Dòng sự kiện:

Cách xử lý hay khi trẻ không chịu chia sẻ đồ chơi

22:10 26/11/2015
Không gì đáng yêu bằng việc ngắm nhìn đứa trẻ say mê chơi đồ chơi suốt buổi chiều. Nhưng khi có đứa trẻ thứ 2 xuất hiện thì đó là lúc một cuộc chiến giành giật đồ chơi bắt đầu.

Vào thời điểm khi trẻ nhìn nhận cuộc sống của mình là thế giới nơi tràn ngập những điều thú vị, một đứa trẻ sẽ muốn khẳng định quyền sở hữu của mình với tất cả mọi thứ mà trẻ để mắt đến.

"Một đứa bé rất ích kỷ trong giai đoạn này, và đây là lý do tại sao trẻ từ chối chia sẻ đồ chơi của mình - của cải quý giá của mình, chuyên gia JP Sordan giải thích.

Nhiều cha mẹ lo lắng rằng một đứa trẻ sẽ trở thành người ích kỷ nếu không biết chia sẻ với người khác. Họ thường giải quyết các vấn đề tranh chấp của trẻ bằng cách ép các bé chia sẻ đồ chơi với nhau. Nhưng liệu đó có phải là cách đúng đắn? Chắc chắn cách này sẽ khiến trẻ có suy nghĩ rằng: "Mình hoàn toàn có thể giành một thứ gì đó của người khác nếu mình thích nó”. 

Tiến sĩ Laura Markham, tác giả của cuốn sách "Phụ huynh an lòng, anh chị em hòa thuận", cho biết: "Việc ép buộc các bé chia sẻ với nhau không dạy cho trẻ những bài học mong muốn. Chúng ta chắc hẳn không muốn các bé cảm thấy mình nên ngừng những gì đang làm để "đưa" cái gì đó cho một bé khác chỉ vì bé đó yêu cầu thế".

Thay vi dạy con cách chia sẻ đồ chơi, hãy dạy con cách xử lý tình huống và các nguyên tắc khi chơi.

Tiến sĩ Laura cho rằng, cách tốt nhất đó là khuyến khích trẻ tự chia lượt chơi với nhau. Trong khoảng thời gian nào đó, bé hoàn toàn có quyền chơi thoải mái với món đồ chơi, nhưng khi thời gian kết thúc, bé phải trao lại món đồ chơi cho người khác.

"Việc bé tự quyết định sử dụng đồ chơi trong bao lâu sẽ khiến cảm thấy hoàn toàn vui vẻ với món đồ chơi, và sau đó có thể cho các bé khác mượn với một trái tim rộng mở", Tiến sĩ Markham nói.

Bà tin rằng làm như vậy sẽ giúp trẻ trải nghiệm cảm giác hài lòng với việc ai đó hạnh phúc và cuối cùng là dạy cho bé về sự hào hiệp. 

Chúng ta không thể lúc nào cũng ở bên cạnh con để “chiến đấu”, “tranh giành” mọi thứ cho bé được. Thay vào đó, chúng ta dạy bé làm thế nào có được những thứ mình muốn thông qua làm việc chăm chỉ, siêng năng và kiên nhẫn, điều này mới là quan trọng nhất.

Linh An (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam