Dòng sự kiện:

Cách ông bố Mỹ dạy con gái về lòng dũng cảm

21:00 29/11/2015
Đối với các con tôi, cách tốt nhất để học về sự khác biệt giữa những mạo hiểm đáng để thử thách với những nguy hiểm nên tránh xa chính là rèn luyện lòng dũng cảm trong thực tế.

 

 

 

Tôi đưa con gái 10 tuổi của tôi tới Hollywood cuối tuần trước. Vào những ngày nắng đẹp, chúng tôi thậm chí có thể nhìn thấy tấm biển Hollywood từ chính ngôi nhà của mình. Cả gia đình luôn háo hức bàn chuyện sẽ leo núi lên đó. Có một đường rất nhanh để lên tới vị trí tấm biển khổng lồ này mà hầu như khách du lịch nào cũng chọn. Đường rất dễ đi, lại có biển chỉ dẫn chi tiết. Còn có một con đường khác khó hơn – dài khoảng hơn 3 cây số với rất nhiều sỏi đá gập ghềnh và cao hơn mực nước biển hơn 300m. Nhưng đây chính là con đường gia đình chúng tôi chọn. Trên con đường đá, có một ngọn đồi cắt ngang dốc nghiêng một bên tới hơn 90m. Tôi phải chắc chắn sẽ để mắt kỹ càng tới con bé khi đi qua khu vực nguy hiểm này.

Với những chuyến mạo hiểm kiểu đó, chúng tôi càng ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn. Tôi trở nên kiên nhẫn hơn. Con bé cũng ít khóc hơn trước rất nhiều. Và mặc dù con gái bé bỏng, về bản chất, rất vững vàng nhưng lòng dũng cảm vẫn là thứ cần phải rèn luyện bền bỉ hơn nữa. Vì vậy, cứ vài tuần một lần, chúng tôi lại lên kế hoạch đi dã ngoại để thử nghiệm chính mình, thử thách chính mình. Chúng tôi từng leo núi lên đại vực Grand Canyon, chèo thuyền đổ thác và lặn cùng cá mập. Lần này, đó là chặng đường khó khăn lên tới tấm biển Hollywood.

Cùng nhau xem một bộ phim hay chơi một trò chơi điện tử sẽ dễ dàng và an toàn hơn nhiều. Nhưng nếu trải qua một tuổi thơ mà thiếu như những hành trình khám phá, mạo hiểm, lúc trưởng thành, bạn sẽ phải rất vất vả để học cách đối diện với những thử thách thực sự. Chắc chắn là những điều tồi tệ, những gian khó sẽ xảy ra nhưng đó cũng chính là môi trường thực tế nhất để kiểm chứng cho những nỗ lực của bạn có xứng đáng hay không. Đó chính là cuộc sống. Đối với các con tôi, cách tốt nhất để học về sự khác biệt giữa những mạo hiểm đáng để thử thách với những nguy hiểm nên tránh xa chính là rèn luyện trong thực tế.

Sau chuyến leo núi đó, con gái khoe với bạn bè ảnh chụp được ở tấm biển Hollywood. Vài bạn tỏ ra rất kinh ngạc khi thấy con tôi đứng cheo leo nơi vách núi. “Với những chuyến phiêu lưu như vậy, rủi ro cũng đáng thôi”, con gái tôi nói. Đây rõ ràng là câu con bé học được từ đâu đó và tôi không dám chắc rằng nó đã hiểu hết ý nghĩa của câu nói đó. Nhưng tôi thích cái cách con bắt đầu suy nghĩ và hành động theo hướng đó. Con gái tôi bắt đầu hiểu được những phần thưởng giá trị mà những nỗ lực, can đảm, chịu đựng đó có thể mang lại. Cùng với thời gian, khi lớn khôn, con gái tôi sẽ biết trân trọng ý nghĩa của những tính cách tốt đẹp đó. Và mặc dù những chuyến dã ngoại cuối tuần của chúng tôi chủ yếu thiên về hoạt động thể chất, chúng vẫn thực sự giúp răn dạy các con tôi về lòng dũng cảm.

Chỉ một vài thử thách trong đời mà con gái tôi phải đối mặt đòi hỏi sức mạnh cơ bắp. Những bài kiểm tra vĩ đại nhất là những bài kiểm tra về đạo đức, về nhân cách. Tôi muốn con gái chuẩn bị sẵn sàng, không chỉ sẵn sàng về mặt thể chất mà còn ở sự can đảm trong cách con bé đối xử với mọi người. Tất nhiên, mỗi lần con bé vượt lên được một đỉnh núi hay một con sóng lớn ngoài biển, tôi đều cảm thấy tự hào. Nhưng không gì có thể so sánh với cảm giác có trong tôi khi thấy con gái yêu thương của mình thể hiện lòng dũng cảm bằng cách đối xử thật tốt với những người xung quanh. Với một đứa trẻ 10 tuổi, điều đó có thể chỉ đơn giản là lời mời người bạn mới cùng ăn bữa trưa với mình.

Khi trưởng thành, dám đứng lên vì người khác sẽ cần lòng dũng cảm hơn, sự mạo hiểm nhiều hơn thế. Tôi không dám mong con gái sẽ không bao giờ bị thử thách theo cách đó, phải nhìn xuống đám đông hỗn loạn hay phải bảo vệ những cuộc đời vô tội ở nơi chiến sự ác liệt. Nếu tôi đúng, những thử thách đạo đức lớn nhất của con bé sẽ liên quan tới việc nêu ý kiến cá nhân của mình về một vấn đề xã hội nào đó trên tờ báo địa phương hay tới thư viện trường để đọc thật nhiều cuốn sách hay (những cuốn với “ý tưởng nguy hiểm” chẳng hạn). Nhưng tôi hiểu con gái tôi. Con bé luôn xúc động trước nỗi đau khổ của người khác và sẽ giúp đỡ những người cần giúp bất chấp việc đó có thể dẫn tới đâu.

Đó là lý do chúng tôi rèn luyện lòng dũng cảm. Một ngày nào đó, con gái sẽ phải rời khỏi suối nguồn mà chúng tôi đã cùng vun đắp. Khi ấy, con bé sẽ hiểu suối nguồn ấy sâu tới mức nào. Và có thể, nếu tôi đã làm tốt nhiệm vụ của mình, con gái sẽ nhớ bàn tay mẹ đặt lên vai mình, chỉ dẫn cho con vượt qua vách núi, hướng về phía tấm biển trắng khổng lồ ở phía bên kia ngọn đồi.

Vài nét về tác giả:

Ken Harbaugh có bằng tiến sĩ sau khi tốt nghiệp Trường Luật Yale và từng lái tàu trong Hải quân Mỹ. Các bài viết của Harbaugh đã được đăng tải trên The New York Times, The Huffington Post. Nơi anh chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về gia đình, nuôi dạy con cái là trang blog DadvMom.com.

Theo Trí thức trẻ

[mecloud]MlOg5EcY8V[/mecloud]