Dòng sự kiện:

Cách xử lý khi các con tranh giành, xung đột nhau

20:00 08/08/2015
Những vụ tranh cãi, trêu chọc, mách lẻo, xô đẩy, đánh nhau giữa các con ở mức độ nào đó là không thể tránh khỏi.
Không dễ để bạn trở thành một trọng tài phân minh trước mọi “cuộc chiến” nhưng với những lời khuyên sau đây, bạn có thể giúp cuộc sống của các con hài hòa hơn.

Không so sánh các con với nhau

Việc so sánh những đứa trẻ với nhau rất dễ khiến chúng chạm lòng tự ái và tổn thương sự tự tin. Nếu trẻ ghen tỵ với chị vì chị học giỏi hơn, bố mẹ có thể tâm sự nhẹ nhàng để trẻ hiểu rằng ai cũng có những điểm mạnh và điểm hạn chế riêng.

Đừng biến mình thành trọng tài, hãy để các con học cách giải quyết

Bạn sẽ nhận ra rằng, nếu cứ đứng giữa 2 đứa trẻ và diễn xuất như một trọng tài thì không giúp giải quyết bất cứ điều gì. Vì vậy, ngoại trừ một số vấn đề đặc biệt, hãy để các con học cách giải quyết bất đồng.

Trong trường hợp bạn phải đứng giữa để giải quyết, hãy nhớ điều này: Đôi khi điều mà một đứa trẻ cần nhiều hơn đó là tình yêu thương và sự nhường nhịn chứ không phải “công bằng”, “bình đẳng”.

Lắng nghe trẻ

Ví dụ bạn có thể chủ động bắt chuyện với bé rằng: “Mẹ biết con đang tức giận vì em vừa làm hỏng con búp bê yêu quý của mình, hãy nói với mẹ vì sao chuyện lại xảy ra như thế”.

Được người khác lắng nghe và thoải mái bày tỏ cảm xúc của mình sẽ giúp con bạn nói ra được sự giận dữ và thất vọng mà bé cảm thấy đối với anh/chị/em. Con của bạn sẽ biết rằng cha mẹ chúng đã nghe và tôn trọng chúng.

Anh chị em không cần phải ở bên nhau mọi lúc

Những đứa trẻ là anh em/chị em không có nghĩa là lúc nào cũng cần phải “tập hợp” chúng bên nhau. Nếu trẻ em luôn bận rộn và năng động với các ý tưởng, hoạt động và lịch trình hàng ngày, chúng sẽ ít có thời gian tranh giành nhau.

Thỉnh thoảng bạn nên cố gắng sắp xếp ngày chơi riêng biệt hoặc các hoạt động cho mỗi đứa trẻ. Hãy tạo cho chúng cơ hội được làm những việc riêng, đặc biệt là nếu chúng đang có rất nhiều mâu thuẫn.

Thiết lập những quy tắc

Bạn thừa biết rằng việc chấm dứt hẳn những xung đột giữa các con là điều không thể, và tất nhiên bạn cũng không thể cấm chúng không được cãi nhau, không được tranh giành. Vậy thì hãy thiết lập ra những quy tắc “chiến tranh” để những cuộc xung đột không có kết thúc quá tệ.

 Có những hành vi không thể chấp nhận được dù giữa bọn trẻ đang có những tranh luận đó là: nói tục, chửi thề và đặc biệt là bạo lực.

Đừng khuyến khích việc mách lẻo

Khi con của bạn chạy tới mách mẹ chuyện em gái đã giật rồi quăng cuốn sách ra khỏi bàn hoặc anh trai không làm bài tập về nhà, nhớ nói với bé rằng bạn không muốn nghe từ bé những gì anh/chị/em của bé đang làm. Tuy nhiên, nếu bé muốn cho bạn biết những gì bé đang làm, bạn sẽ sẵn sàng lắng nghe.

Nên biểu lộ rõ ràng rằng bạn sẽ không can thiệp khi lũ trẻ đang cố gắng lôi nhau vào rắc rối, nhưng nhớ đảm bảo để chúng hiểu được một ngoại lệ quan trọng cho quy tắc này: Nếu ai đang có nguy cơ bị tổn thương hay làm tổn thương một ai đó, bạn phải được nghe về chuyện ấy ngay lập tức.

Thiết lập các ranh giới

Hãy quy định một vị trí đặc biệt cho đồ đạc của mỗi trẻ, chẳng hạn như mỗi bé có một kệ riêng. Nói với bé rằng trước khi muốn chạm vào bất cứ thứ gì trên kệ của anh/chị/em, chúng phải xin phép. Nên giúp các con đưa ra những dấu hiệu với tên của mỗi bé và các dòng chữ “Không đi vào” hoặc “Chỉ khi được cho phép”.

Nếu các con bạn gần nhau về tuổi, nên cho trẻ chơi những đồ chơi giống hệt nhau, điều này giúp ngăn chặn một số cuộc xung đột có thể xảy ra.

[mecloud]NjVg29o8kE[/mecloud]

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin