Dòng sự kiện:

Các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu không nên bỏ qua

Theo Phununews
13:31 13/07/2017
Các mốc khám thai quan trọng sẽ giúp mẹ bầu chủ động trong việc dưỡng thai cũng như ứng phó kịp thời với những nguy cơ có thể xảy ra trong suốt thai kỳ.

Một số mẹ bầu khi phát hiện mình có thai nhưng nghĩ thai còn nhỏ nên không đi khám sớm. Tuy nhiên theo các bác sĩ chuyên sản phụ khoa việc khám thai vô cùng cần thiết vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thai nhi ra đời có khỏe mạnh không. Do vậy các mốc khám thai quan trọng để cho ra đời một em bé khỏe mạnh mà mẹ không nên bỏ qua bao gồm:

1/ Ngay khi phát hiện có thai

Đừng trì hoãn việc khám thai ngay khi bạn xuất hiện các dấu hiệu thụ thai như trễ kinh khoảng 1 tuần, thử bằng que thử thai lên 2 vạch,…Việc không đi khám sớm có thể sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như: sẩy thai sớm, thai lưu do bất thường ở tử cung hay do gen,.. mà mẹ không hề hay biết. Đặc biệt việc khám sớm còn phát hiện ra thai ngoài tử cung rất nguy hiểm cho tính mạng người mẹ. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và siêu âm để xác định tuổi thai, tình trạng của thai (liệu thai đã nằm trong tử cung chưa, đã có tim thai chưa,.. ) và các bệnh lý khác để có biện pháp can thiệp kịp thời.

2/ Thời điểm tuần thứ 11 đến 13

Đây là thời điểm vàng trong số các mốc khám thai quan trọng để siêu âm đo độ mờ da gáy để xác định các bất thường về nhiễm sắc thể nguy hiểm cho bé có thể gây ra các hội chứng nguy hiểm như: bệnh Down, dị dạng tim, dị dạng chi, thoát vị cơ hoành,… Qua khỏi thời gian này thì việc dự đoán thông qua chỉ số này không còn chính xác nữa. Nếu xác đinh độ mờ da gáy lớn hơn 3mm thì thai phụ sẽ được chỉ định tiến hành chọc ối để chẩn đoán thêm và siêu âm hình thái thai xem liệu có bị dị dạng hay không. Và dựa trên các kết quả này mà bác sĩ sẽ đưa ra kết luận và lời khuyên cho bạn có nên giữ bé hay không.

3/ Tuần thai từ 14 đến 17

Đây là thời điểm mà bạn nên đi khám để thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh Triple test. Thực ra Triple test không có giá trị chuẩn đoán chính xác lắm mà chỉ đưa ra các dự đoán nguy cơ thai bị Down hoặc dị dạng nhiễm sắc thể. Trong kết quả mà bạn được trả về sẽ được thể hiện dưới dạng “xác suất”, ví dụ 1/200 hay 1/300. Hiện nay, xác suất > 1/250 được xem là có nguy cơ cao, và thai phụ sẽ được tham vấn chọc ối.

Tuy nhiên, dù kết quả tại các mốc khám thai quan trọng có thể nào đi nữa thì quyết định cuối cùng cũng là ở bạn. Nếu chẳng may bé có bị mắc các bệnh này thực sự thì bạn và gia đình cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định sinh bé ra hoặc đình chỉ thai kỳ theo lời khuyên của bác sĩ sản khoa.

4/ Tuần thai từ 21 đến 24

Đây là thời điểm được các bác sĩ khuyên bạn nên đến thăm khám và siêu âm nếu muốn phát hiện các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng. Cột sống, hộp sọ, não, tim, phổi, thận, cánh tay và chân của thai nhi ở thời kỳ này đều có thể được nhìn thấy.

Nếu quá tuần này thai nhi sẽ quá lớn và khó phát hiện ra các dị tật. Và đối với các dị tất đặc biệt nghiêm trọng các bác sĩ cũng sẽ đưa ra lời khuyên đình chỉ thai nghén. Việc đình chỉ thai nghén thường được khuyên nên thực hiện trước tuần 28 của thai kỳ.

5/ Tuần thai 30 đến 32

Đây là tuần thai mà bạn sẽ được khám thai và làm một số xét nghiệm công thức máu, thử nước tiểu và tiêm phòng uốn ván. Nếu siêu âm thai trong các mốc khám thai quan trọng này cũng có thể phát hiện một số vấn đề như bất thường ở động mạch tim và não, tình trạng phát triển của thai nhi có bình thường không?…

6/ Tuấn thai 35 đến 36

Đến khoảng thời gian này, bạn nên đi khám thai và siêu âm màu để theo dõi doppler động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung, kiểm tra tình trạng nước ối, dây rốn… chuẩn bị cho quá trình sinh nở sắp diễn ra. Thời điểm này dự đoán cân nặng của em bé khi sinh tương đối chính xác. Một số cơ sở khám thai có thể sẽ cho bạn làm Non-stress test nhằm kiểm tra sức khoẻ của bé và tìm hiểu xem bé có nhận đủ oxy hay không bằng một máy đo tim thai và chuyển động của thai trong vòng 30 phút.

7/ Từ tuần 37 trở đi

Giai đoạn này bé đã đủ cân nặng để có thể chào đời nên bạn cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở khám thai để kiểm tra mỗi tuần một lần kể cả khi không thấy dấu hiệu gì bất thường. Nếu bị đau bụng, ra máu, hoặc không thấy bé đạp phải đến khám ngay để kiểm tra tình trạng của bé, tình trạng nhau thai và tình trạng cổ tử cung của mẹ đã sẵn sàng hay chưa.

Trên đây là các mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu nên biết và chú ý đi khám đầy đủ để có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh đáng yêu. Đừng vì lười hay vô tâm quên mất để sau này mẹ bầu phải hối tiếc.

Nguồn: Gia đình Việt Nam