Dòng sự kiện:

“Cái ôm đầu tiên" cứu sống hàng loạt trẻ sơ sinh

02:32 22/07/2015
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, "cái ôm đầu tiên" của mẹ giúp ủ ấm trẻ, chuyển máu từ bánh nhau và những vi khuẩn có lợi từ mẹ sang con.

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động chiến dịch "Cái ôm đầu tiên" tại Việt Nam, với các bước đơn giản có thể cứu sống hàng nghìn em bé sơ sinh và ngăn ngừa hàng trăm nghìn ca biến chứng mỗi năm do các thực hành có hại hoặc lỗi thời trong chăm sóc trẻ mới chào đời. Gói hành động và can thiệp này đề cập đến các nguyên nhân cơ bản nhất của tử vong hoặc bệnh tật ở trẻ sơ sinh như đẻ non (sinh non), sơ sinh nhẹ cân hoặc nhiễm trùng nặng như viêm phổi hoặc tiêu chảy.

Trong hai thập kỉ qua, Việt Nam đã giảm tỉ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi trong tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên, thống kê trong các năm gần đây cho thấy, vẫn có khoảng 17.000 trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu đời mỗi năm. Vì lí do này, Cái ôm đầu tiên nêu bật tầm quan trong của chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm.

“Cái ôm đầu tiên" cứu sống hàng loạt trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa

Chia sẻ trên báo Thanh niên về phương pháp này, bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: “Cái ôm đầu tiên” vô cùng hữu ích cho cả mẹ và bé. Ngay khi chào đời, trẻ được nằm trên bụng mẹ, da kề da, điều này giúp cho bà mẹ giảm các stress, lo lắng trong quá trình mang thai, giảm nguy cơ băng huyết. Em bé giảm biến chứng nguy hiểm sau sinh; được cảm nhận sự chăm sóc, ủ ấp ngay trong những giây phút đầu đời. Đó là những yếu tố tích cực giúp bé vững vàng khi bắt đầu quen với các yếu tố môi trường, chống đỡ các vi khuẩn môi trường bên ngoài, từ đó cứng cáp, phát triển khỏe mạnh hơn.

Trên báo Vietnamnet, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Tuấn – Phó trưởng Phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết, hiện nay, tại khu vực TP.HCM nói riêng và phía Nam nói chung, Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị tiên phong áp dụng đại trà phương pháp này.

Trước kia, em bé sinh ra được sát trùng và cắt dây rốn trong 30 giây đầu tiên, cách ly khỏi mẹ, đưa đi hút đàm nhớt, làm vệ sinh…

Còn nay, phương pháp chăm sóc mới có 6 bước: thông báo cho mẹ về giới tính cũng như giờ sinh của trẻ, lau khô cho bé ủ ấm (bằng cách nằm trên bụng da kề da với mẹ), tiêm thuốc co tử cung cho mẹ, kẹp dây rốn muộn (từ 1 – 3 phút sau khi sinh), kéo dây rốn và xổ nhau, hướng dẫn sản phụ xoa đáy tử cung 1h sau sinh và hỗ trợ sản phụ cho bé bú sớm.

Như vậy, ngay sau khi chào đời em bé sẽ ở cùng mẹ suốt 1 giờ đồng hồ. Tất cả các thao tác cắt dây rốn, lau khô mình đều được thực hiện khi em bé đang nằm trên bụng mẹ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Lê Thiện Thái –PGĐ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết trên báo Khám phá, hàng năm, trên thế giới có khoảng 17.000 trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu đời. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác chăm sóc thiết yếu cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức.

Với vai trò là bệnh viện tuyến đầu về sản phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Trung ương là 1 trong 3 trung tâm được lựa chọn để triển khai các biện pháp chăm sóc thiết yếu ngay từ những ngày đầu cho trẻ sơ sinh. Các biện pháp này cần được thực hiện ngay tại nơi các cháu bé sinh ra với sự giúp đỡ của nhân viên y tế, nhưng vai trò của các bà mẹ là hết sức cần thiết.

Theo TS Thái, "Cái ôm đầu tiên của mẹ, hơi thở đầu đời của bé" cần được thực hiện trên mọi trẻ, trong mọi trường hợp để tạo sự gắn kết tình mẫu tử và chăm lo cho trẻ ngay từ giây phút cất tiếng khóc chào đời".

Theo nhận định của các chuyên gia, phương pháp chăm sóc thiết yếu sau sinh da kề da được đánh giá là an toàn cho cả mẹ và bé. Việc tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé trong vòng 1 giờ đầu sau sinh giúp trẻ phát triển tốt về tâm lý và thể chất ngay những giây phút đầu tiên từ khi chào đời. Quy trình chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau sinh da kề da là hoạt động có ý nghĩa trong việc cải thiện tình trạng tử vong mẹ, trẻ sơ sinh.

Mai Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Video nhiều người quan tâm:

[Mecloud]wVCTasRcnW[/Mecloud]