Dòng sự kiện:

Cảm động chuyện bố thần đồng Nhật Nam dạy con quản lý tiền

14:00 19/06/2016
PGS.TS Đỗ Xuân Thảo - bố "thần đồng" Đỗ Nhật Nam chia sẻ về tính khả thi của lý thuyết dạy con chuyện quản lý tiền nong.

Tin liên quan

  • Học hỏi "nghệ thuật phê" của mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam
  • Đỗ Nhật Nam và câu chuyện “nuôi dạy con là việc của mẹ”
  • Bố Nhật Nam: "Cảm ơn con mang mùa xuân trong trẻo về cho bố mẹ"
  • Mẹ Nhật Nam: “Có nhiều điều mẹ chưa làm được theo sách”
Bài viết của PGS.TS Đỗ Xuân Thảo (ĐH Sư phạm Hà Nội) - bố Đỗ Nhật Nam - về những điều trái lý thuyết dạy con tiêu tiền:

1. Từ lúc Đầu đinh còn nhỏ xíu, Áo vàng đã “huấn thị” mình: Các khoản dạy con thế nào cho ra dáng đàn ông, dạy quản lý tiền nong, dạy bản lĩnh và lòng dũng cảm...là thuộc về anh đấy nhé.

Rồi Áo vàng “kẻ cả”:

- Anh biết rồi đấy, em khuyết hẳn kĩ năng quản lý tiền nong. Nhà mình chẳng phải diện giàu có chứ nếu có nhiều tiền em cũng không biết tiêu gì. Mà ai không biết cách tiêu tiền thì lẽ dĩ tất ngẫu là cũng không biết cách kiếm tiền.

Nói thế là một mũi tên trúng hai đích: Vừa ý tứ giao cái việc khó nhằn nhất cho mình, vừa nhắc khéo: Việc chi tiêu, kiếm tiền và quản lí tiền nong, anh phải đảm đương cả đấy.

- Lại nữa, em vốn nhút nhát, con gì cũng sợ, cái gì cũng hãi. Trong tình hình đó, anh dạy con về lòng dũng cảm là chuẩn nhất rồi.
Ờ! Câu này thì được, mỗ đây từ nhỏ đã lăn lộn kiếm sống, hổ báo, thằn lằn, rắn ráo chả sợ con gì sất.

- Và cuối cùng, anh thì yêu đương nhiều, anh dạy con cách kết bạn, nhất là với bạn gái, nói chuyện với nó khi nó “lỡ” thích một ai đó. Lúc ấy có lẽ anh chẳng cần đọc sách gì, cứ kinh nghiệm lấy ra mà dùng...

Những câu nói kiểu này quả là có tính “sát thương” cao.

Thế là hết màn giao nhiệm vụ.

Mình nghe cũng có chút ấm ức.

Tuy nhiên, mình không bao giờ đôi co với Áo vàng. Dại gì! “Phụ nữ sinh ra vốn là để được chiều”, mình loáng thoáng đọc câu này ở đâu đó. Dù câu ấy nghe đầy màu sắc “tâm lí chiến” nhưng vẫn cứ phải áp dụng trong mọi hoàn cảnh. Chứ biết sao!
Nên mình rất chuyên tâm vào những vấn đề mà vợ nhắc nhở.

Đặc biệt chú trọng đến việc dạy con kĩ năng quản lý tiền nong.

Hai bố con Đỗ Nhật Nam.

2. Sau khi ngâm cứu, nghiền ngẫm các thể loại sách nuôi dạy con, mình thấy hầu hết các sách đều cùng khuyên những kỹ năng đại loại là:

Thứ nhất: Không đáp ứng ngay những nhu cầu về vật chất của con. Nghĩa là cần cho con một “khoảng trống” để con có thể hiểu, cảm nhận về niềm vui, về giá trị của món quà mà mình được nhận.

Thứ hai: Cha mẹ cần cho con lao động để con hiểu giá trị của lao động. Cái này mình đã trải nhiệm nên thừa nhận là đúng. Hồi nhỏ, để kiếm được dăm hào mình phải lặn lội mò cua tát cá đến bật cả máu tay. Vì vậy, mỗi lần có mấy hào lạo xạo trong túi, mình luôn cảm tưởng như có cả một kho kim cương. Chốc chốc lại cho tay vào túi sờ sờ nắn nắn, sợ nhỡ mải chơi tiền rơi mất. Và nếu có thèm cái bánh rán, que kem mút đến ngạt thở nhưng nghĩ đến việc phải chia tay với những đồng hào trong túi là mình cứ thấy tiếc hùi hụi.

Sau này khi đã làm nghề thầy, mỗi đồng tiền kiếm được do “bán cháo phổi” khắp tỉnh gần tỉnh xa, mình đều tằn tiện căn cơ dù chút tiền đó có phải chia năm sẻ bảy. Có lẽ thế nên khi nghe lời thổ lộ: “Cho anh hôn đến mùa anh trả thóc”, mình tin, câu nói ấy xuất phát từ một người có cảnh ngộ hệt như mình.

Thứ ba: Cần dạy cho con biết cách chi tiêu cho hợp lý. Bố mẹ nên giao cho trẻ một số lượng tiền nho nhỏ để trẻ làm quen với cách chi tiêu. Qua đó trẻ sẽ hiểu chi tiêu thế nào cho phải. Cái này mình thấy đúng và người Nhật cũng thường áp dụng. Nếu không biết cách chi tiêu sao cho khéo, chắc có nhiều đận mình cũng đã rơi vào cảnh “còn cái lai quần cũng... bán” vì tiền nong ít ỏi. Cứ bới đất nhặt cỏ, cứ vun vun vén vén, thiện tâm tâm thiện rồi trời cũng rủ lòng thương...

Và cuối cùng, hãy dạy cho con biết quý trọng đồng tiền. Để con hiểu rằng, làm ra đồng tiền là kết quả mồ hôi nước mắt của cha mẹ, không phải bỗng nhiên có túi tiền rơi ầm một nhát vào đầu.

3. Lý thuyết thì nắm vững rồi. Dễ ợt. Mình rắp tâm sẽ uốn nắn Đầu đinh.

Ơ! Nhưng mà đến khi áp dụng vào thực tế thì lại có vẻ rất khác.

Ví dụ nhé, có đận Đầu đinh rất thích đồ chơi ô tô. Nó có thể say mê nhìn ngắm rồi chơi với một cái ô tô đồ chơi cả ngày không chán. Nó mê đến nỗi đi ngủ tay cũng cầm ô tô. Mỗi lần đi qua hàng bán ô tô đồ chơi, mắt nó lấp la lấp lánh.

Và trong tình huống này, “lý thuyết” sẽ là con đòi và bố sẽ tạo “khoảng trống” bằng cách lạnh lùng nói: Không, từ từ đã, bố chưa thể mua cho con được.

Nhưng khổ nỗi, Đầu đinh lại không đòi.

Nó len lén đi qua hàng bán ô tô đồ chơi, len lén nhìn vào bên trong với ánh mắt thèm thuồng, tội nghiệp không thể tả.

Mình thấy thế, tim cứ mềm oặt ra. Quên cả “lý thuyết”, mình bấm bấm vào tay Đầu đinh, bảo: Bố mua cho con một cái nhé.

Nó ra sức lắc đầu: Không, không, con có đủ bộ rồi bố à.

Rồi nó kéo tay mình, như để thoát khỏi sức cám dỗ khủng khiếp của mấy cái ô tô đồ chơi xanh đỏ tím vàng...

Mình cố gắng đi chậm lại, nài nỉ: Mua một cái nhỏ thôi con, không tốn tiền lắm đâu.

Nó ngần ngừ: Thôi, mình vào xem thôi bố nhé.

Ừ, xem thôi. Mình hớn hở.

Thế là hai bố con tạt vào quầy bán đồ chơi. Đầu đinh đi chầm chậm, mắt nhìn chăm chú từng cái, từng cái. Rồi nó đọc vanh vách các nhãn hiệu, các kiểu dáng, các thế hệ ô tô mới ra lò, rồi năm sản xuất, nước sản xuất...Nó cứ như một chuyên gia nghiên cứu xe hơi thứ thiệt.

Mình lại năn nỉ: Bố mua cho con cái đó nhé.

Nó cương quyết lắc đầu: Không nên lãng phí bố à. Con có đủ các loại rồi.

Nhưng con sưu tập mà, càng nhiều càng tốt chứ.

Không, sưu tập cũng phải chọn lọc, không thể bạ đâu mua đấy bố à.

Ối giời, thế là cái “lý thuyết” mình mò mẫn học được chẳng có tính khả thi. Chả có cơ hội để “giáo dục”con về sự tiết kiệm, về cách tạo “khoảng trống” trong nuôi dạy con.

Mình hiểu Đầu đinh mê chơi ô tô, chơi tàu bay lắm nên tranh thủ lúc nó mải ngắm nghía dãy đồ chơi, mình nháy mắt với cháu bán hàng mua cho nó một cái bé xíu.

Mình tủm tỉm cười, nắm chặt tay con. Cái ô tô đồ chơi xinh xinh nằm ở giữa tay con và tay bố ấm dần lên, ấm dần lên.

Nó mở to mắt ngơ ngác nhìn mình...

Dễ thương đến lìm lịm cả tim.

4. Còn chuyện dạy con về việc quản lý chi tiêu nữa. Mình nhớ lý thuyết lắm, phải tập cho con chi tiêu trong hạn mức quy định.
Ấy thế nhưng Đầu đinh cũng cứ làm cho mình chẳng có cơ hội áp dụng.

Từ năm lên 6 tuổi, Đầu đinh đã tham gia đóng phim, làm MC một số chương trình truyền hình. Thi thoảng cũng nhận được thù lao. Rồi nó còn thi thố được giải và được thưởng tiền. Thế là Đầu đinh gom góp lại, để riêng một chỗ.

Cái cách cất tiền của nó thì buồn cười lắm. Nó xin mình một cái vali có khóa số rồi xếp vào đó từng đồng tiền ngay ngắn, thẳng tăm tắp. Nó phân loại mệnh giá 10 nghìn, 50 nghìn, 100 nghìn...Bên ngoài mỗi loại kẹp một tờ giấy ghi số tiền. Chữ nghĩa như phượng múa rồng bay...
Nó cập nhật từng ngày theo số tiền có được.

Thi thoảng, nó lấy cái vali ra, ra chiều suy nghĩ mông lung. Mình hỏi: Con nghĩ gì thế?

Nó thủng thẳng trả lời: Con đang nghĩ cách đổi mã số, cho... an toàn bố ạ.

Ối giời!

Giữ kĩ thế nhưng nếu mình hỏi vay, nó lập tức lón xón chạy vào lấy tiền hào phóng đưa cho mình. Nó bảo: Bố cứ tiêu đi, đừng ngại, của con cũng là của bố.

Cái thằng thế đó, chỉ giỏi làm cho bố ứa nước mắt ...

Cái tính thu va hà vén này, nó giữ mãi cho đến khi du học xa nhà.

Mình đưa cho nó ít tiền tiêu vặt. Nó lận thật kĩ. Hễ tiêu cái gì cũng nhắn tin hỏi ý kiến Áo vàng.

Có đợt thi thoảng thấy nó hay đi siêu thị mua mì Hàn Quốc về ăn sáng vì mùi vị của loại mì này khá giống với vị mì Việt Nam.

Nhưng rồi không thấy đi nữa, mình hỏi thì Đầu đinh bảo: Thôi, con ăn sáng ở trường được rồi bố. Với con, vị mì nào cũng ngon cả mà...

Có cái đồng hồ đeo tay hỏng, mình giục mua. Nó lên mạng canh sale các thể loại, cuối cùng mua một cái giá...15 đô.

Mình trách, sao con không mua cái tôn tốt mà dùng.

Nó bảo, xem giờ là được bố ơi. Quan trọng là mình làm gì với thời gian chứ không phải cứ ngồi canh cho thời gian trôi đi bố à...

Mấy hôm trước, trên đường về nước nghỉ hè, nó kẽo kẹt kéo cái va li hỏng khoá về nhà bác Chung ở New York. Bác Chung kể chuyện cái va li hỏng với Áo vàng. Áo vàng nhờ bác mua cho nó cái vali mới. Nó thẽ thọt với Áo vàng: Con biết ở nhà mình còn ối va li nên mẹ bảo bác đừng mua tốn tiền mẹ nhé! Con sẽ mượn bác một cái để thay va li hỏng, rồi về nhà lấy cái cũ mang sang dùng mẹ à...

Biết là nó tiếc tiền nên mình thương đứt ruột.

5. Ôi, Đầu đinh ơi, “ông” cứ làm cho cái mớ lý thuyết mà tôi học được chả có cơ áp dụng.

Tiết kiệm thế nhưng khi cần mua quà cho Áo vàng, Đầu đinh lại chẳng nề hà. Nó bảo, mua sắm gi gỉ gì gi cái gì tặng mẹ là con phải chọn loại đẹp nhất, tốt nhất, xịn nhất.

Nó còn đi cắt cỏ đến chai sần cả tay để lấy tiền mua biếu mẹ cái túi màu hồng đẹp nhóng nhánh.

...Nên nhìn nó, mình cứ thấy...bóng mình.

Nên mình mới ngộ ra có những điều không chỉ là dạy dỗ. Nó lặng lẽ thẩm thấu sang nhau, ngấm vào nhau, âm thầm mà mạnh mẽ.

Nên nhìn cái túi rủng rỉnh tiền xu mà nó cóp nhặt từ Mỹ mang về trong kỳ nghỉ hè, mình nhớ da diết chính mình.

Ấy là vào năm 35 tuổi, mình đập bỏ gian nhà lá dột nát để xây nhà mới sau nhiều năm trời dành dụm tằn tiện. Mình mang cả khối tài sản là một “túi vàng” ra hiệu kim hoàn bán lấy tiền xây nhà. Chủ cửa hiệu là người quen thân nên không ngần ngại hì hụi ngồi đếm chỗ vàng. Đếm xong rồi phân loại. Vàng thành chỉ để riêng. Những phân, những li, những lát vàng bé xíu để riêng, luyện thành vàng miếng rồi mới cộng tổng. Cả thảy được hơn tám cây vàng.

Sở dĩ có rất nhiều lát, nhiều li vàng như thế trong khối tài sản của mình là vì từ cuối thời bao cấp, mình đã là hàng xóm thân cận của chú Khuê. Chú có nghề vàng gia truyền, chuyên thu gom quặng vàng của những người đi khai thác về luyện thành vàng nguyên chất để bán. Hàng ngày cứ cuối buổi chiều, mình sang phụ giúp chú. Chú thương nên cứ có ý dành những cám vàng bay ra trong quá trình tôi luyện cho mình gom lại. Những bụi vàng này bám trên bàn ghế, dụng cụ chế tác, giẻ lau, ngóc ngách nhà cửa, quần áo, thậm chí ở cả cống rãnh...Cứ vài ngày mình lại nhờ chú “hầm” giúp mình những “chiến lợi phẩm” thu được trong quá trình lau chùi, dọn dẹp ấy thành những lát vàng nhỏ xíu mỏng mảnh...Đoạn trường thu gom và chế tác bụi vàng thành những sợi vàng tinh chất như thế thì cơ khổ trần ai. Cả người mình luôn trong tình trạng ám mùi a xít nồng nặc. Cái bệnh tức ngực khó thở còn di hại đến bây giờ...Mình sẽ kể tỉ mỉ về chuyện này trong một bài viết khác...
Tích cóp nhiều năm rồi cũng được cả vốc vàng...

Lâu dần, chú Khuê coi mình như con. Chú toàn gọi mình là “cậu cả”. Đi sớm về khuya chú chú cháu cháu ân nghĩa vẹn tròn.

Giờ chú đã rời cõi tạm, viết ra những dòng này, mắt mình ầng ậng nước...

Bởi vậy mình tin, rồi Đầu đinh cũng thế. Cũng biết chắt chiu, tằn tiện, tảo tần. Cũng trân quý từng giọt mồ hôi của mẹ cha và của chính mình.

Và mình càng hiểu một điều giản dị rằng, trong mọi phương pháp, quá trình cha mẹ làm gương chính là phương pháp sống động nhất, giàu sức thuyết phục nhất.

Như Đầu đinh nhà mình ấy, khi cầm những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi nó đã biết nghiêng mình.

Để thương bố mẹ, để thương mình, thương người và thương cả cuộc đời cần lao...

Phải vậy không, Đầu đinh của Bố!

PGS.TS Đỗ Xuân Thảo