Dòng sự kiện:

Cách đạt 7 điểm Hóa học cho người ‘mất gốc’

18:30 08/03/2016
Hoàng Đình Quang, người từng đạt điểm số tích lũy cao nhất ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng, để đạt 7 điểm với người mất gốc môn Hóa học không quá khó, học cần có phương pháp.

 

 

 

Mỗi ngày mình thường bỏ ra hai giờ đồng hồ để trả lời hàng trăm tin nhắn của học sinh, vì vậy nên rất thấu hiểu nỗi băn khoăn của các em trong thời gian hiện tại. Phần lớn các em đặt câu hỏi “Em bị mất gốc vậy làm sao để đạt được 7 điểm môn Hóa học?”.

Theo mình, đề thi tích hợp hai cuộc thi THPT và đại học nên đạt được 7 điểm không phải quá khó, bắt đầu ngay từ bây giờ, trong 4 tháng bạn có thể làm được, nhưng cần học có phương pháp.

Với môn Toán, học sinh nên vạch ra các dạng bài mức độ 7 điểm như xác suất, lượng giác, số phức, tổ hợp, hàm số, hình học không gian, bất phương trình, tích phân, đạo hàm… sau đó dành ra 3 tháng ôn luyện hết các kiến thức cơ bản của các dạng bài này và dành một tháng để ôn thi.


Lớp ôn thi đại học miễn phí của Đình Quang. Ảnh: Quyên Quyên

Các em nên chọn sách và tài liệu có đáp án chi tiết để tham khảo cách giải, không cần giải bài quá khó mà chỉ cần học chắc kiến thức cơ bản, học cách trình bày cẩn thận và đạt điểm tối đa là được.

Đối với Hóa học, Vật lý, Sinh học, các môn trắc nghiệm khác cũng tương tự. Tuy nhiên các em nên dành ra 2 tháng để luyện đề trắc nghiệm. Khi luyện đề nên dùng đề đại học chính thức các năm trước đây, bỏ qua các câu khó, chỉ làm các câu mức 7 điểm để tiết kiệm thời gian, khi làm thấy sai ở đâu, hổng kiến thức ở đâu thì bổ sung ngay, điều này sẽ giúp khắc sâu kiến thức.

Cụ thể nói về Hóa học là môn sở trường của mình. Do đề thi tích hợp chứa 70% là dễ và trung bình, trong số 50 câu thì có tới 30 câu vận dụng lý thuyết.

Vì vậy muốn đạt điểm 7,8 môn Hoá đối với các em mất gốc không hề quá khó, quan trọng nhất chính là học thật kỹ lý thuyết. Hãy đọc 3 cuốn sách giáo khoa hoá học trong vòng 2 tuần, cứ đọc thôi, cố gắng ghi nhớ.

Sau đó làm các đề đại học từ năm 2007-2015 từng câu một và so với đáp án, sai chỗ nào, hổng lý thuyết chỗ nào thì lại đọc sách giáo khoa để bổ sung lại, như vậy sẽ nhớ lâu kiến thức, không cần làm những câu quá khó.

Các em có thể tham khảo cuốn sách Công phá đề thi quốc gia môn Hóa để dùng 4 phương pháp Số đếm, trung bình, bảo toàn e, bảo toàn khối lượng, giúp đạt 8 đến 8,5 một cách cực kỳ dễ dàng.Trong cuốn sách cũng có giải chi tiết tất cả các bài tập cũng như tổng hợp toàn bộ lý thuyết chắc chắn sẽ hữu ích cho các em mất gốc với mục tiêu 7,8 điểm trong 4 tháng còn lại.

Cách làm bài thi trắc nghiệm

Đối với môn thi trắc nghiệm, học sinh nên làm từ đầu đến cuối để tiết kiệm thời gian vì nếu làm cách câu thì sẽ rất mất thời gian vì đọc đề nhiều lần và hay ghi nhầm đáp án lên phiếu trắc nghiệm, rất tai hại. Khi làm một câu mất hơn 2 phút mà không ra đáp án thì hãy dùng bút tích lên đầu câu trắc nghiệm và ngay lập tức chuyển sang câu khác để duy trì tốc độ làm bài, ghi nhớ là dễ thì dễ chung, khó thì khó chung.

