểm của gây mê nội khí quản và gây tê tủy sống
Để tìm hiểu sâu hơn chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. BS Hoàng Văn Bách - Trưởng khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện Bưu Điện, Ủy viên ban chấp hành Hội gây mê Hồi sức Việt Nam.
TS. BS Hoàng Văn Bách trao đổi với phóng viên. (Ảnh: Minh Ngọc)
TS Bách cho rằng, mỗi phương pháp vô cảm để phẫu thuật đều có những ưu nhược điểm nhất định: "Gây tê tủy sống ưu điểm tê nhanh, dễ thực hiện ở nhiều tuyến bệnh viện, nhược điểm có một số tác dụng không mong muốn thoáng qua như tụt huyết áp, chậm nhịp tim, đau đầu, buồn nôn... điều trị bằng truyền dịch và thuốc co mạch sẽ đỡ. Biến chứng ngừng tim rất hiếm gặp vì luôn được theo dõi chặt chẽ để sử dụng các thuốc điều trị tim mạch...
Trong khi đó, gây mê nội khí quản để phẫu thuật lấy thai có ưu điểm phẫu thuật thuận lợi, thời gian mổ có thể kéo dài. Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là một số thuốc mê, thuốc giảm đau qua được nhau thai nên có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh. Biến chứng nguy hiểm nhất của gây mê nội khí quản là khó đặt nội khí quản để thở dẫn đến suy hô hấp, giảm oxy máu gây nguy hiểm cho mẹ và con".
Gây mê nội khí quản để phẫu thuật lấy thai có ưu điểm phẫu thuật thuận lợi, thời gian mổ có thể kéo dài (Ảnh: Minh Ngọc).
Theo TS. Bách, phương pháp gây mê ngày xưa dùng rộng rãi nhưng dần dần người ta ít dùng. Trên thế giới chỉ dùng khoảng 20% phương pháp gây mê. Trong khi đó ưu thế của gây tê tủy sống rất lợi, tiện lợi cho cả bệnh viện và sản phụ.
"Thai ở bụng dưới nếu gây tê sẽ ức chế vận động làm cho mềm cơ ra lấy thai rất dễ và thời gian phù hợp với cuộc mổ nên lợi kinh tế. Vì chỉ gây tê vùng lưng trở xuống làm giãn cơ giảm đau và lấy thai, hoàn toàn thuốc tê không qua mẹ. Tuy nhiên nó vẫn có những tác dụng không mong muốn là làm chậm nhịp tim, chậm huyết áp. Nhưng cái đó mình có phụ kiện theo dõi, truyền dịch trước. Cái đó cả những ca bình thường chứ không chỉ những ca có rau tiền đạo như thế này."
Các sản phụ có sức khỏe bình thường vẫn có thể thực hiện biện pháp gây tê tủy sống (Ảnh: Minh Ngọc)
TS. Bách phân tích thêm về mặt ưu điểm và nhược điểm có thể khắc phục của phương pháp gây tê: "Sau mổ có thể có lúc buồn nôn, hoặc đau lưng. Đau lưng thì sẽ hết và bản thân tỉ lệ đau lưng của gây tê tủy sống mổ lấy thai cũng giống như của người đẻ thường. Vì trong quá trình chuyển dạ các khớp giãn ra cũng gây đau nên cái đau lưng cũng không hẳn do gây tê tủy sống. Có thể có những tê chân khi tiêm thuốc vào nhưng sẽ hết và phục hồi, nhưng những tỉ lệ ấy rất hiếm gặp."
Dẫn chứng về ưu điểm sử dụng phương pháp gây tê tủy sống trong mổ đẻ rất có lợi cho bệnh nhân và cho bệnh viện, TS. Bách nói: "Ở những vùng núi xa xôi không có ô xy, không có điều kiện phương tiện để triển khai gây mê, thì gây tê tủy sống là cái cứu cánh. Trong khi đó gây mê phải có máy móc, phương tiện. Hiện nay ở các vùng xa xôi có các máy móc tốt rồi nhưng không phải trường hợp gây mê nào cũng an toàn và tốt."
Các bác sĩ đang tiến hành gây tê tủy sống cho một sản phụ (Ảnh: Minh Ngọc).
Một số biến chứng có thể xảy ra khi gây mê nội khí quản
- Không đặt được nội khí quản.
- Nôn, trào ngược dịch dạ dạy vào phổi. Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra lúc bắt đầu gây mê, dễ dẫn đến ngạt thở, viêm phổi, sốc phổi làm chết bệnh nhân.
- Co thắt khí, phế quản dẫn đến suy hô hấp, thiếu ô xy.
- Tụt huyết áp, loạn nhịp tim do tác dụng của các thuốc gây mê có thể ức chế trực tiếp cơ tim, làm giảm sự co bóp của cơ tim.
- Tổn thương răng, miệng, họng do quá trình đặt nội khí quản như gãy răng, dập môi, chảy máu vùng hầu họng.
- Suy hô hấp sau mổ do tồn dư của thuốc giãn cơ.
- Đặt ống nội khí quản vào thực quản gây hội chứng trào ngược có thể đưa đến hiện tượng ngừng tim.
- Thuốc gây mê là thuốc tiêm vào tĩnh mạch nên nó có khả năng chảy vào cơ thể thai nhi từ nhau thai.
Tối 3/7, giải thích thêm về nội dung công văn mới đây của Bộ Y tế, GS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc cấm gây tê tủy sống chỉ áp dụng đối với các sản phụ có nguy cơ tai biến bởi các bệnh lý. Các sản phụ có sức khỏe bình thường vẫn có thể thực hiện biện pháp này. Theo phân tích của Thứ trưởng Tiến, kỹ thuật gây tê tủy sống đã được thực hiện từ lâu trên thế giới. Tuy nhiên, với các trường hợp người mẹ có bệnh tim, huyết áp; nguy cơ chảy máu như: rau tiền đạo, sản giật, tiền sản giật; suy gảm chức gan, thận, phổi… các bác sĩ sẽ áp dụng gây mê nội khí quản. Thực tế, ở Việt Nam hầu hết các bệnh viện đã thực hiện quy định này. Tuy nhiên qua theo dõi, giám sát và thẩm định tại nhiều địa phương vẫn còn những cơ sở y tế gây tê tuỷ sống mọi trường hợp. GS Nguyễn Viết Tiến cũng chỉ rõ, nếu thực hiện gây tê tủy sống trong mọi trường hợp, thì cứ 10 ca có thể có 1 ca biến chứng như tụt huyết áp, chảy máu, ngừng tim... Do đó để an toàn nhất cho sản phụ, Bộ Y tế có công văn chính thức, chuẩn hoá quy trình cho những trường hợp đặc biệt. |
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Tác hại của việc gây tê tủy sống đối với sức khoẻ sản phụ
- Bộ Y tế yêu cầu không gây tê tủy sống khi mổ lấy thai
- Sử dụng thuốc gây mê sẽ làm suy giảm trí nhớ?
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua