Dòng sự kiện:

Cách sử dụng 'uy quyền' sai lầm của cha mẹ khi muốn con vâng lời

21:41 09/08/2015
Muốn con ngoan ngoãn vâng lời, cha mẹ cũng phải dùng đúng cách.

Cứ hư là phạt

Cha mẹ nhiều khi không ý thức được rằng mình đang đàn áp con thông qua các hành vi như càu nhàu, la mắng, tỏ thái độ giận dữ, sẵn sàng dùng roi bất cứ khi nào. Từ việc con lỡ tay làm đổ cốc nước hay làm rớt đồ ăn ra nền đến chuyện trẻ không chào hỏi, quên làm bài, làm mất đồ... đều được gán tội "hư" và bị phạt.

Đứa trẻ nào cũng sợ khi bị phạt nhưng liệu điều đó có giúp con ngoan hơn hay khiến trẻ luôn sợ hãi, thậm chí muốn xa lánh bố mẹ. Nguy hiểm hơn, dần dần, khi lớn lên, lúc có cơ hội, trẻ sẽ lặp lại hành vi "đàn áp" từng phải chịu từ cha mẹ.

Mua chuộc con bằng quà cáp, lời hứa

"Con ăn hết bát cháo này, tí mẹ cho đi siêu thị nhé", "Nào, con ngoan chào bác đi, hôm nào bố mua máy xúc cho"... là những câu nhiều phụ huynh sử dụng để dụ dỗ con làm theo ý mình. Cách này có thể gây hại về lâu dài khiến trẻ chỉ biết đòi hỏi, thiếu động lực trong cuộc sống và khó vượt qua được các thử thách trong đời. 

Khoảng cách bề trên

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng nên giữ khoảng cách với con cái, cần đặt mình ở tư thế bề trên, ở vai trò chỉ huy thì con cái mới nể sợ và dễ nghe lời. Hậu quả của việc này là tạo khoảng cách tâm lý giữa cha mẹ và con, trẻ thậm chí coi bố mẹ là "khách trong nhà". Điều này khiến trẻ thu mình lại, ngại tiếp xúc với người khác.

Bố mẹ luôn tỏ ra "hơn người"

Nhiều bậc phụ huynh có thể có địa vị xã hội hoặc do tính cách, thường thích thể hiện "ta là nhất, là rốn của vũ trụ" khi ở nhà... Trẻ thường rất dễ nhiễm hành vi của người lớn. Nếu bố mẹ luôn tỏ ra "hơn người", trẻ cũng dễ ứng xử tương tự. Hậu quả là trẻ có thể lên mặt coi thường người khác, hay khoe khoang về bản thân và gia đình mình.

Dễ dãi với các yêu cầu con

Nhiều phụ huynh rất sợ trẻ khóc, ăn vạ và để con nghe lời, họ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của trẻ: mua đồ chơi mới, mở phim hoạt hình cho xem, làm trò để con chịu ăn, chịu ngồi yên hay thực hiện một yêu cầu nào đó của mình... Bố mẹ lầm tưởng như vậy là cách để con vâng lời nhưng thực ra họ đang củng cố có điều kiện cho hành vi không tốt của con.

Nếu luôn uôn dễ dãi đáp ứng mọi yêu cầu của con, bạn sẽ khiến trẻ thấy mình đang được "làm vua" trong nhà và những người khác phải có nghĩa vụ phục vụ bé.

Luôn độc đoán

Nếu bạn áp dụng cách này để mong con vâng lời thì thường ít hiệu quả bởi những lời nói thuyết giảng là điều trẻ vốn ít quan tâm nhất. Cách này có thể mang tới một số tác dụng không mong muốn như: Vì chỉ nói một chiều, ép con phải làm theo những tiêu chuẩn do mình đặt ra hoặc theo số đông, bố mẹ có thể không hiểu được những hứng thú, sở thích riêng của con, không thấy được những sự thay đổi, phát triển của trẻ.

Những đứa trẻ luôn phải làm theo mệnh lệnh dần dần sẽ trở nên thiếu tính sáng tạo, và lúc lớn lên, chúng có thể cũng sẽ cố gắng ra lệnh cho người khác nếu có cơ hội. 

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin