Dòng sự kiện:

Cách chọn mua và bảo quản thực phẩm ngày Tết

Theo PNVN
09:03 27/01/2018
Những mặt hàng thực phẩm tươi sống, trái cây, bánh kẹo luôn thu hút số lượng lớn người tiêu dùng vào dịp Tết.

Đây cũng là thời điểm các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... trà trộn làm thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng cũng như gia tăng các vụ ngộ độc do chưa chọn mua đúng thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh.

Mứt, hạt dưa

Vào thời đểm này, các chợ đầu mối cũng như các chợ lẻ đều tràn ngập bánh mứt tết; trong đó, mặt hàng mứt với đủ màu sắc tươi sáng từ trắng bạch cho đến đỏ, vàng, tím, xanh... , phần lớn đều thuộc dạng hàng tự do, không có nhãn hiệu. Đặc biệt, nguồn hàng Trung Quốc chiếm khá nhiều, không chỉ có mứt mà còn có bánh kẹo với bao bì bắt mắt nhưng phần lớn đều không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng (nếu có cũng in lem nhem giống như in thêm hoặc sửa đát),.còn chất lượng bên trong, đối với loại bánh hộp chẳng hạn, có mùi dầu, bánh bở chỉ toàn bột. Khi mua nên chọn loại có bao bì với nhãn hiệu, địa chỉ rõ ràng cũng như giấy chứng nhận của ngành chức năng. Chọn loại mứt được làm bằng phương pháp đơn giản, màu sắc tự nhiên.

Nên chọn hạt dưa có màu sắc tự nhiên, không quá sặc sỡ.

Những loại hạt dưa sử dụng phẩm màu Rhodamine B thường có màu đỏ sẫm sặc sỡ, nhìn như sơn, khi cho vào miệng không bị phai màu. Còn phẩm màu thực phẩm thường có màu sắc tự nhiên, màu nhạt, hạt không đều màu và rất dễ phai khi tiếp xúc với nước. Người tiêu dùng không nên tham hạt có màu sắc hấp dẫn, lóng lánh; nên thử trước khi mua bằng cách cho cả hạt vào miệng để ngấm nước bọt rồi cho vào lòng bàn tay xoa xem có bị phai màu không. Cũng nên thử hương và vị của hạt có mùi mốc không bằng cách nhai thử rồi thở qua mũi, nếu có mùi thì không nên chọn dù có rẻ.

Thực phẩm tươi sống

Thịt heo, nên chọn thịt đã được kiểm dịch, thịt tươi mới màu hồng, mỡ trắng hồng, da trắng sạch, mùi còn tươi, ấn thịt vào chắc và đàn hồi, thịt dính chặt vào xương; Cá tươi có màu hồng, mang cá đỏ hồng, ấn thịt chắc, bụng không bể. Tôm tươi đầu còn dính chặt vào thân, thịt chắc, dính vào vỏ. Đối với thịt gia cầm không nên mua gà, vịt sống và tự giết mổ tại nhà hay ở chợ. Chỉ mua thịt, trứng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với rau, trái cây, khi mua nên chọn rau còn cuống lá, không nên mua các loại rau còn rễ, bám đất vì nguồn vi sinh từ đất dễ gây hư hỏng rau, trái. Rau, củ, quả là nguồn thực phẩm cung cấp vitamin, nước và chất xơ cho cơ thể, giúp cân đối khẩu phần ăn vốn nhiều đạm và chất béo trong dịp tết. Nên mua loại có vỏ còn nguyên, tươi láng, màu tự nhiên, không giập nát. Chỉ gọt vỏ trước khi chế biến hoặc trước khi ăn. Nếu mua các loại đã được bảo quản trong tủ lạnh thì về nhà cũng phải bảo quản trong tủ lạnh. Với các loại rau củ quả không gọt vỏ, khi ăn phải rửa bằng nước muối loãng hay nước rửa rau quả chuyên dụng.

Cách bảo quản

Thực phẩm trong tủ lạnh cũng như đã nấu chín vẫn có thể trở thành nguy hại nếu không được giữ vệ sinh và bảo quản đúng cách. Nên rửa tay sạch sẽ trước và trong khi chế biến thức ăn, không để thức ăn đã nấu chín hơn 2 giờ ở nhiệt độ thường trong phòng.

Thịt, cá tươi sống cần được bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày. Cần làm sạch trước khi cho những thực phẩm này vào hộp, bịch nilông, sau đó buộc kín và cất vào ngăn đá. Khi cần chế biến món ăn nào thì lấy ra rã đông và sử dụng. Với trẻ nhỏ, bữa ăn cần chế biến riêng, do vậy nên chia tôm, thịt, cá thành từng phần tương đương khẩu phần ăn một bữa của trẻ (30-50gam). Trước khi chế biến nên để ngăn mát rã đông 4-5 giờ. Sau khi rã đông, thức ăn cần nấu hết.

Muốn bảo quản rau được lâu, sau khi bỏ lá sâu, lá giập, cắt bỏ phần rễ thì rửa sạch rau cho vào bao xốp, cột kín rồi xếp vào ngăn tủ mát. Rửa sạch trái cây, để ráo, sau đó cho vào bao xốp cột kín rồi cất vào tủ lạnh.

Đối với thức ăn nấu chín cần để nguội hẳn, đậy kín và cất vào tủ lạnh. Cần bảo quản thức ăn sống và chín vào những hộp riêng biệt. Việc bảo quản kín sẽ giúp thức ăn không bị khô, không bị bốc mùi, không lây nhiễm vi sinh sang các món ăn khác.

Nguồn: Gia đình Việt Nam