Sau khi giải quyết hết một lượt 50 câu, các em quay lại để làm các câu có dấu tích, việc tích dấu này giúp các em xác định nhanh chóng những câu mà mình chưa có đáp án chính xác. Lượt thứ 2 này cũng làm như lượt thứ nhất, tuy nhiên với những câu không ra đáp án thì hãy cố gắng tìm ra đáp án “chính xác nhất mà mình có” hoặc thử đáp án cho nhanh.

Nên đặt đồng hồ để báo khi còn 5 phút để chuyển đáp án vào trong tờ phiếu đáp án, sau đó soát lại xem mình đã điền đúng ô từng câu hay chưa, tránh điền lệch.

Nói chung, các em nghi nhớ, hãy điền toàn bộ đáp án các câu chưa biết làm trong thời gian 5 phút vì dù sao vẫn còn xác suất chính xác, không nên bỏ phí. Quan trọng nhất của trắc nghiệm là duy trì tốc độ làm bài và ổn định tâm lý, tránh hoang mang.

Khi đọc đề nên dùng bút đánh dấu vào các cụm từ “ gây nhiễu" để tránh hiểu nhầm đề bài và đánh dấu vào các cụm từ “thông tin” để hiểu chính xác yêu cầu của bài. Ví dụ, trong một bài Hoá học, đề cho “sau một thời gian phản ứng" thì tức là phản ứng không hoàn toàn, cả 2 chất tham gia đều dư. Hoặc đề cho “tìm số công thức cấu tạo của chất” thì tức là không tính đồng phân hình học, khi đi thi cần gạch vào đề khi nhìn những cụm từ như vậy.

Trong Toán học thì việc quan sát kỹ các điều kiện xác định của bài toán là rất có ý nghĩa trong việc chọn nghiệm, bỏ nghiệm. Nói chung, hãy làm một số đề thi và tìm ra những cụm từ “gây nhiễu” phổ biến để luyện tập việc gạch chân những cụm từ này.

Sai lầm khi làm bài là những sai sót có thể khiến các em học sinh mất điểm khi thi. Đối với các môn tự luận như Toán chẳng hạn, việc trình bày chính xác và đủ ý là cực kỳ quan trọng. Nhiều em hay mắc sai lầm là chỉ làm ra đáp số còn không chú ý đến cách trình bày, dễ mất điểm.

Các em cần làm chính xác và trình bày đạt điểm tối đa các câu dễ và trung bình thì mới mong được điểm cao, nếu làm nhanh mà trình bày sai hoặc thiếu ý thì chắc chắn điểm sẽ thấp.

Đối với các môn trắc nghiệm cũng vậy, sai lầm phổ biến là chỉ làm câu khó, câu tính toán mà làm ẩu những câu dễ và những câu lý thuyết.

Thực tế cho thấy, các câu dễ và lý thuyết có mức điểm bằng với những câu khó tính toán dài, vậy thì tại sao lại phải lãng phí thời gian để làm những câu khó trong khi chỉ mất vài chục giây để ra đáp án chính xác cho một câu dễ? Các em ghi nhớ, khi đi thi, chỉ có công bố tổng điểm từng môn, chẳng ai công bố bạn đã làm bao nhiêu câu dễ, bao nhiêu câu khó.

Hoàng Đình Quang (sinh năm 1994) tại huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình là sinh viên năm thứ tư, khoa Kinh tế Đối ngoại, ĐH Ngoại thương Hà Nội. Năm 2012, cậu thi đỗ ngôi trường mơ ước với 29,5 điểm, giành ngôi á khoa. Quang được nhiều người biết đến trong thời điểm đầu năm 2015, đạt số điểm lích lũy tại trường là 3,98/4 – cao kỷ lục trường Ngoại thương.

Đình Quang là tác giả của cuốn sách Công phá đề thi quốc gia môn Hóa, được đông đảo học sinh trên toàn quốc yêu mến. Chàng sinh viên có nhiều hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng như mở lớp ôn thi đại học miễn phí.

Theo Hoàng Đình Quang/Zing